Tình hữu nghị Việt - Lào là động lực để những người lính Công ty TNHH MTV Hữu nghị Nam Lào (Đoàn KT - QP 206), Quân khu 5 hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ xây dựng cụm bản Thoồng Ka Loổng (huyện Pắc-xoòng, tỉnh Chăm-pa-sắc, Lào)…
Trên đất bạn
Thực hiện thỏa thuận giữa Chính phủ Lào và Việt Nam và quân đội hai nước về phối hợp hoạt động triển khai đầu tư xây dựng cụm bản phát triển trên tuyến biên giới Việt Nam - Lào, những người lính Quân khu 5 đã hành quân sang đất bạn với bao khó khăn chồng chất. Đồng bào ở đây phần lớn là dân tộc thiểu số La Vên, Tà Ôi, Cơ Tu, Nha Hớn với tập quán lạc hậu, du canh du cư, tỷ lệ đói nghèo ở mức cao. Đại tá Vũ Bình Nhưỡng, Giám đốc Công ty Hữu nghị Nam Lào nhớ lại: “Vừa mới qua đã chạm ngay cái rét cắt da cắt thịt. Những vất vả ngày ấy không sao kể xiết nhưng mọi người đều trụ vững để làm chỗ dựa tin cậy của địa phương. Những ca khúc của người lính luôn rộn rã trên sóng nhạc góp phần giục giã chúng tôi quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ trên đất bạn”.
Cán bộ, nhân viên Công ty TNHH MTV Hữu nghị Nam Lào giúp nhân dân Chăm-pa-sắc thu hoạch lúa. Ảnh: H.VÂN |
Chỉ trong vòng 2 năm từ 2007 - 2009, dự án trị giá 38 tỷ kíp (tương đương 85 tỷ đồng Việt Nam) đã hoàn thành trước thời hạn một năm. Ngay tháng đầu tiên, các anh đã vận động 78 hộ dân vùng sâu, vùng xa về quây quần quanh mái ấm Thoồng Ka Loổng và hiện nay con số ấy lên đến 1.115 hộ. Sau khi công trình hoàn thành, Thượng tá Nguyễn Như Tuyên làm đội trưởng cùng một số bác sĩ, cán bộ tiếp tục ở lại với cụm bản, tham mưu giúp địa phương phát triển kinh tế - xã hội, chăm sóc y tế. Từ một vùng hoang vu, bàn tay và khối óc những người lính Việt đã góp phần đem đến bộ mặt tươi mới cho đất và người nơi đây. Theo Đội phó Đội quản lý cụm bản Thoồng Ka Loổng - Tin Kẹo, hiện nay cả cụm bản có đến 40% số hộ có ô tô, máy cày, xe vận tải nhỏ và xe máy; hơn 70% số hộ có phương tiện nghe nhìn. Thu nhập chủ yếu từ cà phê và tiền công lao động ở các công ty.
Điện, đường, trường, trạm, nhà văn hóa, 2 công trình thủy lợi hiện đại, khu đất sản xuất cấp cho nhân dân… trở thành địa điểm lý tưởng mời gọi 15 công ty của Lào và nước ngoài vào đầu tư, tạo hàng ngàn việc làm cho người lao động. Từ mô hình này, Công ty Hữu nghị Nam Lào tiếp tục xây dựng cụm bản Đắk Mun, huyện Đắk Chưng tỉnh Sê Kông với tổng mức 17 tỷ kíp và đã hoàn thành.
Triệu phú ở Thoồng Ka Loổng
Thiếu tướng Khăm-Bun Dượm Lát-sa-vông, Sư đoàn trưởng Sư đoàn 5 có mặt hầu hết các sự kiện lớn của Công ty TNHH MTV Hữu nghị Nam Lào, phấn khởi: “Cụm bản Thoồng Ka Loổng là kết quả của tình hữu nghị Việt - Lào mà Công ty Hữu Nghị Nam Lào là chiếc cầu nối. Từ bệ phóng Thoồng Ka Loổng, công ty đã xây dựng nhiều công trình khác để lại dấu ấn sâu đậm trong lòng quân dân Lào, xứng đáng được Nhà nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào tặng Huân chương Lao động hạng Ba và hạng Nhì”. Thiếu tướng Khăm- Bun kể vanh vách những công trình mà công ty đã xây dựng cho Sư đoàn 5 và các tỉnh Nam Lào với kinh phí của Bộ Quốc phòng, Quân khu 5, các tỉnh trong Quân khu. Đó là sự hợp tác với sư đoàn trồng 290ha cao su, xây dựng khách sạn tại km số 5 Păk xế, bệnh xá, sở chỉ huy cho Bộ CHQS tỉnh Sa-la-van, Sê Kông… |
Đội phó Tin Kẹo đã tốt nghiệp thạc sĩ hành chính ở Việt Nam nên nói tiếng Việt khá thạo. Khi được hỏi vì sao từ cán bộ sở thanh tra tỉnh lại quyết định về đây, anh bảo Thoồng Ka Loổng là môi trường tốt nhất giúp cán bộ mau trưởng thành, bởi nơi đây có những người bạn Việt Nam. Có thế thấy, rất nhiều cán bộ từ Thoồng Ka Loổng hiện đảm nhiệm các chức vụ quan trọng trong bộ máy hành chính của tỉnh Chăm-pa-sắc. Như ông Sombath từ đội trưởng, nay là Chánh văn phòng tỉnh Chăm-pá-sắc; Supany từ cán bộ đội lên làm Giám đốc Sở Nông nghiệp... Đại úy Bun Tắc Lac-sa-my, cán bộ Huyện đội tăng cường cho biết: “Chúng tôi vừa phát triển kinh tế vừa tổ chức xây dựng cụm bản liên hoàn, bởi cao nguyên Bô-lô-ven có vị trí chiến lược. Đời sống bà con đã khá nên việc tham gia công tác dân quân rất hăng hái”. Đại úy Lac-sa-my khoe, trước đây nhà anh ở tận vùng sâu nay đã gia nhập cụm bản này. Đoàn 206 giúp gia đình vận chuyển nhà cũng như hỗ trợ tôn để xây dựng nơi ở mới và giao một nửa héc ta đất, 2.600 cây giống cà phê. Nhờ chăm chỉ khai hoang, gia đình anh thu hoạch mỗi năm từ 2 - 3 tấn cà phê và chăn nuôi gia súc, cuộc sống dần đi vào ổn định.
Bun Lắc, Phó bản Hụi Soi mới 41 tuổi mà đã có 7 con. Anh là một trong những người định cư sau cùng sau khi thấy hiệu quả rõ ràng của dự án. Trước đây, anh ở bản Cầu cách 50km, đời sống khó khăn, con cái không được đến trường. Anh tiếc rẻ: “Giá như mình đến sớm như mọi người thì đã ổn định sớm hơn rồi”. Anh Phong Phết, quản lý trường Nậm Rông có lẽ vui hơn cả. Anh thông báo, trường có 9 lớp từ cấp 1 đến cấp 2 và đón nhận tất cả con em vùng này. Số học sinh đông hơn dự kiến nên phải học thêm qua nhà sinh hoạt của bản. Anh nắm tay Đại tá Vương Sĩ Hà, Chính ủy Đoàn 206: “Mình cám ơn bộ đội Việt Nam nhiều lắm. Là thầy giáo, cứ mỗi buổi sáng nhìn các em như đàn chim ríu rít đến trường là không gì hạnh phúc bằng”.
Hồng Vân