Lo nợ xấu

TÂM CA 08/03/2014 11:59

Cơ chế và giải pháp nào để xử lý hiệu quả nợ xấu vẫn là câu chuyện đầy khó khăn của các ngân hàng trong hiện tại.

“Muôn nẻo” nợ xấu

Theo số liệu giám sát và báo cáo của các tổ chức tín dụng (TCTD), tổng nợ xấu được hạch toán nội bảng đến cuối tháng 12.2013 tại Quảng Nam chỉ khoảng 806,7 tỷ đồng, chiếm 3,38%/tổng dư nợ, chủ yếu phát sinh từ 48 khách hàng doanh nghiệp. Con số này đã giảm đáng kể so với 7,16% vào cuối năm 2012, cho thấy đã có những nỗ lực trong việc xử lý nợ xấu của hệ thống ngân hàng tại Quảng Nam. Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Quảng Nam cho biết nợ xấu hạch toán nội bảng của hệ thống TCTD giảm mạnh là nhờ vào nợ xấu của Ngân hàng Đầu tư và phát triển giảm 579 tỷ đồng, giảm 92% so với đầu năm 2013, chủ yếu nhờ sử dụng nguồn dự phòng để xử lý rủi ro, hạch toán ngoại bảng các khoản nợ của một số khách hàng. Theo nhận định của giới ngân hàng, nợ xấu một phần do sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn, hàng tồn kho ứ đọng nhiều. Môi trường đầu tư, kinh doanh gặp nhiều trở ngại làm suy giảm chất lượng tín dụng và nợ xấu gia tăng, như Công ty CP Sản xuất thương mại và dịch vụ Ngọc Nam Phương, Công ty TNHH Thép miền Trung, Công ty TNHH Hiền Trang… Trong lĩnh vực xây dựng, đơn vị thi công công trình bị chủ đầu tư chậm thanh toán, nhất là các công trình có nguồn vốn từ ngân sách nhà nước, dẫn đến khách hàng gặp nhiều khó khăn trong việc trả nợ như Công ty CP Giao thông vận tải Quảng Nam, Công ty CP Cấp thoát nước Quảng Nam… Áp lực về chi phí tài chính, lãi vay tăng cao, khiến nhiều doanh nghiệp kinh doanh thua lỗ, có nguy cơ mất khả năng thanh toán như Công ty TNHH Quang Minh, Tân Đông An… Thêm vào đó ảnh hưởng thiên tai, dịch bệnh, mất mùa, nông sản rớt giá… cũng đã khiến sản xuất, kinh doanh thua lỗ, không đủ khả năng trả nợ. Tuy nhiên, cũng không loại trừ các TCTD thiếu thẩm định, kiểm tra trước, trong và sau khi cho vay đối với khách hàng còn mang tính chủ quan, thiếu chặt chẽ và liên tục, chưa tuân thủ đầy đủ quy định pháp luật, các hướng dẫn của nội bộ ngành. Việc kiểm tra, giám sát tình hình hoạt động của khách hàng còn chưa kịp thời, hạn chế, dẫn tới bị lừa đảo nhưng chậm phát hiện, như Công ty TNHH MTV Giấy Thành Bắc… Doanh nghiệp có vốn chủ sở hữu nhỏ, tài chính kém lành mạnh, sử dụng vốn sai mục đích dẫn đến đầu tư không hiệu quả, không có thông tin thị trường, chưa xây dựng được thị trường tiêu thụ… dẫn đến kinh doanh thua lỗ, không có nguồn trả nợ khách hàng hoặc thiếu ý thức trả nợ, thiếu nhiệt tình, hợp tác với ngân hàng trong việc xử lý tài sản đảm bảo, dây dưa cố tình không trả nợ, như Công ty TNHH Thực phẩm chế biến Á Châu… Tuy nhiên, song song với số lượng nợ xấu đang được thu hồi thì ngân hàng cũng đang phải đối mặt với nguy cơ nợ phát sinh từ thiệt hại do các cơn bão năm 2013 với tổng dư nợ thiệt hại là 142/462 tỷ đồng dư nợ cho vay và sự ảm đạm của thị trường chưa biết khi nào hồi phục.

Tìm giải pháp xử lý

Nợ xấu đã được nói đến trên các diễn đàn nhưng giải pháp tháo gỡ và bao giờ kết thúc vẫn chưa thể tìm câu trả lời được. Nợ xấu trên 3% vẫn là quá cao. Vì thế, giải quyết “khối băng” này vẫn là mối quan tâm hàng đầu của các ngân hàng chứ không phải là tăng trưởng tín dụng. Nói ngắn gọn, để thanh lý nợ xấu, phải có ai đó gánh phần lỗ lã, hoặc ngân hàng hoặc người vay và phải cần có tiền. Các ngân hàng phải là những người chịu trách nhiệm đầu tiên. Họ buộc phải giảm lãi, trích lập dự phòng rủi ro tối đa. Hiện hầu hết TCTD có nợ xấu đều đề ra mục tiêu, giải pháp cụ thể và cách thức thực hiện, giải pháp xử lý nợ xấu tại đơn vị. Phương châm xử lý các khoản nợ xấu hiện tại song hành với các biện pháp hạn chế, ngăn ngừa phát sinh, kiểm soát có hiệu quả và nâng cao chất lượng tín dụng, tăng cường trích lập dự phòng rủi ro để xử lý nợ xấu. Theo một thống kê khác, hiện tổng số dư nợ gốc đã được xử lý rủi ro bằng nguồn dự phòng rủi ro tín dụng đang được theo dõi ngoại bảng của hệ thống ngân hàng là 894 tỷ đồng, tăng 558 tỷ đồng (tăng 166%) so với đầu năm 2013, trong đó nợ gốc được xử lý của 50 doanh nghiệp là 826 tỷ đồng (chiếm 92%). Tổng số dư có tài khoản dự phòng rủi ro đến cuối năm 2013 là 345 tỷ đồng. Tuy nhiên, việc nợ xấu giảm năm 2013 chủ yếu xử lý rủi ro (chiếm 96%). Rốt cuộc nợ xấu vẫn chưa được thu hồi. Nếu tính nợ xấu bao gồm các khoản nợ xấu hạch toán nội bảng và theo dõi ngoại bảng thì tổng nợ xấu trên địa bàn Quảng Nam hiện vẫn còn tới 1.958 tỷ đồng, tỷ lệ nợ xấu là 8,2%.

Giới ngân hàng cho biết việc xử lý các khoản nợ xấu hiện vẫn gặp nhiều khó khăn do doanh nghiệp cạn kiệt nguồn tài chính không còn khả năng trả nợ. Một số ngân hàng đã khởi kiện yêu cầu xử lý tài sản đảm bảo để thu hồi nợ nhưng khả năng bán được tài sản rất khó do người vay bất hợp tác với ngân hàng. Việc khởi kiện và xử lý tài sản đảm bảo để thu hồi nợ hiện nay gặp không ít khó khăn, mất nhiều thời gian và khả năng thu hồi nợ thấp, bởi phần lớn tài sản đảm bảo là quyền sử dụng đất, nhà ở, công xưởng, máy móc thiết bị, hàng tồn kho có tính thanh khoản kém, giá trị biến động giảm do ảnh hưởng thị trường bất động sản. Hơn nữa thực trạng khó khăn khu vực doanh nghiệp chưa được cải thiện. Vốn đầu tư xây dựng cơ bản của nhà nước chậm thanh toán, lạm phát và sự quản lý yếu kém của doanh nghiệp… Tất cả nguyên nhân này đã tác động đến tình hình nợ xấu trên địa bàn, ảnh hưởng đến công tác thu hồi nợ bị kéo dài, kìm hãm sự tăng trưởng vốn tín dụng thời gian qua. Ông Huỳnh Tánh, Giám đốc MB nói chỉ vướng một khách hàng nợ xấu về đất ở một năm rồi vẫn chưa xử lý được khi diện tài sản nằm trong vùng quy hoạch. Còn Cathay đã tái cơ cấu nợ cho Vinalines lần hai rồi. Nhưng nợ xấu vẫn tồn tại. Họ chỉ trả nợ một phần nhỏ, nhưng hy vọng sẽ ổn định khi Chính phủ cho doanh nghiệp này vay nợ từ nguồn Ngân hàng Phát triển Á Châu. Bà Hồ Thị Xuân Lan, Giám đốc Ngân hàng Công thương nói ngân hàng đã trải qua một năm vô cùng khó khăn vì nợ xấu. Cả năm phải dùng nguồn dự phòng trích lập rủi ro để xử lý nợ xấu. Nợ xấu giảm là do trích lập dự phòng rủi ro còn nợ xấu của doanh nghiệp thì vẫn khó thu. Ông Nguyễn Quang Việt, Giám đốc VCB nói ngân hàng chỉ vướng một, hai khách hàng nhưng quá trình xử lý nợ kéo dài. Nhờ thi hành án giúp nhưng chưa có kết quả. Nếu Ngân hàng Nhà nước không có chủ trương cơ cấu lại nợ thì sẽ lại lâm vào nợ xấu.

TÂM CA

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Lo nợ xấu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO