Báo Quảng Nam đã nhiều lần phản ánh về sự xuống cấp của tuyến đường ĐT609, đoạn phía tây cầu Ái Nghĩa thuộc địa phận huyện Đại Lộc. Mùa mưa đã về nhưng đoạn đường trên vẫn chưa được sửa chữa, gây bức xúc trong nhân dân.
Lầy lội
Trên tuyến ĐT609, mặt đường đoạn phía tây cầu Ái Nghĩa có nhiều điểm xuống cấp đã lâu, gần đây còn bị tác động bởi thời tiết khắc nghiệt và xe vận chuyển cát, xi măng… chở quá tải trọng gây hư hỏng nặng nề thêm. Nghiêm trọng nhất phải kể tới đoạn qua thị trấn Ái Nghĩa và các xã Đại Nghĩa, Đại Quang, Đại Đồng. Bê tông nhựa mặt đường các đoạn tuyến nêu trên bị bong tróc tạo vô số ổ gà, ổ voi, sống trâu… khiến người dân đi lại khó khăn. Chỉ cần “hứng” cơn mưa vừa, mặt đường liền ngập lầy lội. Lúc ấy, ổ voi hay ổ gà bị nước che khuất trở thành những “cái bẫy” nguy hiểm. Nhà ở nằm ven đoạn tuyến km16+160 - km17+640, ông Phan Thường Sĩ - Phó phòng GD-ĐT huyện Đại Lộc cho hay, sáng sớm nào ông cũng ra phía trước làm nhiệm vụ… cảnh sát giao thông phân luồng để người điều khiển phương tiện tránh bị va vấp vào nơi nguy hiểm. Quá sốt ruột trước cảnh tượng nhiều bà con té ngã do đi trúng vũng sâu, ông Sĩ đem đặt vào vị trí đó một dạng hình nộm nhằm báo hiệu cho người đi đường.
“Sống trâu” trên đoạn tuyến ĐT609 qua trước Trường Mầm non Ái Nghĩa. Ảnh: C.T |
Cũng ở đoạn tuyến km16+160 - km17+640 (nối địa phận Ái Nghĩa và Đại Nghĩa), người dân sống ven đường cho biết ban đêm trên đoạn đường này thường xảy ra té ngã, phần lớn là nông dân chở rau, củ quả đi chợ sớm. Bà Nguyễn Thị Kim Chi - chủ quán cà phê Sắc Màu (thôn Phiếm Ái 1, Đại Nghĩa) cho biết, tai nạn xảy ra nhiều nhất là khoảng 7 giờ sáng và 5 giờ chiều. Thời điểm này, cán bộ và học sinh lưu thông rất đông. Không còn chỗ để đi sát tường rào nhà cư dân địa phương, nhiều người chỉ còn cách “xông pha” xuống lòng đường đầy nước và cả những “bẫy ngầm”. “Một bà mẹ chở đứa con nhỏ đi học qua đây do không thấy rõ nên va vào ổ voi. Tay lái chị loạng choạng rồi té ngã làm quần áo lấm lem bùn đất” - bà Chi kể. Phụ huynh có con cháu đang học tại Trường Mầm non Ái Nghĩa (khu 2, Ái Nghĩa) bức xúc: “Mặt đường trước cơ sở giáo dục gì mà quá xấu, gồ ghề “sống trâu” thì làm sao chúng tôi yên tâm khi đưa đón bọn trẻ. Nhằm tránh xảy ra tai nạn chết người, các cấp và các ban ngành liên quan phải khẩn cấp sửa chữa để dân được nhờ”.
Cần khắc phục kịp thời
Theo tờ trình của Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh, các đoạn tuyến nêu trên sẽ có mặt cắt ngang nền, mặt đường cụ thể như sau: km16+160 - km17+640 có quy mô đầu tư sửa chữa bề mặt 7,5m (quy mô dự án được duyệt 16,5m), nằm trong phạm vi mương thoát nước dọc hiện trạng; km24+750 - km27 sửa chữa bề mặt rộng 9m (đúng quy mô được duyệt). Riêng km20+460 - km20+960 chia thành 2 đoạn; đoạn km20+460 - km20+750 đầu tư phân kỳ theo cắt ngang hiện trạng là 9m (quy mô được duyệt 12m), đoạn km20+750 - km20+960 đầu tư theo đúng quy mô dự án được duyệt rộng 9m. |
Tuyến ĐT609 là trục giao thông huyết mạch qua địa bàn xã Đại Nghĩa. Ông Đặng Văn Lộc - Phó Chủ tịch UBND xã Đại Nghĩa cho biết, trước tình trạng xuống cấp của tuyến đường, xã đã có tờ trình gửi huyện kiến nghị phản ánh lên tỉnh để quan tâm khắc phục triệt để. Được biết, đoạn ngập nước trước đây qua địa bàn Đại Nghĩa được Sở Giao thông vận tải đầu tư mương thoát nước dọc bên phải tuyến. Tuy nhiên, mương đã bị vùi kín bởi bùn đất và thực trạng người dân khi xây nhà lấp cả mương thoát; nước mưa không có nơi chảy dẫn đến ngập cục bộ. Còn theo ông Đoàn Tân - Chủ tịch UBND thị trấn Ái Nghĩa, mặt đường đoạn qua khu vực dẫn đến các trường Mầm non Ái Nghĩa, Tiểu học Hứa Tạo, THPT Huỳnh Ngọc Huệ bị nát vụn không đảm bảo an toàn giao thông. Thị trấn cũng đã kiến nghị cấp trên nhiều lần nhưng chưa được giải quyết triệt để.
Theo ông Nguyễn Văn Trúc - Chủ tịch UBND huyện Đại Lộc, việc đầu tư nâng cấp thuộc về thẩm quyền quản lý của tỉnh. Địa phương muốn làm cũng chịu vì nguồn lực có hạn. Trong khi đó, nhiều tuyến đường huyện đã xuống cấp cần phải có kinh phí sửa chữa. Để khắc phục tạm thời những đoạn hư hỏng nghiêm trọng, đơn vị quản lý đường hoặc địa phương chỉ có thể chở vài xe đá cấp phối để tạo mặt bằng cho dễ lưu thông. Cách đây hơn 2 tháng, lãnh đạo tỉnh làm việc với Đại Lộc, huyện kiến nghị vấn đề trên và Chủ tịch UBND tỉnh Lê Phước Thanh đã chỉ đạo Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh chịu trách nhiệm thực hiện. Mùa mưa bão đã tới mà chưa thấy đơn vị này có động tĩnh gì. Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Bảo Trị - Trưởng phòng Kỹ thuật thẩm định (Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh) nói: “Đơn vị đã đi khảo sát thực địa và thấy cần thiết phải khẩn trương nâng cấp các đoạn tuyến km16+160 - km17+640, km20+460 - km20+960 và km24+750 - km27 (dài khoảng 4,3km). Chúng tôi cũng đã có tờ trình xin chủ trương UBND tỉnh cho phép triển khai đầu tư phân kỳ các đoạn tuyến trên”.
Theo ông Nguyễn Bảo Trị, đơn vị đã kiến nghị lãnh đạo tỉnh cho phép đầu tư phù hợp với điều kiện ngân sách còn khó khăn. Trước mắt phải sửa chữa các đoạn hư hỏng nặng để nhân dân đi lại vào mùa mưa lũ, đồng thời đảm bảo tận dụng lại toàn bộ nền, mặt đường nhằm làm theo quy mô dự án được duyệt sau này. Nếu thuận lợi, việc sửa chữa sẽ tiến hành trong tháng 11 bằng nguồn vốn khắc phục hậu quả mùa bão lũ năm 2013.
CÔNG TÚ