Thời gian gần đây, liên tiếp xảy ra các vụ giả chữ ký của lãnh đạo tỉnh ban hành văn bản đầu tư dự án, hay tung tin đồn sáp nhập địa giới hành chính một số đơn vị thuộc thị xã Điện Bàn vào Đà Nẵng để gây “sốt” cho thị trường bất động sản (BĐS). Ai là người phát tán những “thông tin ma” này hiện vẫn chưa được cơ quan chức năng làm sáng tỏ.
Trung tâm môi giới đất mọc lên như nấm ở phường Điện Ngọc. |
Thổi giá đất bằng tin giả
Sau khi trên mạng xã hội tung ra một văn bản giả mạo chữ ký của Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Văn Thu về việc cấp phép đầu tư dự án chuỗi khách sạn, khu phức hợp giải trí ở phường Cẩm Nam (TP.Hội An), UBND tỉnh buộc phải lên tiếng khẳng định rằng, chính quyền tỉnh không phát hành bất kỳ văn bản nào liên quan đến nội dung như văn bản giả mạo. Văn bản giả mạo mang số 2153 ký ngày 3.1.2018 có nội dung cho rằng, Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Văn Thu quyết định cấp phép đầu tư dự án chuỗi khách sạn, khu phức hợp giải trí ở phường Cẩm Nam. Đây là chiêu trò nhằm kích động thị trường BĐS ở TP.Đà Nẵng và TP.Hội An, tạo cơn sốt ảo về đất đai của địa phương. Chưa dừng lại ở đó, mới đây “cò đất” lại rao tin một số xã, phường thuộc thị xã Điện Bàn sẽ nhập vào TP.Đà Nẵng nhằm lừa đảo những người thiếu hiểu biết, thổi phồng giá BĐS lên cao.
“Không có chuyện sáp nhập một số xã của Điện Bàn về Đà Nẵng” Trao đổi với phóng viên qua điện thoại, ông Trần Úc - Chủ tịch UBND thị xã Điện Bàn khẳng định, những thông tin về việc sáp nhập một số xã của Điện Bàn vào TP.Đà Nẵng hay khởi công xây dựng làng đại học... là không chính xác. Trong đó, dự án làng đại học đến nay mới chỉ dừng lại ở mục tiêu nhiệm vụ, thậm chí phía Đại học Đà Nẵng cũng chưa có động thái xúc tiến gì cho dự án này. Chưa kể, nguồn vốn đầu tư, giải tỏa bồi thường tái định cư... vẫn là câu chuyện dài chưa biết khi nào hiện thực. “Không có chuyện sáp nhập một số xã của Điện Bàn về Đà Nẵng. Trong quy hoạch của TP.Đà Nẵng, tỉnh Quảng Nam và Điện Bàn làm gì có chuyện này nên tôi khẳng định thông tin đó là không đúng. Đây chỉ là chiêu trò của giới đầu cơ đất tung lên nhằm đẩy giá đất khu vực giáp ranh lên cao để lướt sóng. Đặc biệt, hiện nay UBND tỉnh cũng đã phê duyệt chương trình nhà ở thương mại diện tích khoảng 1.141ha, trong đó Điện Bàn có khoảng 300ha nằm phía đông quốc lộ 1A nên nguồn cung về nhà ở đô thị sắp đến rất lớn” - ông Úc thông tin. |
Vì sao các tin giả về BĐS lại lan truyền nhanh? Theo tìm hiểu của chúng tôi, thời điểm trước Tết Kỷ Hợi 2019 đến nay, giá đất ở khu vực Hòa Xuân và ven biển Đà Nẵng đã leo thang mỗi ngày. Trục ven biển Võ Nguyên Giáp cũng như khu vực Sơn Trà, Ngũ Hành Sơn (Đà Nẵng) nổi lên như “chợ” buôn bán BĐS nhộn nhịp. Tại đây, mức giá các lô mặt tiền đường Võ Nguyên Giáp đã tăng lên 200 - 300 triệu đồng/m2 (cao gấp 5 lần so với đầu năm 2015). Còn một lô đất nền dự án với diện tích 100m2 ở Hòa Xuân (Đà Nẵng) thời điểm này ít nhất cũng 2,5 tỷ đồng. Trong khi đó, đất nền dự án ở phường Điện Ngọc (thị xã Điện Bàn) có giá trị thấp hơn gần 10 lần so với Đà Nẵng trên cùng một trục đường giáp ranh. Nhiều nhà đầu tư BĐS ở Đô thị mới Điện Nam - Điện Ngọc cam kết sẽ bán ra thị trường từ 17 triệu đồng/m2. Dân mua đất dự án tại Điện Ngọc cho rằng, với số tiền dưới 2 tỷ đồng bây giờ khó mua nổi đất nền có vị trí đẹp ở Đà Nẵng nên chọn đất nền ở phường Điện Ngọc để đầu tư là phù hợp nhất. Hiện, các dự án đất đai ven biển, dọc sông Cổ Cò (Điện Bàn) giao dịch BĐS diễn ra rất sôi động, bởi hình thành nhiều khu phố, trung tâm môi giới đất và nhà đất. Tại vùng đông Điện Bàn, sau khi xuất hiện thông tin giả về sáp nhập địa giới hành chính một số xã phường về Đà Nẵng, thì giá đất “nhảy múa” chưa từng có; bắt đầu xuất hiện tình trạng mua bán chuyển nhượng trái phép đất nông nghiệp.
Có mặt tại các khu dân cư phường Điện Ngọc sáng 10.3, dù không khí mua bán đã không còn nhộn nhịp như vài ngày trước nhưng lượng người đến tìm hiểu đất đai cũng còn khá nhiều. Ngoài khoảng 40 kiốt đang hoạt động thì số lượng “cò đất” lượn lờ cũng không hề ít. Tất cả đều sốt sắng tư vấn khách vô điều kiện nếu có nhu cầu. Khách chỉ cần ngừng xe nhìn ngắm một lô đất tức khắc sẽ có người đến hỏi thăm tư vấn. Một chủ ki ốt ở đây cho biết bình quân 3 ngày bà giao dịch thành công một hợp đồng chuyển nhượng đất. Không chỉ vùng giáp ranh với TP.Đà Nẵng, hoạt động mua bán chuyển nhượng đất cũng khá sôi động tại các phường Điện Nam và Điện Dương, Vĩnh Điện. Kèm theo đó là hàng loạt thông tin thật giả được giới đầu cơ và “cò đất” tung ra càng khiến thị trường bất động sản thêm hỗn loạn.
Đối phó với thông tin thất thiệt
Thực tế, một trong các chiêu trò thông thường nhất để “cò” đẩy giá đất lên cao chính là tung tin về các dự án sẽ được triển khai trong khu vực. Ông Ngọc, một “cò” đất khu vực Điện Nam Trung thừa nhận, đất tăng giá chủ yếu xuất phát từ giới đầu cơ và các “cò” tiếp tay chứ nhu cầu mua ở thực tế rất ít.
Đất Điện Bàn tăng hỗn loạn do nhiều thông tin không chính xác từ giới đầu tư. Ảnh: V.LỘC |
Để lường trước hệ lụy trong quản lý hiện trạng đất đai vùng đông nam của tỉnh, giữa năm 2018, UBND tỉnh ra văn bản yêu cầu một số khu vực trên địa bàn như TP.Tam Kỳ, các huyện Duy Xuyên, Thăng Bình, Núi Thành tạm dừng việc phân lô, tách thửa và chuyển mục đích sử dụng đất trong thời gian điều chỉnh quy hoạch theo ranh giới địa lý mới. Ngày 8.3.2019, UBND thị xã Điện Bàn ban hành Công văn (số 368) về chấn chỉnh thông tin thất thiệt và tình trạng mua bán, chuyển nhượng đất trái phép trên địa bàn. Phó Chủ tịch UBND thị xã Điện Bàn - Nguyễn Đạt cho rằng, thời gian qua một số đối tượng “cò đất” lợi dụng sự sôi động của thị trường BĐS, tung tin trên các trang mạng xã hội như một số đơn vị cấp xã của thị xã sẽ sáp nhập vào TP.Đà Nẵng, địa phương sắp triển khai những dự án hàng trăm tỷ đồng, đi kèm với đó là những chiêu trò kinh doanh đồn thổi thông tin về giá đất tăng cao của các nhóm, hội kinh doanh BĐS nhằm thu hút sự chú ý của khách hàng. Chính những nhóm này cũng mua đi bán lại đất đai bằng hợp đồng đặt cọc ảo để đánh lừa nhà đầu tư, người dân có nhu cầu sử dụng đất. Từ đó gây “sốt ảo” giá đất để thu lợi nhuận, gây nhiễu loạn thị trường, ảnh hưởng đến tình hình an ninh trật tự trên địa bàn. UBND thị xã Điện Bàn khẳng định, đây là những tin đồn thất thiệt. Quy hoạch chung phát triển đô thị và phát triển kinh tế - xã hội của thị xã, chính quyền các cấp không có chủ trương lẫn định hướng thị xã Điện Bàn sáp nhập vào TP.Đà Nẵng.
Nhằm ngăn chặn thông tin ảo trên, UBND thị xã Điện Bàn đã yêu cầu chủ tịch UBND các xã phường chỉ đạo tăng cường quản lý đất đai trên địa bàn, xử lý tình trạng chuyển nhượng đất nông nghiệp trái phép. Theo đó, đẩy mạnh công tác tuyên truyền qua nhiều kênh thông tin để người dân được biết bản chất của các đợt “sốt ảo” về giá cả đất đai và đề nghị nhân dân thận trọng trong việc mua bán quyền sử dụng đất, không vì lợi nhuận trước mắt mà bán hết đất ở, đất nông nghiệp ảnh hưởng đến đời sống lâu dài sau này của gia đình. Rõ ràng, việc phát tán những thông tin giả nhằm phục vụ lợi ích cho giới buôn đất, làm cho thị trường BĐS cạnh tranh không lành mạnh, ảnh hưởng xấu đến môi trường đầu tư của tỉnh. Do vậy, các ngành chức năng của tỉnh cần sớm điều tra, xác minh làm rõ và xử lý nghiêm các đối tượng phao tin giả liên quan đến lĩnh vực đất đai.
TRẦN HỮU - GIA KHANG