Lo thực phẩm mùa trung thu

CHIÊU THỤC ANH 24/09/2015 09:28

Để đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) trong dịp Tết Trung thu, các đoàn thanh tra, kiểm tra liên ngành về an toàn thực phẩm đã làm việc và có những phát hiện không mấy vui...

Giữ thương hiệu “sạch”

TP.Tam Kỳ là một trong những địa phương có nhiều cơ sở sản xuất bánh kẹo và kinh doanh các chủng loại thực phẩm. Đây là địa bàn được chú trọng của các đoàn kiểm tra đảm bảo ATVSTP trong mùa Tết Trung thu 2015. Thực hiện kế hoạch do UBND tỉnh ban hành, đoàn thanh tra kiểm tra liên ngành số 3 do Chi cục Quản lý thị trường tỉnh chủ trì đã tiến hành kiểm tra tại một số cơ sở sản xuất bánh kẹo và các nhà phân phối thực phẩm trên địa bàn thành phố. Thương hiệu của cơ sở sản xuất bánh Thái Bình (phường Trường Xuân) có từ nhiều năm qua và được nhiều nơi trong và ngoài nước biết đến. Chính vì thế việc ATVSTP luôn được chủ cơ sở quan tâm, chú trọng. Khi đoàn kiểm tra bất ngờ xuất hiện, công nhân có đầy đủ khẩu trang, quần áo bảo hộ, khu vực sản xuất chế biến được tập trung riêng biệt, hoàn toàn cách ly với khu vực bảo quản cũng như khu sinh hoạt của gia đình. Ông Nguyễn Văn Thưởng - chủ cơ sở sản xuất bánh Thái Bình, nói: “Chúng tôi xây dựng thương hiệu từ mấy chục năm nay với đủ loại bánh nướng, bánh dẻo, bánh đậu xanh... nên nhận thức rõ việc đảm bảo ATVSTP là cực kỳ quan trọng trong bất cứ thời điểm nào. Bởi vậy, việc đảm bảo ATVSTP không chỉ là đối phó với cơ quan chức năng mà chính là miếng cơm của chúng tôi”.

Khu vực để nguyên liệu làm đường bát. Ảnh: C.T.A
Khu vực để nguyên liệu làm đường bát. Ảnh: C.T.A

Để đảm bảo người tiêu dùng không mua phải các loại thực phẩm là hàng giả, hàng nhái, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ trong mùa trung thu, đoàn còn tiến hành kiểm tra các nhà phân phối, kinh doanh những mặt hàng được tiêu thụ nhiều trong dịp này như bánh trung thu, sữa, nước giải khát... Qua kiểm tra, hầu hết doanh nghiệp đều thực hiện tốt việc đảm bảo hạn sử dụng, nguồn gốc đầu vào cũng như đầu ra các sản phẩm. Ý thức đảm bảo chất lượng hàng hóa đến tay người tiêu dùng cũng được nâng lên rõ rệt. Ông La Minh Kỳ - Giám đốc Doanh nghiệp tư nhân Nghĩa Lợi, cho hay: Qua việc kiểm tra, nhắc nhở của các cơ quan chức năng chúng tôi luôn thực hiện tốt việc đảm bảo chất lượng, nhất là mặt hàng thời vụ bánh trung thu. Không chỉ đảm bảo xuất xứ, nguồn gốc mà chúng tôi còn thường xuyên kiểm tra các cửa hàng bán lẻ để thu hồi sản phẩm không đảm bảo chất lượng trong quá trình bảo quản... Chúng tôi cam kết đảm bảo cung cấp các sản phẩm an toàn cho khách hàng”.

Đường… đắng

Thực tế tại các cơ sở sản xuất, phân phối ở huyện Thăng Bình lại trái ngược với Tam Kỳ trong việc đảm bảo ATVSTP. Doanh nghiệp tư nhân Long Đạt (thôn Quý Thạnh, xã Bình Quý) được xem là cơ sở phân phối nước ngọt, nước giải khát lớn khi hàng được phân phối ở 4 huyện lân cận gồm: Duy Xuyên, Thăng Bình, Quế Sơn, Hiệp Đức với đội ngũ bán hàng gồm 8 xe và 16 nhân viên bán hàng. Tuy kho lưu giữ hàng đảm bảo đúng điều kiện quy định nhưng tất cả nhân viên bán hàng đều không có giấy khám sức khỏe, giấy tập huấn kiến thức về ATVSTP. Điều đáng nói là, trong kho hàng của doanh nghiệp đang lưu giữ lô hàng nước ngọt hiệu Redbull có xuất xứ Thái Lan nhưng chủ cơ sở không xuất trình được hóa đơn mua lô hàng này. Ông Trần Ngọc Long - Giám đốc doanh nghiệp, cho rằng: ông đang bị bệnh, việc kinh doanh giao phó cho con cháu nên không biết, không kiểm soát được hết công việc nên xảy ra tình trạng này. Ông mong muốn đoàn kiểm tra cho ông thời gian 1 ngày theo quy định để yêu cầu nhà phân phối gửi hóa đơn cho ông trình đoàn kiểm tra. Điều đáng nói là, nếu như doanh nghiệp không bất ngờ bị kiểm tra thì lô hàng này cũng sẽ được đưa về vùng sâu, vùng xa theo các đại lý.

Cách doanh nghiệp Long Đạt không xa là cơ sở sản xuất đường bát của bà Ngô Thị Châu (Bình Quý). Trước đó, người dân ở gần khu vực này cũng đã thông tin về quy trình sản xuất đường bát ngược: “nấu đường cát ra đường bát”. Hơn nữa, giá thành của 1kg đường cát và 1kg đường bát chênh lệnh không bao nhiêu. Vậy chi phí sản xuất đường bát sẽ được bù đắp ở khoản nào? Khi thấy đoàn kiểm tra bất ngờ, ban đầu chủ cơ sở cố ý không mở cửa. Khi được thuyết phục, bé gái ra mở cửa nhưng cố tình ném bát nước màu vào bếp lửa. Bà Ngô Thị Châu giải thích, bát nước đó để châm mực bút dạ. Nhưng theo quan sát của nhiều người có mặt, chảo nấu đường, gậy quậy đường đều có dính màu xanh của bát nước bị hất vào bếp. Ngoài ra, các đường nguyên liệu chất bừa bãi ngoài sân, bụi phủ đen. Khi đoàn kiểm tra yêu cầu trình hóa đơn của 10 bao đường Thái Lan thì bà Châu không có. Ngoài ra, sau khi phát hiện chai nước màu cam, sệt, giống nước sơn và túi bột màu xanh để góc chảo nấu đường, đoàn kiểm tra trộn lẫn bột màu xanh và nước màu cam thì một số thành viên cho rằng, chắc chắn là chất phụ gia khi sản xuất đường bát. Ông Lương Viết Tịnh - Đội trưởng Đội chống buôn bán hàng giả, hàng lậu, Phó Chi cục trưởng Chi cục QLTT yêu cầu cơ sở chấm dứt hoạt động đến khi nào trình đủ các giấy tờ liên quan cho phép cơ sở hoạt động. Ngoài ra, giao 10 bao đường Thái Lan cho đội Quản lý thị trường số 4 xử lý theo quy định. “Cơ quan chức năng địa phương sẽ giám sát cơ sở sau khi đoàn ra quyết định đình chỉ hoạt động đến khi nào đủ điều kiện. Bởi nếu không, sẽ đe dọa đến sức khỏe người tiêu dùng không chỉ ở Quảng Nam mà có thể là các địa phương khác” - ông Tịnh nói.

Thực tế các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm tại huyện Thăng Bình khiến nhiều người không khỏi lo ngại khi các cơ sở sản xuất, kinh doanh lớn nhỏ đều vi phạm ATVSTP. Vì lợi nhuận, người kinh doanh sẵn sàng bất chấp tạo nên mối nguy đe dọa trực tiếp đến sức khỏe của người tiêu dùng. Vậy nên, việc kiểm tra ATVSTP cần phải làm thường xuyên, không phải đợi “đến hẹn lại lên”.

CHIÊU THỤC ANH

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Lo thực phẩm mùa trung thu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO