Thời gian qua, nhiều hộ đồng bào Ca Dong tại 2 xã Phước Trà và Sông Trà (Hiệp Đức) sống trong tâm trạng hoang mang khi một số người dân được chẩn đoán mắc bệnh viêm gan nhưng đến nay vẫn chưa tìm ra nguyên nhân.
Thung lũng Trại 2, xung quanh phía trên là rừng cao su, nơi có nhiều người dân bị bệnh viêm gan A,B. Ảnh: VĨNH LỘC |
Nhiều trường hợp nhiễm bệnh
Bà Hồ Thị Nga ở thung lũng Trại 2 (thôn 6, xã Sông Trà, Hiệp Đức) kể, cách đây khoảng 4 tháng, đột nhiên bà thấy trong người mệt mỏi, sốt nhẹ, tiểu ra nước vàng, mắt, da mặt cũng trở nên vàng vọt, đi khám xét nghiệm thì được bác sĩ chẩn đoán bị viêm gan A. Sau 10 ngày điều trị ở Tam Kỳ và 4 tuần tại Bệnh viện Đà Nẵng, bà xuất viện về nhà nhưng đến nay vẫn chưa dứt hẳn bệnh. Bây giờ mỗi tháng bà Nga phải ra Đà Nẵng 1 lần để bác sĩ tái khám, theo dõi. Tương tự, nhà ông Nguyễn Ngọc Đoàn ở kế bên bà Nga cũng cho biết mình bị viêm gan A gần 7 năm nay, dù đã chạy chữa nhiều nơi nhưng bệnh tình vẫn không hết, thỉnh thoảng phải uống thuốc nam cầm chừng. “Trước đây trong thôn cũng đã có vài người bị ung thư gan chết rồi nên dân chúng tôi rất hoang mang, lo sợ” - ông Đoàn nói.
Thôn 6 xã Sông Trà hiện có 61 hộ, gần 300 nhân khẩu, qua xét nghiệm ngẫu nhiên 15 trường hợp thì đã phát hiện 10 trường hợp bị nhiễm viêm gan A, trong đó có người bị viêm gan B. Riêng tại thôn 5, kiểm tra xét nghiệm 5 người thì cả 5 trường hợp đều bị nhiễm vi rút viêm gan A. Tương tự, tại xã Phước Trà tiến hành kiểm tra ngẫu nhiên 11 trường hợp tại các thôn 3, 4, 5 thì cả 11 trường hợp đều bị nhiễm virus viêm gan A và B. Theo ông Nguyễn Văn Lợi - Chủ tịch UBND xã Sông Trà, việc đồng bào bị viêm gan đã kéo dài từ vài năm nay nhưng rộ nhất khoảng năm 2014 - 2015 khi nhiều người dân tại thôn 6 có biểu hiện vàng da, vàng mắt. Trước tình hình này, xã đã chỉ đạo trạm y tế tiến hành kiểm tra và thông báo lên Trung tâm Y tế huyện để đề nghị Sở Y tế cử cán bộ chuyên môn về chẩn đoán, xét nghiệm tìm nguyên nhân phòng chống. Đặc biệt, trong cuộc họp HĐND huyện cuối năm 2015, xã cũng đã báo cáo tình trạng này để huyện có giải pháp xử lý. Đồng thời đề xuất cần nhanh chóng di dời các hộ dân tại thung lũng Trại 2 đến nơi khác để đảm bảo sức khỏe, ổn định cuộc sống và tâm lý đồng bào. “Tôi nghe mấy cán bộ Trạm Y tế xã nói nguyên nhân bị bệnh là vì nguồn nước sinh hoạt bị ô nhiễm và người dân ăn uống không đảm bảo vệ sinh nên mới dẫn đến viêm gan nhiều như hiện nay” - ông Lợi cho biết.
Cũng theo ông Lợi, hiện tất cả hộ dân thôn 6 đều sử dụng nước tự chảy và nước giếng, trong khi các ngọn đồi cao xung quanh trồng cao su có mủ độc và dùng nhiều thuốc trừ sâu chăm bón nên dẫn đến nguồn nước phía dưới thung lũng bị ô nhiễm. “Xã đã gửi công văn lên Phòng NN&PTNT và lãnh đạo huyện xin phép được tổ chức di dời tái định cư cho dân nhưng hiện nay vẫn đang chờ” - ông Lợi thông tin.
