Liệu tài bố sức

ĐĂNG QUANG 06/07/2015 09:03

Quảng Nam có quá nhiều di tích lịch sử văn hóa bị xuống cấp nghiêm trọng đang “lên tiếng kêu cứu”. Một thống kê cho biết, 17/60 di tích quốc gia và 35/300 di tích cấp tỉnh đang đứng ở bờ vực đổ nát nếu không tu bổ kịp thời. Vì vậy, một “Cơ chế tu bổ di tích quốc gia, di tích cấp tỉnh giai đoạn 2016 -2020” đang đệ trình HĐND tỉnh xem xét, nếu được ban hành sẽ là “chiếc phao”cho công cuộc cứu vãn di tích.
Phải nói ngay rằng, niềm tự hào luôn kèm theo áp lực. Tự hào vì bề dày văn hóa, lịch sử của mảnh đất luôn đòi hỏi chính quyền và người dân phải bảo tồn, chăm sóc vốn quý ấy. Trong khi đó, nguồn lực đầu tư thì luôn khó khăn, hạn chế. Do phải lo xóa đói giảm nghèo, nôm na là lo cho cái bụng, nên từ khi tái lập tỉnh cho đến năm 2008, Quảng Nam chỉ có 87 triệu đồng đầu tư trùng tu, bảo vệ di tích của tỉnh. Và, trong 5 năm gần đây, với cơ chế tu bổ cấp thiết, chỉ mới có 85 di tích được tu bổ, dựng bia.

Trở lại với “Cơ chế tu bổ di tích quốc gia, di tích cấp tỉnh giai đoạn 2016 -2020”, dự kiến mức hỗ trợ đầu tư cho di tích quốc gia sẽ là 6 tỷ đồng/di tích tháp Chăm, 2 tỷ đồng/di tích lịch sử cách mạng, 1 tỷ đồng/di tích đình, nhà thờ, đài tưởng niệm. Đối với di tích cấp tỉnh, mức hỗ trợ dự kiến là 600 triệu đồng/di tích kiến trúc nghệ thuật, 400 triệu đồng/di tích nhà thờ, đình, 300 triệu đồng/di tích lăng mộ, 100 triệu đồng/di tích nhà bia… Mức hỗ trợ như vậy có cao không? Không cao mà có thể là thấp với những  ai am hiểu về sự phức tạp, kỳ công trong trùng tu di tích, chẳng hạn như tháp Chăm. Tuy nhiên, nếu làm bài tính số tiền đầu tư cho tu bổ so với số lượng di tích xuống cấp, hẳn sẽ thành con số rất lớn.

Điều chúng tôi muốn đề cập là mục tiêu của cơ chế này hướng tới, phấn đấu trong 5 năm (2016- 2020), hầu hết di tích xuống cấp được trùng tu. Liệu đây đã có sự tính toán hợp lý về nguồn lực hay chỉ là… ước mơ? Sở dĩ phải đặt câu hỏi này vì rằng, đã từng có trường hợp cơ chế hỗ trợ mà HĐND tỉnh ra nghị quyết ban hành, song thực hiện rất chật vật vì thiếu nguồn lực. Như thế, câu chuyện “liệu cơm gắp mắm”, “liệu tài bố sức” luôn cần gợi nhắc để bàn tính kỹ.

Mong muốn có “chiếc phao” để cứu các di tích khỏi sụp đổ luôn là điều khẩn thiết. Dù có khó khăn thế nào thì chúng ta cũng phải gìn giữ di sản của cha ông để lại, vì vậy, cần bố trí nguồn tài chính thường xuyên, hợp lý. Không thế, trên bước đường xây dựng và phát triển, nếu để các di tích giá bị xóa sổ là đứt gãy tâm thức, hụt hẫng, chông chênh.

ĐĂNG QUANG

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Liệu tài bố sức
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO