Ông Thành ngoảnh mặt, nhổ toẹt miếng trầu đỏ quạch xuống đất, trừng mắt: “Không uống rượu thì làm gì? Ruộng có được mảnh nhỏ xíu, làm một ngày đã xong. Không có đất để tỉa bắp, trồng rau; không uống rượu thì chúng tôi biết làm gì?”. Khi đó, mặt trời mới hơn nửa con sào. Những người đàn ông trong làng đã nồng sặc mùi men. Bởi thủy điện đã lấy mất của họ quá nhiều thứ…
Khu vực 19 hộ dân thôn 2, xã Phước Hòa thường xuyên bị ngập sâu khi mưa lũ.Ảnh: NGUYỄN DƯƠNG |
Thiếu đất
Khu tái định cư thủy điện Đắk Mi 4C nằm trên một ngọn đồi được gạt phẳng, cách đường nhựa chừng một cây số, thuộc thôn 2 xã Phước Hòa, huyện Phước Sơn. Năm 2008, có 41 hộ dân ở dưới lòng hồ thủy điện dắt díu nhau lên đây sau khi bỏ túi dăm chục triệu bạc tiền đền bù. Lúc đó ai cũng phấn khởi, bởi có nhà xây, điện nước đầy đủ, lại gần đường lộ. Ai cũng nghĩ, cơ hội đổi đời là đây. Thế nhưng, thời gian đã chứng minh cho họ điều ngược lại.
Chúng tôi đến làng khi mặt trời bắt đầu tỏa nắng gay gắt. Cả làng không có lấy một cái cây lớn để làm bóng mát. Nhác thấy người lạ, đám đàn ông chạy ra dò hỏi, tưởng là người của thủy điện lên khảo sát tình hình. “Người của thủy điện à? Rứa thì lên coi cái bể nước giùm cái. Hư cả mấy tháng nay rồi. Nói mãi không thấy ai sửa. Dân không có nước uống, đi xa hơn 2 cây số mới lấy được nước đó”- người đàn ông có tên là Hành nói. Sau khi được giải thích là không phải cán bộ của nhà máy thủy điện mà là phóng viên thì những người này lại… vây kín hơn. Người trước người sau tranh nhau nói, chung quy cũng chỉ là để “hạch tội” thủy điện.
Ông Hồ Văn Thành, trưởng thôn, kéo chúng tôi ra một góc, bảo, vào làm ly rượu rồi hãy nói! Chúng tôi giãy nảy, mới sáng sớm thế này đã uống rượu rồi, sao nuốt cho nổi? Không đi làm rẫy à? Ông Thành gắt: “Không uống rượu thì làm gì? Rẫy đâu còn mà làm”.
Không chịu uống rượu thì ông lại kéo xềnh xệch chúng tôi lên cái bể nước đã xuống cấp, hư hỏng mấy tháng nay khiến cho người trong làng điêu đứng. “Khổ! Chúng tôi cũng đã cố gắng sửa đường ống để dẫn nước về, nhưng không biết nó hư từ đâu, nước vẫn không về được. Giờ dân làng phải đi đến đầu ngọn suối, cách chừng hai cây rưỡi số để lấy nước về dùng. Đói gì thì đói, nhưng thiếu nước là không được rồi. Đã kiến nghị nhiều lần rồi mà chẳng thấy ai xuống sửa giúp cả” - ông Thành phân trần.
Mơ về nơi xa…
Kéo nhau về đây lập làng ngót nghét đã 8 năm trời, số tiền đền bù ban đầu được đầu tư vào chiếc xe máy, đôi ba vật dụng trong nhà, giờ đã cũ mèm. Thóc trong bồ cũng đã cạn từ lâu, họ nhanh chóng nhận ra rằng, thiếu đất sản xuất khổ đến nhường nào. Giờ trong làng không có nhà nào có quá 2 sào ruộng, thiếu ăn luôn thường trực. “Phát thêm rẫy thì chính quyền không cho, bảo phá rừng, nên không dám. Nhưng chỉ trông chờ vào mấy sào ruộng nay được mai mất thì đói. Anh nhìn đi, thanh niên trong làng giờ đã dạt đi đâu hết. Họ lo tìm miếng cơm bỏ bụng, ai may mắn hơn thì lâu lâu ghé về nhà cho gia đình được vài đồng mua gạo. Rồi thôi” - anh Trần Minh Chung thở dài.
Những ngôi nhà xập xệ, xuống cấp trầm trọng, có nhà còn không có nổi cánh cửa nguyên vẹn. “Giờ lũ trẻ cũng chẳng có chỗ để chơi, chỉ quanh quẩn theo chân mẹ ở các gốc cây tránh nắng. Ở làng cũ, có cả một bãi rộng để thanh niên, trẻ nít chơi đùa. Mỗi lần có hội, cả làng tập trung ra đó, vui lắm” - ông Hồ Văn Thành nuối tiếc.
Buồn nhất vẫn là, mỗi khi con cái đến tuổi lập gia đình, chẳng có được miếng đất để tách ra ở riêng, đành phải sống chung trong một nhà. “Đất trước đây biết mấy, con cái đến tuổi lập gia đình thì cũng có được miếng đất cắm dùi, rồi tự nó xây dựng cho gia đình nó. Giờ thì đành ở chung. Bởi nếu có tách ra thì cũng chỉ được tí xíu đất, lại tốn thêm tiền xây dựng. Mỗi nhà nhiều nhất cũng chỉ có 400 mét vuông cả đất ở lẫn đất sản xuất, thì lấy đâu ra?” - ông Thành thở dài nói.
Khi được thông báo sẽ được nhận tiền đền bù, được ở nhà xây có đầy đủ điện, nước, đường..., ai cũng hào hứng. Nhưng giờ hỏi họ muốn gì thì tất thảy đều muốn được trở lại cuộc sống ban đầu. Như người đàn ông tên Hành trong chếnh choáng men say ngước mặt chửi đổng: “Trả hết, trả hết cho thủy điện đó. Không cần nhà xây, không cần điện. Chỉ cần trả đất lại cho dân...”. Dẫu biết rằng điều đó không thể, nhưng đâu đó trong tiềm thức của họ, những ngôi làng xưa cũ, những mái tranh nhuốm khói, những cánh rẫy xanh mướt vẫn sống dậy một cách mãnh liệt.
Lên xuống cùng con nước
Nhưng những người ở lại làng cũ, hoàn cảnh cũng chẳng hơn gì. Cách khu tái định cư thủy điện Đắk Mi 4C chừng 2km về phía đông là 19 hộ dân vẫn đang được ở làng cũ của mình (cũng thuộc thôn 2 xã Phước Hòa). Nhưng cứ mỗi lần mưa lớn một chút, mực nước trong lòng hồ dâng cao là cả làng lại chìm trong biển nước. Lại rục rịch xin huyện hỗ trợ, thủy điện đền bù để di dời. Nhưng bài học nhãn tiền của những người đi trước phần nào cũng làm họ nhụt chí. “Cũng muốn đi khỏi đây, chứ mỗi lần mưa lớn nước lại ngập. Có năm nước vào đến hơn nửa nhà mình, cả làng lại khăn gói dắt nhau lên ngọn đồi phía sau trú tạm, khổ lắm. Nhưng đi mà như ở trên đó (khu tái định cư Đắk Mi 4C) thì thôi. Sợ không có đất mà làm rẫy” - chị Hồ Thị Hồng, thôn 2, xã Phước Hòa tâm sự.
Khu tái định cư Đắk Mi 4C đang xuống cấp nghiêm trọng, nhiều nhà không còn một cánh cửa nguyên vẹn. Ảnh: NGUYỄN DƯƠNG |
Tiếp lời, chị Hồ Thị Hoa cho biết, trước đây khi xây dựng thủy điện, người ta cho rằng khu vực của làng không bị ảnh hưởng gì bởi cao hơn mực nước dâng của lòng hồ. “Thế nhưng, cứ mỗi lần mưa lớn là nước tràn vào nhà. Lại rục rịch chuyển đồ lên cao. Nhiều lúc muốn làm cái nhà cho chắc chắn mà ở cũng chẳng dám. Trước đây, muốn đi rẫy chỉ cần lội qua con suối nhỏ, giờ thì nó đã biến thành con sông hung dữ, chẳng ai dám qua…” - chị Hoa thở dài.
Ở không xong, đi cũng chẳng đặng. Họ cũng chẳng biết bây giờ thế nào là đúng, là hợp lý. Cái họ cần là đảm bảo được cuộc sống của họ như vốn có. Đó cũng là bài toán khó ở nhiều khu tái định cư thủy điện khác. Ở Sông Tranh 2, khu tái định cư thôn 3 xã Trà Đốc giờ cũng đã xuống cấp, đất sản xuất thiếu trầm trọng và người dân lại rục rịch chuyển làng.
Liên hệ với ông Đinh Hữu Tấn - Tổng Giám đốc điều hành thủy điện Đắk Mi 4 về những vấn đề liên quan, ông Tấn cho biết đã nhận được những phản ánh của người dân và đã cho một đơn vị tư vấn thẩm định lại chất lượng của những hạng mục nào đã xuống cấp ở khu tái định cư để tiến hành sửa chữa giúp người dân sớm ổn định cuộc sống.
Ông Nguyễn Mạnh Hà - Chủ tịch UBND huyện Phước Sơn cho biết, đối với 19 hộ dân đang nằm trong khu vực lòng hồ thì cần phải di dời họ lên một khu vực mới. Hiện tại huyện đang làm phương án đầu tư cụ thể để biết được cần bao nhiêu tiền, trong đó huyện hỗ trợ những gì và thủy điện phải đền bù, hỗ trợ cho họ tái định cư ra sao. “Dự kiến là trong năm 2017 sẽ hoàn thành các phương án để di dời những hộ dân này lên khu tái định cư mới. Quan trọng là lần này cần phải làm thật kỹ để tránh tình trạng như những khu tái định cư trước đây, khiến cuộc sống của người dân bấp bênh” - ông Hà cho hay. Cũng theo ông Hà, đối với việc người dân kiến nghị thiếu đất sản xuất, huyện cũng đang rà soát lại. Phải thống kê lại diện tích những khu vực không phải là rừng thì bóc tách ra để cấp đất sản xuất. Bên cạnh đó, khi giao đất rừng cho người dân quản lý, bảo vệ, cần ưu tiên cho những hộ dân chưa có đất sản xuất để tạo công ăn việc làm cho họ.
Làm thủy điện, đồng nghĩa với việc sẽ mất đi một diện tích rất lớn đất rừng cũng như đất sản xuất của người dân. Họ sống lay lắt bên cạnh lòng hồ, đau đáu về một nơi đã nằm sâu tận trong ký ức của họ. Cuộc sống thiếu thốn khiến họ trở nên yếu đuối: hở cái gì cũng kêu. Nhưng họ không kêu sao được? Không nhờ chính quyền thì họ còn biết trông vào ai?
Phóng sự của NGUYỄN DƯƠNG