Liên kết giữ rừng giáp ranh

TRẦN HỮU 09/01/2015 10:02

Lực lượng kiểm lâm Quảng Nam và TP.Đà Nẵng vừa sơ kết 2 năm (2013-2014) thực hiện quy chế bảo vệ rừng vùng giáp ranh.

Phá nhiều “điểm nóng”

Lâm tặc đã lợi dụng các tuyến quốc lộ 1, 14B, 14G; sông Vu Gia về sông Yên, sông Quá Giáng và sông Thu Bồn về sông Cẩm Lệ… để vận chuyển gỗ lậu. Các khu vực giáp giữa xã Đại Hiệp (Đại Lộc) với xã Hòa Khương (Hòa Vang); các xã Ba, xã Tư (Đông Giang) với xã Hòa Phú, Hòa Bắc (Hòa Vang)... nhiều năm nay rất phức tạp về tình trạng lấn chiếm đất rừng để trồng rừng, khai thác khoáng sản trái phép. Kiểm lâm của huyện Đại Lộc và Hòa Vang đã chủ động truy quét, phát hiện nhiều vụ xâm hại rừng. Cụ thể tháng 12.2014, Hạt Kiểm lâm huyện Hòa Vang đã chặn đứng vụ xâm hại 2,7ha rừng IIA có chức năng phòng hộ, qua đó khởi tố vụ án. Các đối tượng có liên quan gồm Thái Văn Hiệp (thường trú tại xã Hòa Khương, Hòa Vang), Lê Tấn Thanh (trú tại huyện Quế Sơn), các đối tượng Trần Văn Tuyến, Huỳnh Khánh Sơn, Phạm Hồng, Trần Quang Chinh cùng trú tại huyện Đại Lộc. Phương tiện vi phạm đã thu giữ phục vụ điều tra gồm 1 ô tô tải BKS 92C-00228, máy cưa cầm tay cùng tang vật gỗ. Phối hợp công tác, hai bên bắt giữ 8 vụ vận chuyển lâm sản trái phép, tịch thu hơn 6,4m3 gỗ các loại…

Kiểm lâm tỉnh trong chuyến tuần tra rừng khu vực giáp ranh Quảng Nam và Đà Nẵng. Ảnh: T.H
Kiểm lâm tỉnh trong chuyến tuần tra rừng khu vực giáp ranh Quảng Nam và Đà Nẵng. Ảnh: T.H

Trong khi đó, vùng giáp ranh giữa huyện Đông Giang với huyện Hòa Vang diễn biến khá phức tạp về tình trạng phá rừng và khai thác khoáng sản trái phép. Hai năm 2013-2014, Hạt Kiểm lâm Đông Giang và rừng đặc dụng Bà Nà - Núi Chúa phối hợp phá hủy 10 lán trại bẫy bắt động vật hoang dã quý hiếm, 8 lán trại, tịch thu 15 máy nổ và 6 máy bơm nước… Riêng vụ khai thác, cất giấu lâm sản trái phép xảy ra tại khu vực Cà Nhông, rừng đặc dụng Bà Nà - Núi Chúa và tiểu khu 63, thuộc thôn Lấy  xã Tư (Đông Giang) giáp ranh Đà Nẵng - Quảng Nam đã khởi tố vụ án. Trước đó, năm 2013, kiểm lâm hai bên xử lý 2 vụ phá rừng trái phép với diện tích hơn 7,4ha tại các tiểu khu 54, 57 xã Hòa Phú (huyện Hòa Vang) và các tiểu khu 74, 78 xã Ba (huyện Đông Giang). Việc vận chuyển lâm sản trái phép trên tuyến quốc lộ 14G qua địa phận xã Ba, xã Tư (Đông Giang) và xã Hòa Phú (Hòa Vang) đã được kiểm lâm Đông Giang và Hòa Vang phối hợp chặt chẽ. Thời gian qua, kiểm lâm TP.Đà Nẵng và Quảng Nam xử lý 10 vụ mua bán, vận chuyển gỗ trái phép với khối lượng hơn 5,3m3 gỗ xẻ. Hình thức sử dụng xe máy để chở gỗ và dùng trâu trung chuyển gỗ từ rừng ra ngoài tiêu thụ tại khu vực Dốc Kiền vẫn diễn biến phức tạp.

Cần vào cuộc kịp thời

Theo Chi cục Kiểm lâm TP.Đà Nẵng, điểm vướng mắc lớn vùng giáp ranh là chính quyền hai địa phương chưa xác định rõ ranh giới hành chính trên thực địa để quản lý tốt hơn. Nhiều năm nay, nguời dân trên địa bàn huyện Đại Lộc đã xâm canh trồng hơn 60ha rừng đất lâm nghiệp thuộc tiểu khu 61 xã Hòa Khương (huyện Hòa Vang). Thêm vào đó, việc nhập cư trái phép vào địa bàn có xu hướng tăng. Cho nên cần thảo luận, xây dựng quy chế phối hợp quản lý chặt các cơ sở chế biến lâm sản vùng giáp ranh giữa Đại Lộc và Hòa Vang, tránh tình trạng đối tượng lợi dụng làm đầu mối tiêu thụ lâm sản trái phép. Tại buổi sơ kết 2 năm, lực lượng kiểm lâm của hai địa phương thống nhất ký kết quy chế trao đổi kịp thời thông tin và tích cực phối hợp trong công tác kiểm tra, truy quét, phát hiện, ngăn ngừa và xử lý các hành vi vi phạm Luật Bảo vệ và phát triển rừng tại địa bàn giáp ranh. Theo ông Phan Tuấn – Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh, dù vẫn còn xảy ra tình trạng phá rừng, nhưng nhờ chủ động trao đổi thông tin, nhiều khu vực giáp ranh đã được kiểm soát. Những hạn chế trong bảo vệ rừng sẽ được giải quyết trong thời gian đến. Đánh giá về kết quả hoạt động 2 năm qua, kiểm lâm nhìn nhận công tác phối hợp đồng bộ, kịp thời phá được nhiều “điểm nóng” phá rừng tồn tại dai dẳng. Nhờ đó, vùng giáp ranh giảm đáng kể số vụ và khối lượng lâm sản vi phạm so với các năm trước.

TRẦN HỮU

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Liên kết giữ rừng giáp ranh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO