Với dân làm ruộng, tự bao đời, đất ở gắn liền với ruộng nương. Điền và thổ. Ai có đám ruộng nào gần nhà xem như được ưu tiên số một.
Sau này khi vào hợp tác xã, đất được chia theo bình quân, có xa có gần. Đất gần nhà được chăm bón, theo dõi chu đáo hơn. Nhà ở cũng vậy, có tự bao đời. Thành ra xóm này xóm nọ, có căn nguyên gốc gác rõ ràng. Và rất không ưng chuyện thay đổi. Nên mới có người ở trong đất của huyện này mà dân lại thuộc… huyện khác! Cái xóm Gò nằm trên sông Bà Rén thuộc hai huyện Duy Xuyên và Quế Sơn, do vậy, đất và dân cũng chia đôi cái gò ấy gọi là Gò trước và Gò sau, rõ ràng. Tuy nhiên, có nhiều nơi, cái sự liên cư liên địa ấy lại theo kiểu khác. Một thôn Duy Lâm, xã Duy Trung lại nằm trong xã Quế Xuân 2, tương tự thế, đất thôn Tân Tây, thị trấn Nam Phước lại nằm phía Nam sông Bà Rén, thuộc đất Quế Xuân 1, huyện Quế Sơn. Hay như, cái làng giữa sông Thu Bồn là Triêm Tây lẽ ra thuộc Hội An vì vị thế đã tuột hẳn xuống phía Hội An nhưng lại thuộc huyện Điện Bàn. Một cái xóm Xuân Yên thuộc thôn An Lạc, xã Duy Thành huyện Duy Xuyên nằm lọt thỏm giữa thôn Trà Đình 2, xã Quế Phú, huyện Quế Sơn với mười mấy hộ, có tự hồi não hồi nào. Nghe nói hồi trước đã có người mua đất, cả điền lẫn thổ rồi làm nhà, làm ruộng ở đó. Đi ký giấy tờ gì đó cỡ cấp huyện thì nhà này lên huyện lỵ Duy Xuyên còn nhà bên cạnh lại lên tận thị trấn Đông Phú, huyện Quế Sơn để ký, không sao cả!
Hình như các vùng đất ấy được chia sẵn từ xa xưa. Sau tháng 3 năm 1975, nghe nói đã có dự định quy hoạch các vùng đất ấy trở lại cho “liên cư liên địa”, cho thuận lợi việc đi lại và họp hành, chứng giấy chứng từ. Tuy nhiên, kế hoạch ấy không thực hiện được bởi dân “không chịu”! Họ bảo “hồi mô tới chừ quen rồi, chịu được, giờ thay đổi thấy “ngược ngược”, thấy “sao sao” ấy!”. Và rồi, đâu lại hoàn đấy. Chiều hôm trước tôi mới ghé được cái vùng đất khá đặc biệt khác. Cái xóm ấy là vùng đất biên giới ba huyện: Quế Sơn, Thăng Bình, Duy Xuyên. Cái dải đấy ấy nối cánh đồng lúa phía bắc với nổng cát phía nam. Phần lớn ruộng lúa thuộc Duy Thành, phần đất cát thuộc xã Hương An và Bình Giang. Cái xóm nhỏ thuộc đội 9 Duy Thành nằm thoi loi sát rạt nổng cát nên mới xảy ra cái khó khăn. Bởi, trẻ con Bình Giang sau khi xong trường xã thì lên Hà Lam học trường Tiểu La, trẻ con xã Hương An đi học cấp 3 trên trường Nguyễn Văn Cừ, phía quốc lộ 1A. Còn trẻ con đội 9 thì học tiểu học ở Thi Thại, Duy Thành, bên tê sông Ly Ly, vào cấp ba thì học ở trường Sào Nam tận trên rìa phía tây của thị trấn Nam Phước, xa tít mù. Tất nhiên là cực trăm bề, nhất là vào mùa mưa bão, nhưng theo nhiều người vẫn nói là “không sao, chịu đựng được hồi mô chừ rồi”!.. Thì ra chỉ khác chuyện học hành, giấy má, họp hội… còn mọi thứ chẳng có chi khác, nhà nào cũng như nhà nấy. Dân Duy Thành, Hương An cứ đi chợ Bà, thoải mái, có sao đâu. Nước tưới thì lấy chung từ Phú Ninh về theo ngả Hương An. Dân thôn 1 xã Hương An đang thắp điện kéo từ An Lạc, Duy Thành vào. Có giỗ quảy, đám cưới đám hỏi cứ mời nhau thoải mái, không mời mới lạ!
Đó là tình làng nghĩa xóm, ở đâu cũng vậy mà. Các nguyên tắc hành chính cũng là thứ người ta đặt ra để quản lý xã hội thôi, cái quan trọng là lòng người, lòng người thuận là được; với lại thói quen vốn đã được đặt từ bao đời trước cũng khó mà thay đổi. Dù sao cũng có được cái sự “liên cư liên địa” ấy bù lại. Vả lại, sau này con cái sẽ tính.
LÊ TRÂM