Lập vành đai bảo tồn sinh học rừng Trường Sơn

TRẦN NGUYỄN 27/07/2018 13:59

Bằng nhiều phương pháp tiếp cận, nghiên cứu khác nhau và dành nguồn lực đầu tư, Việt Nam và các tổ chức bảo vệ môi trường quốc tế đã tập trung thiết lập vành đai bảo vệ nghiêm ngặt đa dạng sinh học ở dãy rừng Trường Sơn.

Viện Sinh thái và tài nguyên sinh vật (Viện Hàn lâm khoa học Việt Nam) vừa hoàn tất bản báo cáo sau thời gian điều tra đa dạng sinh học tại lâm phận 2 khu bảo tồn ở Quảng Nam. Theo kết quả mới nhất, tại Khu bảo tồn loài và sinh vật cảnh Sao La bao phủ bởi phần lớn diện tích 2 huyện Đông Giang và Tây Giang hiện có 38 loài thú nhỏ; trong đó có nhiều loài nằm trong sách đỏ Việt Nam như chồn dơi, sóc đen, sóc bay đen trắng, sóc bay trâu. Đáng mừng là còn hiện hữu 3 loài nằm trong Sách đỏ thế giới. Như vậy, so với đánh giá trước đây, số lượng loài được ghi nhận giảm đến 23 loài.  Còn tại Khu bảo tồn thiên nhiên sông Thanh (nằm chủ yếu ở huyện Phước Sơn và Nam Giang), nhóm nghiên cứu ghi nhận 52 loài thú nhỏ, trong đó có 3 loài nằm trong Sách đỏ thế giới như chuột chuỗi răng nhỏ, sóc đen và chuột răng to.

Kể từ khi hoạt động tại Việt Nam, Quỹ Quốc tế bảo vệ thiên nhiên (WWF) đã có những quyết định lâu dài để kết nối các cánh rừng, khu sinh cảnh bị phân mảnh tạo thành hành lang rộng lớn cho các loài phát triển; thực hiện hoạt động nghiên cứu và bảo vệ cho các khu bảo tồn. Tại Quảng Nam, từ năm 2012 đến nay, WWF đã triển khai nhiều chương trình phục hồi rừng như quản lý rừng dựa vào cộng đồng, khoán bảo vệ rừng tự nhiên, trồng mới phục hồi rừng bằng cây bản địa và khoanh nuôi tái sinh rừng tự nhiên. Theo phân tích của tổ chức này, đa dạng sinh học dãy Trung Trường Sơn, nhất là các khu bảo tồn ở Quảng Nam và Thừa Thiên Huế đang đứng trước nguy cơ bị đe dọa nghiêm trọng từ hoạt động săn bắn trái phép, tình trạng phá rừng, khai thác khoáng sản trái phép của con người và biến đổi khí hậu...

Với sự tài trợ của Chính phủ Thụy Điển, dự án “Tăng cường vai trò của cộng đồng và các tổ chức xã hội trong công tác bảo tồn khu vực Trung Trường Sơn” bắt đầu thực hiện từ năm 2018 - 2022, tại vùng đệm Khu bảo tồn loài và sinh vật cảnh Sao La. Không những cá thể sao la, mà nhiều loài động thực vật quý hiếm như trầm hương, sến mật, trắc, kiền kiền, động vật có mang Trường Sơn, trĩ sao, voọc vá chân nâu... sẽ được khoanh vùng bảo vệ nghiêm ngặt. Ông Từ Văn Khánh – Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh cho biết, dự án sẽ giúp tăng cường năng lực cho các tổ chức xã hội và cộng đồng để tham gia tích cực, hiệu quả trong quá trình vận động chính sách, quyết định có liên quan đến công tác bảo vệ môi trường và bảo tồn thiên nhiên, nhằm phục hồi và phát triển, tăng số lượng cá thể sao la một cách bền vững. Ngoài ra, hỗ trợ phát triển kinh tế xã hội vùng đệm nhằm thu hút người dân tham gia bảo vệ đa dạng sinh học, giảm dần sức ép của vùng đệm đối với khu bảo tồn.

TRẦN NGUYỄN

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Lập vành đai bảo tồn sinh học rừng Trường Sơn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO