Khách tiếp tục gia tăng, doanh thu vượt chỉ tiêu đề ra, nhưng du lịch Hội An cũng đối diện với những tồn tại, thách thức dai dẳng trong quá trình phát triển khó thể giải quyết dứt điểm.
Tăng trưởng mạnh
Báo cáo của UBND TP. Hội An cho biết, 6 tháng đầu năm 2019, khoảng 3 triệu lượt khách đã đến tham quan, lưu trú trên địa bàn thành phố, tăng 15,62% so với cùng kỳ năm ngoái. Cụ thể, khách mua vé tham quan phố cổ đạt khoảng 1,274 triệu lượt (tăng 11,19%); tham quan làng gốm Thanh Hà hơn 383 nghìn lượt (tăng 21,61%); rừng dừa nước Cẩm Thanh hơn 447 nghìn lượt (tăng 46,03%); Cù Lao Chàm 213 nghìn lượt (tăng 13,27%). Doanh thu du lịch ước đạt 2.200 tỷ đồng, tăng 15,27% so với cùng kỳ. Một số sản phẩm du lịch truyền thống của Hội An như phố đi bộ, phố đêm, không gian văn hóa Việt Nam – Nhật Bản… tiếp tục tạo sức hút và ấn tượng tốt với du khách. Đây được xem là những kết quả ấn tượng của du lịch Hội An, nhất là trong tình hình hiện nay khi một số thị trường khách Âu, Mỹ, kể cả Hàn Quốc đang có dấu hiệu chững lại hoặc sụt giảm. Thậm chí, tại rừng dừa nước Cẩm Thanh, khách gia tăng đột biến ngoài dự lường của thành phố.
Ông Nguyễn Hùng Linh – Phó Chủ tịch UBND xã, Trưởng ban Quản lý du lịch Cẩm Thanh thông tin, chưa năm nào lượng khách tham quan rừng dừa gia tăng chóng mặt như hiện nay. “Năm 2019 thành phố giao chỉ tiêu khu rừng dừa đón 500 nghìn lượt khách, tuy nhiên mới qua 6 tháng tổng số khách đã hơn 447 nghìn lượt, đạt gần 90% kế hoạch đề ra” - ông Linh chia sẻ. Theo ông Linh, nguyên nhân do một số thị trường khách mới như Thái Lan, Malaysia, kể cả khách châu Âu mua tour tham quan rừng dừa ngày càng nhiều. Riêng khách Âu, Mỹ, hiện mỗi ngày nơi đây đón từ 200 – 300 khách.
Theo ông Nguyễn Văn Sơn – Phó Chủ tịch UBND TP.Hội An, đạt được kết quả trên ngoài những giá trị độc đáo của điểm đến di sản, còn là sự nỗ lực, vào cuộc quyết liệt, đồng bộ nhiều giải pháp của các ngành, địa phương liên quan, thể hiện trong việc chủ động nghiên cứu, phát triển các sản phẩm, mô hình và không gian du lịch. “Thành phố đã chỉ đạo triển khai đồng bộ các giải pháp như kết nối du lịch cộng đồng tại các vùng quê, làng nghề truyền thống với các điểm du lịch khu phố cổ; nâng chất lượng dịch vụ vận chuyển khách tuyến Hội An – Cù Lao Chàm; đầu tư hạ tầng cơ sở, xây dựng trung tâm đón tiếp khách, bãi đỗ xe; điều chỉnh bổ sung quy trình cấp phép và quản lý hoạt động kinh doanh lưu trú du lịch… nhằm tạo điều kiện thuận lợi để thúc đẩy du lịch Hội An phát triển” - ông Sơn nói.
Dai dẳng thách thức
Tại kỳ họp thứ 8 HĐND TP.Hội An khóa XI khai mạc sáng qua 26.6, nhiều đại biểu cho rằng, du lịch Hội An dù tăng trưởng mạnh nhưng chưa thật sự bền vững, còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ, hạn chế. Nổi cộm là các vấn đề về ùn tắc giao thông, vệ sinh môi trường, an ninh, an toàn cho du khách. Các kế hoạch, đề án phát triển du lịch cộng đồng tại địa phương thực hiện còn chậm; du lịch tâm linh, tín ngưỡng và văn hóa ẩm thực chưa được khai thác tốt; một số dịch vụ chất lượng chưa cao, chưa khai thác hết nhu cầu tham quan, nghỉ dưỡng của khách; tình trạng lấn chiếm vỉa hè, bán hàng rong, chèo kéo khách, bán hàng không niêm yết giá... chưa giảm, khiến môi trường du lịch và hình ảnh điểm tham quan xấu trong mắt khách.
Ông Phan Xuân Thanh – Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Quảng Nam nhìn nhận, lượng khách tuy gia tăng nhưng không ổn định vì đa số khách đại trà, khách cao cấp, khách đoàn lớn theo tour đang dần chuyển đi nơi khác. Điều này tạo sức ép lên phố cổ, tác động xấu đến giao thông, an ninh trật tự... “Nghịch lý hiện nay là khách du lịch đại trà thường thích phố cổ, trong khi khách cao cấp thì thích vùng ven, đồng quê, nhưng sản phẩm du lịch nơi đây lại chưa đạt yêu cầu, do đó khách đến Hội An tăng nhưng chất lượng thấp, nên phải nâng cao giá trị vùng ven lên, phát triển những sản phẩm có chiều sâu văn hóa và hướng đến du lịch bền vững” - ông Thanh phân tích.
Đồng tình quan điểm trên, theo bà Huỳnh Thị Kim Dung – Trưởng ban Kinh tế - xã hội HĐND TP.Hội An, phát triển du lịch Hội An 6 tháng qua dù đạt nhiều kết quả tích cực nhưng những tồn tại, hạn chế thì chưa khắc phục. Đơn cử, tại khu rừng dừa Cẩm Thanh, phát triển du lịch đang bộc lộ các yếu kém về hạ tầng, bảo vệ môi trường, mỹ quan du lịch. Đòi hỏi thành phố có những giải pháp cụ thể và căn cơ từ hoàn thiện hạ tầng, giao thông đến bảo tồn đa dạng sinh học, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nâng cao chất lượng dịch vụ, hoàn thiện sản phẩm du lịch đặc trưng... Đây cũng chính là những vấn đề, yêu cầu chung mà du lịch Hội An cần khắc phục để hướng đến sự phát triển bền vững thời gian tới.