Lập vùng kinh tế lâm nghiệp tập trung

TRẦN NGUYỄN 11/08/2017 08:49

Thông qua quy hoạch, bức tranh vùng kinh tế lâm nghiệp của tỉnh đã được nhận diện rõ hơn, điều còn lại là cần rút ngắn lộ trình thực hiện nâng cao chuỗi giá trị kinh tế rừng.

Không phải ngẫu nhiên, trong đề án tái cơ cấu sản xuất, Tổng cục Lâm nghiệp rất chú trọng đến việc thay thế giống cây trồng, đầu tư trồng rừng gỗ lớn và cấp chứng chỉ rừng đạt tiêu chuẩn quốc tế. Một cuộc hội thảo do Tổng cục Lâm nghiệp phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu nông lâm thế giới tại Việt Nam đã chứng minh rằng, cơ hội để các huyện miền núi (phần lớn người dân sống phụ thuộc rừng) thay da đổi thịt là phải hình thành các vùng kinh tế lâm nghiệp tập trung. Muốn gỡ thói quen sản xuất, trồng rừng kiểu tự phát, nông hộ thiếu liên kết, phải khẩn trương mời gọi doanh nghiệp vào đầu tư. Trên thực tế, lực cản lớn nhất ở ngành công nghiệp chế biến gỗ của tỉnh là hầu hết nhà máy mua tự phát gỗ từ rừng trồng của người dân, doanh nghiệp chưa được quy hoạch sẵn vùng nguyên liệu phục vụ nhà máy với diện tích lớn. Ông Đoàn Văn Hùng - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Gỗ công nghiệp Quảng Nam (nhà máy đóng tại xã Quế Thọ, huyện Hiệp Đức) cho rằng, mật độ quy hoạch các nhà máy chế biến dăm gỗ hiện nay là quá dày đặc, bất hợp lý nên chính quyền tỉnh cần xem xét quy hoạch các nhà máy chế biến gỗ cách xa nhau, tránh việc cạnh tranh nguyên liệu không lành mạnh.

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh, để hình thành các vùng rừng kinh tế lâm nghiệp tập trung, thời gian tới, chính quyền sẽ quyết liệt chỉ đạo các ngành hữu quan xác lập quyền sử dụng đất ổn định cho các chủ rừng để họ yên tâm đầu tư phát triển rừng. Đồng thời xây dựng các mô hình trồng rừng thâm canh và sử dụng giống chất lượng cao; thúc đẩy liên doanh liên kết sản xuất giữa các doanh nghiệp và hộ gia đình trồng rừng, tạo chuỗi sản xuất - kinh doanh khép kín nhằm đảm bảo sản xuất ổn định, bền vững. Khuyến khích các hộ trồng rừng liên kết với nhau trong trồng rừng gỗ lớn gắn với cấp chứng chỉ rừng đạt chuẩn quốc tế. Ông Nguyễn Vũ (chuyên gia Quỹ Bảo vệ thiên nhiên quốc tế) khuyến cáo, để làm giàu hệ sinh thái rừng, cần nâng cao ý thức của người dân về sử dụng sản phẩm thân thiện môi trường, có nguồn gốc rõ ràng. Xây dựng định hướng, cơ chế phát triển rừng gỗ lớn có chứng chỉ quản lý rừng bền vững đạt chuẩn quốc tế gắn với chiến lược lâm nghiệp của tỉnh.

Sở NN&PTNT đặt mục tiêu, đến năm 2020, tại các huyện vùng núi, gò đồi của tỉnh sẽ hình thành các vùng rừng kinh tế lâm nghiệp tập trung, với quy mô diện tích 100.000ha. Nâng cao năng suất rừng trồng các loài keo để đạt mức sản lượng bình quân 150m3/ha/chu kỳ từ 5 đến 7 năm (hiện nay chỉ dưới 100m3/ha). Được biết, trên địa bàn tỉnh mới có 8 loại cây được công nhận nguồn giống gồm kiền kiền, lim xanh, sơn huyết, tram, dẻ, keo lưỡi liềm, sao đen và keo lai. Để phục vụ cho vùng rừng kinh tế lâm nghiệp, nhất thiết phải phát triển mạnh các mô hình trông keo nuôi cấy mô, có vùng nguyên liệu đảm bảo chất lượng...

TRẦN NGUYỄN

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Lập vùng kinh tế lâm nghiệp tập trung
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO