Hôm nay 29.7, Lễ hội văn hóa - thể thao các huyện miền núi Quảng Nam lần thứ XVIII chính thức khai mạc. Một không gian văn hóa đậm màu sắc truyền thống, hội tụ những nét độc đáo của các dân tộc anh em trên địa bàn các huyện miền núi của tỉnh sẽ được trình diễn trong những ngày diễn ra lễ hội tại trung tâm huyện Bắc Trà My.
|
Chương trình tổng duyệt hội tụ nhiều sắc màu văn hóa của các dân tộc anh em. |
Vào hội
Từ gần một tuần trước khi lễ hội chính thức khai mạc, các đoàn diễn viên, vận động viên của 9 huyện miền núi đã bắt đầu hội tụ tại Bắc Trà My. Con số hơn 1.500 người từ các đoàn tham gia vẫn đang tiếp tục tăng, bởi người dân địa phương và các huyện lân cận cũng háo hức muốn góp mặt tại lễ hội lần này. Ông Trần Anh Tuấn - Chủ tịch UBND huyện Bắc Trà My cho biết: “Trước thềm lễ hội, huyện đã dốc toàn lực cho công tác chuẩn bị, đón tiếp và bố trí nơi ăn chốn ở cho đại biểu và các đoàn tham gia. Đến thời điểm hiện tại, mọi công tác chuẩn bị đã hoàn tất. Là chủ nhà trong sự kiện trọng đại lần này, huyện cũng hết sức phấn khởi khi người dân các địa phương tham dự khá đông, cổ vũ tích cực cho các hoạt động nằm trong lễ hội”.
Khắp các ngả đường đổ về trung tâm huyện Bắc Trà My, băng rôn, cờ hoa chào mừng lễ hội trang hoàng rực rỡ càng làm không khí lễ hội nơi núi rừng thêm sôi động, nhất là tại các địa điểm tổ chức thi đấu, biểu diễn. Sau 17 lần tổ chức, đến với lễ hội lần này, các đoàn tham dự đều chắt lọc, mang đến những phần trình diễn tinh túy nhất, đậm màu sắc nhất của dân tộc mình. Ông Nguyễn Thế Thọ - Trưởng đoàn diễn viên, vận động viên huyện Phước Sơn chia sẻ: “Đoàn Phước Sơn đã có kế hoạch tập luyện, chuẩn bị rất kỹ càng trước khi đến với lễ hội để giới thiệu bản sắc văn hóa truyền thống của các dân tộc anh em trên địa bàn huyện. Lễ hội lần này cũng là dịp giao lưu, học hỏi, tìm hiểu văn hóa của các đoàn khác. Đây cũng chính là cơ hội để bảo tồn, phát huy bản sắc trước nguy cơ mai một hiện nay”.
Lễ hội văn hóa - thể thao các huyện miền núi Quảng Nam lần thứ XVIII - năm 2014 chính thức diễn ra từ hôm nay 29.7 và bế mạc vào ngày 31.7 với sự tham gia của hơn 1.500 vận động viên đến từ 9 huyện miền núi. Các vận động viên sẽ thi đấu 6 môn thể thao thanh niên, gồm: bóng đá nam, bóng chuyền, bắn ná, đẩy gậy, kéo co và việt dã leo núi. Ngoài ra còn có 2 môn thể thao quân sự: bắn súng ngắn quân dụng của bộ đội thường trực; ba môn quân sự phối hợp (nam - nữ) của dân quân tự vệ; 2 môn thể thao công an: bắn súng ngắn quân dụng công an; chiến sĩ công an khỏe. Hoạt động văn hóa, nghệ thuật gồm 4 nội dung: trưng bày, triển lãm; biểu diễn cồng chiêng và trang phục truyền thống; tái hiện nghi thức và ẩm thực trong lễ cưới truyền thống; hội diễn nghệ thuật quần chúng các huyện miền núi. |
Theo ông Thái Bình - Bí thư Tỉnh đoàn kiêm Phó Trưởng ban thường trực lễ hội, các sự kiện nằm trong chuỗi hoạt động của lễ hội lần này cũng là để người dân miền núi có điều kiện nâng cao sức khỏe, thể lực, cải thiện đời sống văn hóa, tinh thần góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng của địa phương. Những người có năng khiếu thể thao, văn hóa, văn nghệ được phát hiện thông qua lễ hội sẽ là nguồn bổ sung để đào tạo, bồi dưỡng nâng cao thành tích thi đấu, chuẩn bị lực lượng tham gia hội thi toàn quốc. “Năm nay, Tỉnh đoàn là cơ quan thường trực lễ hội nên chúng tôi đã huy động toàn bộ lực lượng phục vụ công tác tổ chức trong những ngày diễn ra lễ hội. Số lượng diễn viên, vận động viên khá đông, nhiều hoạt động tổ chức song song, mật độ sự kiện dày đặc là thách thức không nhỏ trong công tác tổ chức. Tuy vậy, công tác chuẩn bị cho ngày hội đã hoàn tất trước ngày diễn ra lễ khai mạc, đảm bảo theo kế hoạch đề ra” - ông Bình cho biết.
