Lát gạch mới vỉa hè để kinh doanh?

TRẦN NGUYỄN 17/09/2016 09:53

Cách đây 4 năm, chính quyền TP.Tam Kỳ đã chủ trương phát triển “kinh tế vỉa hè” và hệ lụy đã phát sinh không ít phiền phức trong quá trình xây dựng mỹ quan đô thị.

Kinh doanh ăn uống trên đường 24.3. Ảnh: TRẦN NGUYỄN
Kinh doanh ăn uống trên đường 24.3. Ảnh: TRẦN NGUYỄN

Năm 2012, chính quyền TP.Tam Kỳ đã phê duyệt danh mục các tuyến đường được phép sử dụng vỉa hè để kinh doanh, buôn bán. Theo đó, các phường An Xuân, An Sơn, An Mỹ, Hòa Hương, Phước Hòa, Tân Thạnh, Hòa Thuận được phép sử dụng một số vỉa hè để buôn bán. Các hộ, cá nhân sử dụng phải ký hợp đồng với UBND phường và nộp phí vỉa hè, kèm theo một số quy định cụ thể. Tuy nhiên, vì cái lợi trước mắt, các địa phương đã ồ ạt cho thuê để người dân buôn bán, làm mất mỹ quan đô thị. Điển hình cuối năm 2014, thành phố đã cho phép sử dụng tạm thời vỉa hè đường Chu Văn An, nằm kề khu trung tâm thương mại phường An Mỹ. Bất cập đã lộ diện: trong khi nhiều diện tích xây dựng kiên cố tại khu chợ trung tâm bỏ hoang, tiểu thương xa lánh thì chính quyền lại “bật đèn xanh” để người dân lợi dụng kinh doanh vỉa hè lấn chiếm lòng đường, ảnh hưởng đến giao thông. Điều đáng nói, sự nhếch nhác của tình trạng buôn bán lưu động đã lấn sát công sở làm việc. Nhiều gian hàng bán quần áo trên đường Chu Văn An tái diễn lấn chiếm lòng đường. Cán bộ Sở TN&MT phản ánh, tiểu thương đã thường xuyên giăng dây, căng bạt, treo áo quần lên hàng rào của đơn vị và dọc tuyến không có công trình vệ sinh gây ảnh hưởng đến cảnh quan, môi trường làm việc của cơ quan Nhà nước. Ông Nguyễn Viễn - Giám đốc Sở TN&MT nói: “Buôn bán vỉa hè nhếch nhác tấn công vào sát công sở. Các đoàn công tác trong và ngoài nước khi đến làm việc tại sở đều có nhận xét tiêu cực về hình ảnh phản cảm xung quanh một cơ quan quản lý Nhà nước về tài nguyên và bảo vệ môi trường. Vì thế, đơn vị kiến nghị phải chấm dứt ngay việc kinh doanh lấn chiếm vỉa hè, lòng đường Chu Văn An”.

Thu hồi các văn bản cho phép sử dụng vỉa hè để buôn bán

Trước sự lỏng lẻo trong quản lý quy hoạch của TP.Tam Kỳ, Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Văn Thu đã ký văn bản (số 3946/UBND-KTN, ngày 18.8.2016) chỉ đạo Chủ tịch UBND TP.Tam Kỳ tăng cường công tác quản lý quy hoạch, trật tự đô thị; xử lý các hộ, tổ chức lấn chiếm vỉa hè phục vụ kinh doanh, buôn bán; các bảng hiệu, bảng quảng cáo treo không đúng quy định làm ảnh hưởng đến mỹ quan đô thị và an toàn giao thông, đặc biệt tại các khu vực chợ, khu vực trụ sở làm việc tại các cơ quan, khu dân cư và các tuyến giao thông. Văn bản cũng yêu cầu khẩn trương kiểm tra, rà soát để thu hồi các văn bản do UBND thành phố ban hành liên quan đến việc cho phép các hộ dân, tổ chức sử dụng vỉa hè để kinh doanh, buôn bán...

Đến nay, tại phường Phước Hòa, chính quyền địa phương đã cho thuê vỉa hè trên tuyến đường Phan Châu Trinh với 40 hộ, đường Phan Đình Phùng 15 hộ, đường Trần Cao Vân nối dài 30 hộ, đường Bạch Đằng 10 hộ. Còn UBND phường An Mỹ triển khai cho 10 hộ thuê vỉa hè để buôn bán kinh doanh, tập kết vật liệu xây dựng trên các tuyến đường Lê Lợi, Lý Thường Kiệt. Phường An Sơn cho 40 hộ dân thuê vỉa hè các tuyến đường Lê Thánh Tông, Phan Châu Trinh để kinh doanh. Về việc vỉa hè sau khi đã lát gạch mới có cho người dân thuê buôn bán, kinh doanh hay không, Phó Chủ tịch UBND TP.Tam Kỳ Nguyễn Minh Nam khẳng định, giữa tháng 6, địa phương đã ra Quyết định số 4336/QĐ-UBND quy định về quản lý và sử dụng tạm thời vỉa hè ngoài mục đích giao thông trên các tuyến đường thuộc địa bàn thành phố, thay thế cho Quyết định số 1714/QĐ-UBND của UBND TP.Tam Kỳ ban hành năm 2012. Đối chiếu danh sách các tuyến đường cho phép các hộ tại chỗ sử dụng tạm thời vỉa hè để kinh doanh, địa phương nhận thấy một số tuyến đường được Nhà nước đầu tư thay gạch mới đều được phép kinh doanh.  

Quan sát các vỉa hè kinh doanh ở nội thành Tam Kỳ những năm gần đây, có thể nhận ra đối tượng buôn bán lưu động dễ bị tác động nhất từ các chính sách thay đổi của chính quyền. Đơn cử, mấy năm trước, quy hoạch buôn bán vỉa hè tạm thời ở đường Bạch Đằng, sau đó cấm hẳn; rồi bây giờ chuyển đến quanh các khu dân cư sau Trường Đại học Quảng Nam. Điểm chung của những vỉa hè kinh doanh đều không có nhà vệ sinh công cộng. Bán hàng rong, lều quán mọc lên như nấm trên vỉa hè đường 24.3 (đoạn gần với Trung tâm Thanh thiếu niên miền Trung), hay cơ quan Tỉnh đoàn nhưng tìm đỏ mắt cũng không thấy nhà vệ sinh công cộng. Phương án sắp xếp sử dụng vỉa hè tạm thời ngoài mục đích giao thông của chính quyền TP.Tam Kỳ dường như đã quên hẳn việc xây dựng tạm công trình nhà vệ sinh? Tạo điều kiện buôn bán, kinh doanh thuận lợi nhất cho người dân, cụ thể là kinh doanh vỉa hè là việc làm đáng hoan nghênh, nhưng quá trình sắp xếp của chính quyền địa phương xem ra rất lộn xộn. Thực tế, nguồn thu từ kinh doanh vỉa hè đem lại không nhỏ, nhưng nguồn thu ấy công khai như thế nào, sử dụng vào mục đích gì thì đến nay vẫn chưa rõ. Ngay cả Phó Chủ tịch UBND TP.Tam Kỳ Nguyễn Minh Nam vẫn không trả lời được câu hỏi nguồn thu từ loại hình kinh doanh này mỗi năm là bao nhiêu.

TRẦN NGUYỄN

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Lát gạch mới vỉa hè để kinh doanh?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO