Dịch bệnh Covid-19 và thiên tai dồn dập ập đến đã làm cho kinh tế Quảng Nam lao đao, suy giảm. Theo báo cáo tại hội nghị Tỉnh ủy vừa qua, có 2 chỉ tiêu quan trọng về kinh tế chưa đạt là tốc độ tăng tổng sản phẩm (GRDP) trên địa bàn và tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn tỉnh.
Hụt thu ngân sách ước khoảng 25%. Hiện tại tỉnh phải dồn toàn bộ nguồn lực để bù hụt thu, đồng thời phục vụ cho công tác phòng chống dịch Covid-19, khắc phục thiệt hại do bão lũ gây ra.
Trong tình hình như vậy, gần như nguồn lực dành cho phát triển năm 2021 không có, việc thực hiện các nghị quyết sẽ rất khó khăn. Làm sao để đột phá trong bước khởi đầu của nhiệm kỳ mới, đưa Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XXII đi vào cuộc sống? Đây là vấn đề đầy thử thách về bản lĩnh, trí tuệ của toàn đảng bộ, đòi hỏi khí phách người Quảng trong lúc gian nan, tìm được cơ trong nguy.
Cơ trong nguy chính là từ nhận diện sự bất ổn về địa bàn cư trú và sinh kế của đồng bào miền núi ở vùng bị sạt lở; cần phải rà soát sắp xếp tổng thể dân cư miền núi một cách bài bản, vững chắc hơn.
Cơ trong nguy chính là từ ảnh hưởng tiêu cực của biến đổi khí hậu cần tính lại quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội sao cho thích ứng/ứng phó được với hiện tượng thời tiết cực đoan. Tư tưởng phát triển bao trùm, không bỏ ai ở lại phía sau, đảm bảo cân đối giữa tăng trưởng kinh tế với bảo vệ môi trường và cải thiện đời sống nhân dân, sẽ chi phối mọi quy hoạch, công trình, dự án.
Cơ trong nguy chính là từ diễn biến phức tạp của dịch bệnh và thiên tai, phải đảm bảo hoạt động kinh tế, xã hội được an toàn bằng cách quản lý rủi ro, dự báo và có biện pháp phòng vệ hữu hiệu.
Những vấn đề lý thuyết nêu trên chỉ là gợi mở cho nhận thức, còn định hướng hành động thế nào? Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Phan Việt Cường đã yêu cầu các cấp ngành của tỉnh cần có sự tính toán về đầu tư phát triển một cách phù hợp, ưu tiên lĩnh vực có tác động tích cực, quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, tránh dàn trải, lãng phí, tinh thần là phải “liệu cơm gắp mắm”.
Còn Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh cho biết, UBND tỉnh sẽ tham mưu Tỉnh ủy có nghị quyết chuyên đề về khôi phục và phát triển sản xuất, khắc phục hậu quả thiên tai của năm 2020. Như vậy hành động ưu tiên là kiểm soát bằng được dịch bệnh Covid-19 và khắc phục hậu quả thiên tai, tập trung ưu tiên bố trí ngay nguồn lực để đầu tư khôi phục các công trình hạ tầng thiết yếu bị hư hại do thiên tai, nhất là về giao thông miền núi… Trước mắt việc ổn định đời sống nhân dân là cần kíp, nhất là tái thiết các vùng bị thiệt hại bão lũ nặng nề.
“Liệu cơm gắp mắm” hay “thắt lưng buộc bụng”, thực chất là lựa chọn tất yếu của quốc gia hay địa phương trong khủng hoảng về nguồn lực đầu tư. Ngay như Đà Nẵng, thành phố năng động nhất miền Trung giờ đây vẫn phải chọn ưu tiên việc “khôi phục” kinh tế - xã hội trước khi nói đến tăng trưởng, phát triển. Ở tầm quốc gia, giải quyết vấn đề hụt thu ngân sách, Quốc hội cũng đã yêu cầu Chính phủ triệt để tiết kiệm chi để giảm bội chi ngân sách, thực hiện huy động vay bù đắp bội chi phù hợp với tiến độ thu và dự kiến giải ngân ngân sách trung ương năm 2020. Đồng thời Chính phủ cũng định hướng chỉ đạo các địa phương phải thắt chặt chi tiêu, ưu tiên nguồn lực để phòng chống dịch Covid-19, khắc phục hậu quả thiên tai, thực hiện các chính sách an sinh xã hội; trường hợp còn hụt thu cân đối thì phải rà soát, cắt giảm các nhiệm vụ chi chưa cần thiết.
“Liệu cơm gắp mắm” để vượt qua giai đoạn suy thoái kinh tế là lựa chọn không thể khác với tình hình hiện nay và có lẽ sẽ còn kéo dài trong năm 2021.