Bên cạnh cơn sốt đất hầm hập ở khắp các vùng xứ Quảng, một cơn dịch chuyển mạnh mẽ cũng không kém phần “hot” đã hình thành - đó là sự sôi động của những công trường xây dựng. Những dòng người đổ về vùng đông huyện Thăng Bình từ trước, bây giờ “rục rịch” chuẩn bị đến những điểm dừng khác, sau Bình Dương, Bình Minh, Duy Hải, Duy Nghĩa…
Những hàng quán tạm bợ mọc lên bên công trình.Ảnh: LÊ QUÂN |
Đâu có việc làm thì tới
Dũng, một thợ xây dựng từ Nam Định vào vùng cát huyện Thăng Bình từ ngày đầu tiên khi công trình Vinpeal (Khu nghỉ dưỡng Vinpearl Nam Hội An - PV) khởi công, buông ngang đũa nói: “Thóc ở đâu thì bồ câu ở đó. Đâu có việc làm thì tới”. Hơn một năm trời, Dũng đưa vợ vào thuê trọ ở thôn 6 xã Bình Dương để làm công. Như Dũng, hàng ngàn lao động phổ thông từ những vùng quê ở các tỉnh, đang bám trụ Quảng Nam để “bán sức”. Và hàng loạt “dịch vụ phụ trợ” theo chân công nhân lao động, nảy nở trên vùng cát Thăng Bình. Mọi thứ cứ vậy phát triển theo, từ nhà trọ, quán cơm, quán café, quán nhậu… Dũng nói một ngày công mình được trả 400 ngàn đồng, còn vợ gần 300 ngàn đồng. Mỗi tháng trả tiền thuê nhà hết 800 ngàn đồng, ăn uống chi tiêu hàng ngày, cuối tháng vẫn còn dư khá. Người ở làng của Dũng vào đây khá đông, tụ họp lại để cùng thuê chung một dãy trọ. Vốn dĩ đã quen với chuyện rày đây mai đó, tốp thợ của Dũng “chuyên nghiệp” từ cả tay nghề lẫn trong việc sắp xếp cuộc sống ở cạnh công trường. Buổi trưa, sau dĩa cơm bụi, họ nằm ngồi ngổn ngang dọc theo đường dẫn vào công trình. “Dân nhảy dù bọn mình đâu có chỗ nào chưa tới. Cứ đừng có “phốt” thì hết công trình này chủ lại kêu đi công trình khác, quanh năm” - Dũng nói thêm. Trong giới phu hồ, không có kẻ mạnh, người yếu, không có kẻ trên “bảo kê”, cũng không hề tồn tại các “anh chị” như những nơi đào vàng ở chốn rừng hoang.
“Thợ ở miền Bắc, vốn được chủ thầu “ưng” hơn dân miền Trung mình” - ông Tum, người ở xã Bình Trung (Thăng Bình) nói. Nhưng vì công việc ngồn ngộn, cứ có người xin vào làm là chủ thầu nhận nên dân Quảng mình, dù không giỏi việc như thợ miền Bắc, vẫn có việc làm. Còn nhớ một đợt “sốt” thợ xây dựng ở Tam Kỳ vào thời điểm này năm ngoái, bởi cánh thợ xây dựng ở các xã Tam Thăng, Tam Phú (Tam Kỳ) lẫn Thăng Bình ùn ùn kéo về Vinpearl xin làm công nhân. Ruộng đồng một phần thất bát, một phần vào diện dự án, cũng chẳng ai tiếc nuối. Nếu có, người ta chạnh lòng nghĩ ngày công trình hoàn thiện, hết việc làm. Bắt chuyện với ông Hải (xã Bình Trung) cùng đi với nhóm của ông Tum, Thái, ông nói, từ Bình Trung qua đến chỗ này là 19 cây số, sáng ăn qua loa rồi chạy tới công trình. “Nửa buổi và cơm trưa được trả 3 chục ngàn đồng. Mà tốp thợ tôi, phần lớn không ăn nửa buổi, để dành được thêm 10 ngàn đồng, cộng với tiền công cũng được gần 300 ngàn đồng, tính ra nhiều hơn làm nông” - ông Hải nói. Nhóm ông Hải phụ trách phần tường rào của dự án Vinpearl, hết việc làm, chủ thầu là người địa phương sẽ dẫn đi làm ở công trình mới.