Những sắc màu văn hóa
Văn hóa truyền thống của các dân tộc trình diễn tại lễ hội là điểm nhấn xuyên suốt hoạt động trong chuỗi sự kiện của chương trình. Lễ khai mạc với chủ đề “Âm vang ngày hội” là sự kiện đầu tiên với phần trình diễn đầy màu sắc của đoàn chủ nhà Bắc Trà My. Đặc biệt, sự góp mặt của đoàn nghệ nhân huyện Trà Bồng (Quảng Ngãi) mang đến một dấu ấn khó quên cho những người dự khán. Tại lễ tổng duyệt diễn ra vào sáng qua 28.7, những người tham dự đều không giấu nổi sự thích thú trước màn trình diễn “đấu chiêng đôi” của đội nghệ nhân người Co ở huyện Trà Bồng. Đáp lại, chủ nhà Bắc Trà My cũng có một tiết mục múa hát cồng chiêng không kém phần đặc sắc, trở thành “bữa tiệc âm nhạc và vũ điệu” chiêu đãi khách. Nghệ nhân Hồ Văn Dinh (xã Trà Bui, Bắc Trà My) chia sẻ: “Đến với lễ hội hôm nay, chúng tôi mang đến một nét văn hóa truyền thống tiêu biểu của dân tộc mình, nhằm giới thiệu, quảng bá đến các dân tộc anh em. Dân tộc nào cũng có cái hay, cái đẹp riêng. Lễ hội sẽ giúp các dân tộc đoàn kết, gắn bó, cùng nhau xây dựng đời sống văn hóa dân tộc mình”.
Tiết mục “đấu chiêng đôi” của đoàn nghệ nhân Trà Bồng (Quảng Ngãi) tại buổi tổng duyệt hôm qua 28.7. Ảnh: PHƯƠNG GIANG - ALĂNG NGƯỚC |
Nhận lời mời tham dự lễ hội, đoàn nghệ nhân người Co huyện Trà Bồng với tiết mục “đấu chiêng đôi” đã mang đến lễ hội là một nét chấm phá vừa lạ, vừa hấp dẫn. Ông Hồ Ngọc An - phụ trách Đội văn nghệ cồng chiêng Trà Bồng tâm sự: “Là địa bàn giáp ranh với Quảng Nam, từ lâu những người dân tộc Co ở Trà Bồng đã như là người anh em, gắn bó mật thiết với cộng đồng các dân tộc vùng giáp ranh Quảng Nam. Phần trình diễn của chúng tôi vừa là nét văn hóa truyền thống, vừa là một món ăn tinh thần hay, lạ để đóng góp vào thành công chung của lễ hội lần này của các bạn”.
Song song với các hoạt động thi đấu, các chương trình hoạt động văn hóa, nghệ thuật như trưng bày, triển lãm, biểu diễn cồng chiêng và trang phục truyền thống, tái hiện nghi thức và ẩm thực trong lễ cưới truyền thống và hội diễn nghệ thuật quần chúng các huyện miền núi hứa hẹn mang đến những nét mới lạ trong lễ hội lần này. Kinh nghiệm từ những lần tham dự trước, cộng thêm những độc đáo của văn hóa truyền thống mỗi dân tộc và sự dày công chuẩn bị, tập luyện của mỗi đoàn mang đến cho lễ hội một sức hấp dẫn mới.
Ông Đinh Hài - Giám đốc Sở VH-TT&DL cho hay: “Lần này, huyện Bắc Trà My đã tổ chức khá tốt công tác chuẩn bị, đôn đốc trong những ngày lễ hội diễn ra. Các lực lượng cũng đã tăng cường phối hợp, đảm bảo đáp ứng tốt nhất cho hoạt động của lễ hội. So với những năm trước đây, lễ hội được nhìn nhận có sự chuẩn bị kỹ càng trong nội dung trình diễn mà các đoàn mang đến, tái hiện không gian văn hóa đậm chất truyền thống của miền núi Quảng Nam”.
PHƯƠNG GIANG - ALĂNG NGƯỚC