Đoàn công tác của Bộ GTVT vừa có buổi làm việc với Ban Quản lý dự án cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi về tiến độ tuyến cao tốc Tam Kỳ - Quảng Ngãi. Tại cuộc họp này, đại diện Ban Quản lý dự án cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi cho biết, khối lượng công việc vẫn còn nhiều, đòi hỏi các nhà thầu phải tăng ca, tăng kíp mới có thể hoàn thành thông xe trước ngày 30.6 theo chỉ đạo của Bộ GTVT. Ngoài ra, hiện trên toàn đoạn tuyến còn 40 vị trí vướng mặt bằng, trong đó có 20 vị trí tập trung chủ yếu ở Quảng Nam đã ảnh hưởng đến tiến độ dự án.
Ngoài lo ngại về tiến độ thi công, thông tin đăng trên tờ Tiền Phong số ra hôm qua (26.3) còn nêu lo ngại của chủ đầu tư dự án BOT mở rộng quốc lộ 1 đoạn qua địa bàn Quảng Nam rằng, khi cao tốc Bắc - Nam hoàn thành, phương tiện lưu thông qua các dự án BOT trên quốc lộ 1 giảm, thời gian trả phí của người tham gia giao thông trên quốc lộ 1 kéo dài. Trong khi đó, hợp đồng BOT giữa chủ đầu tư ký với Bộ GTVT có quy định, khi doanh thu của dự án biến động 1%, hai bên sẽ phải tiến hành đàm phán để ký kết phụ lục hợp đồng. Tuy nhiên, đơn vị cho rằng khi cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi thông toàn tuyến, biến động lưu lượng đối với dự án quá lớn, làm vỡ phương án tài chính. Từ những băn khoăn này, đến lượt nhà đầu tư cao tốc lo ngại, tuyến cao tốc Bắc - Nam sẽ bị đình hoãn nếu chủ đầu tư BOT trên quốc lộ 1 khiếu kiện.
Nếu thực tế đúng như “kịch bản” mà các nhà đầu tư BOT quốc lộ 1 và cao tốc nêu ra thì một điều rất đáng lo là người dân sẽ không đồng tình với lý do này. Bởi, xét cho cùng dù phương án bảo đảm nguồn thu nào cho nhà đầu tư (kéo dài thời gian thu hoặc Nhà nước phải bù cho nhà đầu tư) thì cũng từ túi tiền của dân. Từ những vụ lùm xùm của các trạm BOT vừa qua, có thể thấy người dân giờ đây đã rất “nhạy cảm” với cách đặt ra nhiều câu hỏi xung quanh các khoản chi phí mà họ phải gánh chịu. Ví dụ trường hợp đặt “lỗi vị trí” trước đây và đặt sai khoảng cách của trạm thu giá Tam Kỳ hiện nay, người dân cũng từng đặt câu hỏi: tiền mà các chủ đầu tư thu không đúng quy định của họ đã được dùng vào việc gì? Và nếu lưu lượng xe cộ giảm qua trạm Tam Kỳ vì đường cao tốc, thì liệu đây có phải là lý do chính đáng để người dân chấp nhận kéo dài thời gian thu? Trong khi đó, cách để trả lời thuyết phục người dân nhất chính là sự minh bạch trong các dự án BOT thì cả chủ đầu tư và cơ quan quản lý đều chưa thực hiện triệt để. Nói như một chuyên gia giao thông, “về nguyên lý, hợp đồng BOT không ảnh hưởng đến an ninh quốc phòng, trật tự an toàn xã hội nên cần được công khai. Ngoài ra, người trả tiền, là chủ thực sự của các dự án BOT là người tham gia giao thông nên các điều khoản hợp đồng cần công khai để người dân giám sát”.
C.B.L