“Lộc” từ các công trình...
Chúng tôi tìm đến hàng quán dựng tạm bợ phía sau công trường của Vinpearl, thời điểm này, thợ đã rã đi những nơi khác kiếm việc, những người còn lại chủ yếu là dân địa phương hoặc vùng lân cận... Họ phụ trách những phần việc bên rìa khu vực chính, như xây dựng tường rào, dọn dẹp vệ sinh, bảo trì… Buổi trưa của họ, như bất kỳ những công trường khác, đĩa cơm bụi - theo đúng nghĩa đen, giữa khu vực bụi bặm ngổn ngang. Gần như chủ quán hiểu ý, treo thêm những chiếc võng, cũng vừa để kiếm thêm được ít đồng từ việc bán thức uống giải khát. Hình như với những người dân xã Bình Dương, Bình Minh hiện thời, đây là “lộc” sau mấy đời họ trần mình trên cánh đồng bao la cát trắng. Không nói chuyện giá đất nền nhảy múa, chỉ cần bám vào những dự án đang xây dựng, làm công nhân, chạy chợ, hoặc loanh quanh công trường thu mua lượm lặt phế liệu... cũng kiếm được tiền rủng rỉnh trong túi. Người dân Bình Dương từ trước đến nay thuần về nghề biển, với những chuyến tàu vươn khơi dài ngày hoặc đi bạn cho các chủ tàu ở Bình Minh, Duy Hải. Còn nhớ, cả thôn 6 khi ấy là một làng nghề làm nước mắm có tiếng miền Trung.
Hai năm trở lại đây, ông Nguyễn Thanh Hải - Trưởng ban Quản lý làng nghề nước mắm Cửa Khe (Bình Dương) cho biết, số lượng tàu cá ở Bình Dương từ 25 tàu thuyền giờ chỉ còn chưa tới 10 chiếc. Lượng người cò đất, buôn bán nhỏ và làm công trình giờ chiếm áp đảo. Hàng quán dọc theo công trường đã dỡ bỏ hơn một nửa. Cô Hoa, chủ quán cơm mọc lên sau tết ở đây, cho biết, thấy người ta bán buôn được quá, mình cũng “bắt chước” học theo. “Bán cũng được. Ngày mấy chục ký gạo, cũng kiếm thêm được ít” - bà Hoa nói. Không rõ có luật ngầm giữa những quán xá được chèn bằng tôn tứ phía hay không, nhưng giá một đĩa cơm từ đầu đường tắt đến ngay cổng công trình là 20 ngàn. Một chai nước giải khát bất kể loại nào được tính 10 ngàn. Nhẩm sơ, mỗi ngày với lượng công nhân ra vào hàng trăm người như vậy, ít ra mỗi chủ quán cũng bỏ túi gần 1 triệu đồng. Ngay đợt cao điểm khi xây dựng hạ tầng công trình, với số lượng nhân công lên đến hàng ngàn, có chủ quán còn kiếm được gần 6 triệu tiền lời mỗi ngày. Chưa kể, hàng loạt khu nhà trọ ra đời, xây dựng cấp tốc trong khoảng 1 tuần và đều được thuê kín từ tháng 3 năm ngoái. Dự án Vinpearl sắp đi vào giai đoạn hoàn thiện, cũng có nghĩa hàng trăm người lao động phải bắt đầu một cuộc dịch chuyển mới. Nhưng người dân Bình Dương kháo với nhau, rồi Đạt Phương, rồi Khu nghỉ dưỡng Bình Dương chưa khởi động…, công việc hẳn còn dài tới vài năm nữa. Trong cái nắng oi của vùng cát, giọng Bắc giọng Trung pha trộn với nhau…
LÊ QUÂN