Tăng cường tuyên truyền
Theo bác sĩ Trần Văn Hoàn - Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng Quảng Nam, sau khi nhận được thông tin và chỉ đạo của Sở Y tế, đơn vị đã cử cán bộ đến trực tiếp kiểm tra, xét nghiệm một số hộ dân tại 2 xã Sông Trà và Phước Trà, tuy nhiên do điều kiện kinh phí có hạn (xét nghiệm miễn phí) nên không thể tổ chức xét nghiệm hết cho đồng bào mà chỉ chọn những trường hợp ngẫu nhiên có biểu hiện bệnh khả nghi. Dù vậy, với kết quả cao bất thường so với các nơi khác thật sự là điều đáng lo ngại. Theo bác sĩ Hoàn, nguyên nhân nhiễm vi rút viêm gan A chủ yếu lây truyền qua đường ăn uống dưới dạng vi trùng, chứ không phải ảnh hưởng từ mủ cao su hay thuốc trừ sâu bón cây. “Để dễ hiểu hãy hình dung thế này, con vi rút ban đầu nằm trong gan rồi được bài tiết thải ra ngoài qua đường tiêu hóa, nếu có ruồi nhặng bu vào nó sẽ mang đi đậu bám vào thức ăn, vật dụng và truyền bệnh. Trong khi đồng bào thì không phải lúc nào khâu vệ sinh, ăn uống cũng đảm bảo sạch sẽ nên nguy cơ mắc bệnh thường cao” - bác sĩ Hoàn phân tích.
Theo bác sĩ Hoàn, nếu viêm gan B lây truyền qua đường máu và dễ chuyển sang xơ gan, ung thư thì viêm gan A được xem là ít nguy hiểm, ít ảnh hưởng đến tính mạng hơn. Bệnh chủ yếu gây sưng gan, người mệt mỏi, biếng ăn, ăn không tiêu, vàng mắt, vàng da… Chính vì vậy, hiện nay Việt Nam không có vắc xin ngừa vì người dân ít tiêm, dù trên thế giới đã có sản xuất. “Biện pháp cấp thiết nhất vẫn là tuyên truyền người dân vệ sinh đúng quy định, ăn chín uống sôi và quản lý nguồn phân hữu cơ đảm bảo thì sẽ hạn chế được bệnh viêm gan A xảy ra” - bác sĩ Hoàn nói.
Dù không ảnh hưởng đến tính mạng nhưng với đa số đồng bào thuộc hộ nghèo, việc mang bệnh tật trong người không chỉ gây tốn kém tiền của, thời gian đi chữa bệnh mà còn ảnh hưởng đến khả năng lao động sản xuất nếu không có những biện pháp hữu hiệu. Ông Nguyễn Hoa – Phó Chủ tịch UBND huyện Hiệp Đức khẳng định, sau khi có báo cáo xét nghiệm của Trung tâm Y tế dự phòng Quảng Nam, bên cạnh tuyên truyền động viên người dân sinh hoạt hợp vệ sinh, tự giác đi khám bệnh…, huyện cũng đã đề nghị Ban Dân tộc miền núi, Sở KH-ĐT cũng như UBND tỉnh cho phép xây dựng điểm tái định cư tại sườn núi phía trên thung lũng gần đó và đầu tư hạ tầng, đường giao thông thuận tiện, nhất là nguồn nước tự chảy đảm bảo hợp vệ sinh (được lấy từ suối Sa Mưa, thôn 6, Sông Trà) nhằm ổn định cuộc sống người dân. Riêng thung lũng Trại 2 sau khi di dời xong sẽ được cải tạo thành đồng ruộng cho người dân trồng lúa vì hiện nay đất canh tác tại Sông Trà rất thiếu, dự kiến tổng kinh phí đầu tư dự án di dời dân lên điểm tái định cư mới ước khoảng 14 tỷ đồng. “Đề án điểm dân cư mới đã được các ban, ngành thẩm định xong, hiện chỉ còn chờ UBND tỉnh trình HĐND xem xét, thống nhất để phân bổ ngân sách. Bước đầu như vậy là tốt rồi, tuy nhiên trước tình hình người dân lo lắng như hiện nay, chúng tôi tha thiết mong tỉnh sớm thông qua đề án để đồng bào được an tâm sinh sống, làm ăn, đảm bảo sức khỏe” - ông Hoa kiến nghị.
VĨNH LỘC