Lén lút tận thu cát

TRẦN NGUYỄN 27/09/2017 08:54

Lợi dụng trời tối và sự lơ là của lực lượng chức năng, nhiều đối tượng lén lút chở cát trắng đem bán, để lại hệ lụy khó lường về môi trường.

Một điểm tận thu cát trắng trái phép sát rừng phòng hộ Pacsa, đoạn qua xã Tam Thăng, TP.Tam Kỳ.Ảnh: TRẦN NGUYỄN
Một điểm tận thu cát trắng trái phép sát rừng phòng hộ Pacsa, đoạn qua xã Tam Thăng, TP.Tam Kỳ.Ảnh: TRẦN NGUYỄN

Cày sâu 2 bên đường

Đường ven biển 129 đưa vào lưu thông, cũng là lúc sa tặc tranh thủ trộm cát dọc 2 bên. Từ khu vực xã Bình Dương (Thăng Bình) chạy vào đến dốc Diên Hồng (xã Tam Phú, TP.Tam Kỳ), nhiều đoạn đã bị móc cát trắng sâu hoắm, uy hiếp đến an toàn của công trình giao thông, đặc biệt nhiều khoảnh rừng có chức năng phòng hộ bị bứng trốc gốc. Tình hình tận thu cát trắng tái diễn trong vài tuần nay do thiếu nguồn cát, trong bối cảnh nhiều địa phương kiểm soát chặt việc hút cát lậu ở lòng sông Vu Gia - Thu Bồn, nên giá cát trở nên đắt đỏ trên thị trường.

Tận thu cát nhiễm mặn ở Cửa Lở

UBND tỉnh vừa chấp thuận cho Công ty TNHH Đại Dương Xanh được quyền khai thác khoáng sản cát nhiễm mặn thu hồi từ dự án nạo vét luồng và bãi cạn khu vực Cửa Lở (xã Tam Hải, Núi Thành) kết hợp tận thu cát nhiễm mặn giai đoạn 1 năm 2017. Theo đó, giá tính tiền cấp quyền khai thác khoáng sản tại thời điểm phê duyệt 33.750 đồng/m3. Tổng số tiền mà công ty này phải nộp là hơn 1,8 tỷ đồng.

Ở mỏ cát trắng Bình Phục (Thăng Bình), các hành vi trộm cát tinh vi hơn. Trên các tuyến đường ngang, chỗ ít phương tiện qua lại, một số xe tải loại nhỏ chỉ cần dừng lại chừng 10 phút là chở hơn 1m3 cát đem đi tiêu thụ. Nóng nhất thời gian qua là khai thác cát gần sát Trường Trung cấp Cảnh sát nhân dân V. Lực lượng chức năng phát hiện và xử lý nhiều vụ tại đây song đâu lại hoàn đấy.  Phó Chủ tịch UBND xã Bình Sa Hà Như Diêu xác nhận, trộm cát xảy ra ở nhiều nơi trên địa bàn xã. Chính quyền xã truy quét, xử phạt hành chính cả trăm triệu đồng. Cái khó vẫn là lực lượng truy quét của địa phương còn mỏng, trong khi sa tặc thì thấy hở đâu múc đó, nên khâu xử lý gặp khó khăn. Tương tự, tại khu vực phía nam thuộc 2 xã Tam Thăng và Tam Phú (TP.Tam Kỳ) đang là “điểm nóng” về nạn trộm cát.  Nhiều con đường dẫn vào bãi cát còn dấu vết bánh xe tải cùng với các vật dụng lót đường cho xe dễ dàng qua lại. Lo ngại trước hệ lụy tận thu cát bừa bãi đe dọa đến sản xuất hoa màu, người dân một số thôn của 2 xã Tam Phú và Tam Thăng từng kiến nghị lên chính quyền cấp thành phố, tỉnh vào cuộc. Sau đó lực lượng chức năng tăng cường tuần tra, truy quét, sa tặc tạm dừng một thời gian rồi bùng phát trở lại. Người dân xã Tam Thăng lo lắng vì vị trí tận thu cát nằm trong rừng phòng hộ Pacsa, sát với diện tích lúa canh tác của bà con, nếu không ngăn chặn kịp thời sẽ đe dọa về hệ sinh thái rừng và đất sản xuất. Chủ tịch UBND xã Tam Thăng Châu Thanh Phong nói: “Một số đối tượng tái phạm nhiều lần, hình thức xử phạt hành chính còn nhẹ, chưa đủ sức răn đe. Sắp đến, chính quyền sẽ truy quét thường xuyên và xin hỗ trợ thêm lực lượng từ cấp trên”. Thống kê của Đội cảnh sát kinh tế (Công an TP.Tam Kỳ), trong 8 tháng đầu năm 2017, đơn vị phát hiện 13 vụ lấy cát trộm, với số tiền xử phạt 58 triệu đồng.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, khi thi công đường cứu hộ cứu nạn ven biển (đường 129), có một khối lượng cát dư thừa rất lớn. Chính vì vậy, UBND tỉnh đã thống nhất cho phép Tập đoàn Xuân Thành tận thu số cát dư thừa trên, theo các phương án kỹ thuật lấy cát ở độ sâu theo quy định và chuyển về một địa điểm tập kết gần trụ sở Ban Quản lý Khu kinh tế mở Chu Lai. Tuy nhiên, theo quan sát thì tại khu vực xã Tam Phú, có nhiều vị trí doanh nghiệp lấy cát với độ sâu quá mức so với mặt đường.

Kiến nghị được quyền cấp phép

Từ khi Luật Khoáng sản có hiệu lực vài năm nay, thì thẩm quyền cấp phép khai thác khoáng sản đều thuộc Bộ TN-MT. Tuy nhiên, đặc điểm mỏ cát phân bố nhiều nơi không đồng đều, hàng loạt dự án đang triển khai nên rất bị động nguồn cung cấp vật liệu xây dựng thông thường. Vì vậy, UBND tỉnh có văn bản đề nghị Bộ TN-MT cho phép địa phương được quyền cấp giấy phép khai thác cát trắng trong Khu kinh tế mở Chu Lai; các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh; dự án tổng thể sắp xếp dân cư phòng tránh và giảm nhẹ thiệt hại thiên tai tại vùng ven biển tỉnh và các khu vực có dự án đầu tư xây dựng nằm ngoài các dự án nêu trên. Nhằm hạn chế thất thu tài nguyên khoáng sản, UBND tỉnh yêu cầu các dự án chế biến khoáng sản phải gắn với nguồn nguyên liệu được quy hoạch hoặc các hợp đồng nhập khẩu khoáng sản. Bắt đầu từ ngày 1.1.2017, các nhà máy sản xuất, chế biến có sử dụng nguyên liệu là khoáng sản phải được cấp giấy phép khai thác hoặc phải có hợp đồng nhập khẩu khoáng sản mới được phép hoạt động. Nghiêm cấm thu mua, khai thác trái phép nguyên vật liệu là khoáng sản, trong đó có cát trắng, làm nguyên liệu sản xuất.

Lý do tỉnh kiến nghị với Bộ TN-MT về thẩm quyền cấp phép, theo Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Huỳnh Khánh Toàn là hiện nay trên địa bàn tỉnh, các dự án, công trình xây dựng ngày càng nhiều và tiến độ thi công cần nhanh chóng, nếu thực hiện đầy đủ các thủ tục để Bộ TN-MT cấp phép khai thác trước khi triển khai công trình sẽ không đảm bảo tiến độ, hoặc không kịp thời khai thác, thu hồi khoáng sản cát trắng trước khi xây dựng sẽ gây lãng phí. UBND tỉnh chỉ có thẩm quyền cấp giấy phép thăm dò, khai thác cát trắng tại các khu vực đã được Bộ TN-MT khoanh định và công bố là khu vực có khoáng sản phân tán, nhỏ lẻ. Trong khi đó, ông Bùi Văn Ba - Trưởng phòng Khoáng sản (Sở TN-MT) cho biết, Bộ TN-MT đã có văn bản phản hồi yêu cầu UBND tỉnh rà soát các điểm khai thác cát, báo cáo về Trung ương xem xét, quyết định.

TRẦN NGUYỄN

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Lén lút tận thu cát
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO