Lát cắt “con đường tơ lụa” trên biển

LÊ VŨ 07/02/2013 15:00

Cù Lao Chàm được mô tả trong sách Đại Nam nhất thống chí là hòn đảo “làm trấn sơn cho cửa biển Đại Chiêm”. Vị trí quan trọng ấy được hình dung như một “lát cắt” của con đường tơ lụa trên biển…

Ông Hồ Xuân Tịnh, Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL, người có nhiều năm nghiên cứu về quá trình giao thương của các nước với Cù Lao Chàm và Cửa Đại, cho rằng Cù Lao Chàm là đảo tiền tiêu, “nối nhịp” với Cửa Đại và thương cảng Hội An. “Nằm trên trục giao thông đường biển nối với các trung tâm buôn bán lớn của các quốc gia vùng Đông Nam Á và Trung Cận Đông, Cù Lao Chàm là nơi tàu bè thường ghé lại để nghỉ ngơi, lấy thêm lương thực, nước ngọt, tránh gió bão… cho chuyến hải hành liên quốc gia thường kéo dài trong nhiều tháng” - ông Tịnh lý giải.

Bãi Làng ở Cù Lao Chàm. Ảnh: H.X.H
Bãi Làng ở Cù Lao Chàm. Ảnh: H.X.H

Theo nhiều tài liệu, từ thế kỷ thứ VII đến thế kỷ thứ XII, con đường tơ lụa, hương liệu và gốm sứ được hình thành, hoạt động hàng hải trên biển Thái Bình Dương trở nên nhộn nhịp. Tàu buôn từ Địa Trung Hải đến Trung Quốc  mang theo vàng bạc, kim loại (từ các mỏ Ba Tư và lân cận), thủy tinh, đồ trang sức (vùng Trung Đông) sang các nước phương Đông và Trung Quốc buôn bán. Sau đó, họ mua lại đồ gia dụng, tơ lụa, gốm sứ, lâm sản, hải sản quay về. Trên hải trình đó, họ có ngang qua Cù Lao Chàm. Con đường giao thương này được gọi tên là Con đường tơ lụa trên biển hoặc Con đường gốm sứ.

Sớm nhìn ra giá trị của Cù Lao Chàm, từ cuối thế kỷ XVIII, Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Anh - Macarthay đã 3 lần cử các đoàn khảo sát đặc biệt và thương thuyết với triều đình nhà Nguyễn cho thuê lại Cù Lao Chàm để làm thương cảng, một trung tâm kinh doanh buôn bán quan trọng trên con đường tơ lụa trên biển.

Dưới sự dẫn dắt của các chúa Nguyễn, người Việt kế thừa những thành quả khai phá Chiêm cảng xưa của người Chăm và xây dựng Hội An trở thành một đô thị thương cảng sầm uất, phát triển mạnh mẽ trong các thế kỷ XVII - XVIII. Cửa Đại Chiêm trở thành một trong những cảng thị thuận lợi để tàu thuyền quốc tế cập bến, trao đổi mua bán hàng hóa. Thương thuyền của các nước Nhật Bản, Trung Quốc, Xiêm La, Miến Điện, Malaysia, Bồ Đào Nha, Anh, Pháp, Hà Lan... đến Hội An buôn bán, thường phải qua trạm kiểm soát và thu thuế ở Cù Lao Chàm.

Sở dĩ Cù Lao Chàm là một đảo tiền tiêu, đầu tiên phải kể đến những giếng nước ngọt của người Chăm, đến nay vẫn còn. Người Chăm xây giếng bằng đá, miệng giếng tròn như bầu trời, lòng giếng vuông như mặt đất, nguồn nước ngọt từ lòng đất sâu bốn mùa không cạn. Theo các nhà nghiên cứu, các thương thuyền Âu và Á châu từ cổ xưa đã từng vào giếng cổ người Chăm này lấy nước ngọt để tiếp tục hải trình. Trong những chuyến ghé ngang ấy, sản vật cù lao được các thương nhân để ý đến, nhất là tổ yến. “Ban đầu, các tàu thuyền đến Cù Lao Chàm chỉ để ghé lại lấy củi và nước ngọt, nhưng lâu ngày trở thành một nơi lưu trú có giá trị rồi xuất hiện mối quan hệ buôn bán. Dù không lớn, nhưng đây thực sự là điểm giao lưu văn hóa” - ông Hồ Xuân Tịnh nói.

Ở ngoài khơi Hội An, cách Cù Lao Chàm 14 hải lý về phía đông bắc, một cuộc khai quật dưới biển với quy mô chưa từng có trong những năm 1997 - 2000 đã phát hiện khoảng 150 nghìn đồ gốm hoa lam hầu như còn nguyên vẹn trên một con tàu đắm, niên đại khoảng giữa thế kỷ XV, trong đó có nhiều gốm sứ Chu Đậu - Hải Dương. Kết quả này cho thấy con tàu đắm đã mua gốm từ một thương cảng nào đó ở Bắc Bộ, đang trên đường xuống phía nam đến các nước Đông Nam Á  tiêu thụ thì bị đắm.
Tại Bãi Làng, các nhà khảo cổ cũng đã khai quật được nhiều mảnh gốm thời Đường (niên đại khoảng thế kỷ VII – X), một số mảnh gốm Islam của vùng Trung Cận Đông (khoảng thế kỷ IX - X), nhiều mảnh gốm Chăm, nhiều mảnh của các loại đồ thủy tinh cao cấp có màu sắc rất đẹp, cùng với những hạt chuỗi thủy tinh được chế tác rất tinh xảo.

Ngày nay, Cù Lao Chàm được bạn bè quốc tế biết đến là điểm du lịch sinh thái nghỉ dưỡng hấp dẫn, được UNESCO công nhận Khu dự trữ sinh quyển thế giới. Cù Lao Chàm được ví như viên ngọc chưa được gọt giũa giữa biển với vẻ đẹp tĩnh lặng, hoang sơ cùng các giá trị văn hóa lịch sử lâu đời. Những di tích nổi tiếng như chùa Hải Tạng, giếng Chăm xóm Cấm, miếu tổ nghề Yến, lăng Thành hoàng... minh chứng cho sự hưng thịnh của “đảo trấn sơn” trong quá khứ.

Có lẽ, vẫn còn rất nhiều điều bí ẩn về Cù Lao Chàm vẫn tiềm tàng trong lòng biển, lòng đất… cần thêm những cuộc “khai phá”.

LÊ VŨ

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Lát cắt “con đường tơ lụa” trên biển
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO