Lập làng, giữ rừng

Nguyễn Văn Bình 03/01/2013 09:59

Được chính quyền tiếp sức di dời đến nơi ở mới an toàn, đồng bào Ca Dong làng Ông Đông lập làng định cư tại khu vực ven sông Boa, đồi Trĩ, tập trung khai hoang làm lúa nước, giữ rừng, đẩy lùi nghèo đói, hủ tục và trở thành điểm sáng ở vùng cao Trà My.
Thoát hiểm

Trước đây, làng Ông Đông ở thôn 5 xã Trà Giáp (huyện Bắc Trà My) nằm dưới chân núi Ví. Trong một lần đi săn, già làng Nguyễn Văn Đông phát hiện trên đỉnh núi có một vết nứt lớn kéo dài vài trăm mét. Vết nứt ngày càng rộng dần sau các trận mưa dài. Mùa mưa năm 2004, đêm đến, dân làng không ai dám chợp mắt, đồi núi như cựa quậy. “Ở làng cũ phải làm rẫy vì quanh làng là đồi núi. Già nghĩ kỹ rồi, đến khu đồi Trĩ, sông Boa lập làng mới, điều kiện sống và sản xuất sẽ tốt hơn. Ở đó đất đai bằng phẳng, kề sông suối dễ khai hoang làm lúa nước. Bây giờ làm lúa nước mới đủ ăn và mới giữ được rừng” - già làng Nguyễn Văn Đông tâm sự. Mặc dù khu này xa trung tâm xã và cách làng cũ khoảng 2km, song do nhận thấy được lợi thế về tiềm năng phát triển kinh tế, thêm vào đó, được già Đông và các đảng viên giải thích cụ thể nên dân làng đều đồng tình dời làng về đất mới. Theo nguyện vọng của dân làng, UBND huyện Bắc Trà My thành lập tổ công tác khảo sát thực tế, lập phương án di dời dân khỏi vùng sạt lở, đồng thời hỗ trợ mỗi hộ 3 triệu đồng. Trước mùa mưa năm 2005, toàn bộ 46 hộ dân với gần 270 nhân khẩu làng Ông Đông đã đồng loạt tháo dỡ nhà cửa về dựng nhà lập làng định cư tại khu đồi Trĩ, sông Boa.

Người dân làng Ông Đông khai hoang làm lúa nước trên vùng đất mới.Ảnh: VĂN BÌNH
Người dân làng Ông Đông khai hoang làm lúa nước trên vùng đất mới.Ảnh: VĂN BÌNH

Di dời, nhân dân làng Ông Đông đã kịp thời thoát hiểm, bởi ngay trong mùa mưa năm 2005 và 2006, dãy núi Ví đã nứt đôi, đất đá sạt đổ xuống sát làng. Và trong mùa mưa năm 2007, làng Ông Đông cũ đã không còn dấu vết khi bị đất đá núi Ví vùi lấp hoàn toàn. “May mà chính quyền kịp thời hỗ trợ nhân dân di dời, nếu không dân làng Ông Đông đã gặp họa lớn. Bây giờ về làng mới, có nước tưới, có đất canh tác, dân làng chỉ tập trung lo làm ăn thôi” - ông Nguyễn Văn Phóng, Trưởng thôn Boa bộc bạch.
Vùng đất mới ở khu đồi Trĩ, sông Boa rộng và bằng phẳng, làm rẫy hay trồng lúa nước đều rất thuận lợi. Nên dù khu vực này cách trung tâm xã hơn 12km, là điểm dân cư xa xôi nhất của huyện Bắc Trà My, song làng đã có sự chuyển mình đáng kinh ngạc. Điều đáng ngạc nhiên nhất là dân làng hầu như không uống rượu, chuyện rất hiếm thấy ở các thôn nóc vùng núi. Chuyện hy hữu này xuất phát từ những người có uy tín và cán bộ thôn như Bí thư Chi bộ thôn Nguyễn Thái Bàn, Trưởng thôn Nguyễn Văn Phóng, già làng Nguyễn Văn Đông… “Ở đây, trưởng thôn, các đảng viên và già làng người nào cũng khai hoang ít nhất 4 - 5 sào đất, nuôi vài ba con trâu bò trở lên. Kinh tế gia đình ổn định, con cái được theo học con chữ đường hoàng. Trong các dịp lễ hội bà con chỉ nhấp rượu cần chung vui đôi chút, chứ không có chuyện uống rượu la cà, say xỉn” - Bí thư Chi bộ thôn, ông Nguyễn Thái Bàn chia sẻ. Sự gương mẫu của cán bộ, đảng viên được dân làng noi theo. Bây giờ ở làng không còn chuyện “đàn ông ở nhà uống rượu, đàn bà đi rẫy”.

Điểm sáng

Đến nơi ở mới, mỗi hộ dân làng Ông Đông cũ đều tìm được cho gia đình mình vùng đất ưng ý nhất quanh khu vực nhà ở để khai hoang làm lúa nước và phát triển chăn nuôi. Diện tích làm lúa nước của làng liên tục được mở rộng và hiện đã có tổng diện tích khoảng 20ha, trở thành nơi có diện tích làm lúa nước lớn nhất ở các xã vùng cao Bắc Trà My. Từ ngày về nơi ở mới, làng luôn có đủ lương thực tại chỗ, không còn xảy ra tình trạng thiếu đói mùa giáp hạt như trước, cũng không còn chuyện phá rừng làm nương rẫy nữa tràn lan nữa. Các dãy núi, rừng già ở đây hầu như còn nguyện vẹn. Con trẻ trong làng đều ra lớp đúng độ tuổi, không có tình trạng bỏ học giữa chừng. Làng chưa có điện lưới quốc gia nhưng nhà nào cũng đã có điện thắp sáng nhờ ngăn suối, làm đập, lắp đặt hệ thống điện thủy luân. Nhiều gia đình còn mua được ti vi, đầu thu tín hiệu phát thanh, truyền hình qua vệ tinh để theo dõi tin tức, giải trí…
Ông Nguyễn Văn Phóng cũng chia sẻ rằng, do đường đi quá cách trở nên nông sản dân làng làm ra chỉ phục vụ tại chỗ là chính, trong khi đó các mặt hàng nhu yếu phẩm như đường, dầu ăn, mì chính… phải mua giá đắt do chi phí “cõng” hàng vào làng. Do đó, bà con nơi đây mong có được con đường về làng thuận lợi để có cơ hội phát triển tốt hơn. “Đến với làng, lãnh đạo huyện rất ấn tượng với nghị lực, ý thức của người dân. Huyện đang tiếp tục có nhiều ưu đãi giúp bà con như khảo sát làm thủy lợi cung cấp nước tưới cho các diện tích đã khai hoang; cấp con giống, cây giống cho dân sản xuất, định hướng bà con trồng cây nguyên liệu ở các vùng đồi, rừng nghèo. Huyện cũng quyết tâm trong 3 - 5 năm tới phải mở bằng được con đường, đảm bảo giao thông thông suốt về khu vực này, giúp bà con giao thương, đi lại thuận lợi” - ông Trần Anh Tuấn, Phó Chủ tịch UBND huyện Bắc Trà My nói.

Sự chuyển mình, đổi thay tại nơi ở mới sau khi thoát hiểm, dân làng Ông Đông đang mở ra một tương lai hứa hẹn bởi vẫn còn đó các già làng, cán bộ đảng viên mẫu mực sẽ tiếp bước, làm đầu tàu đồng hành với bà con.

Nguyễn Văn Bình

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Lập làng, giữ rừng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO