Loay hoay kè biển

VINH ANH 22/09/2014 08:23

Để đối phó với tình trạng biển xâm thực, nhiều khu du lịch, khách sạn nằm dọc ven biển Hội An phải tự cứu mình bằng cách đầu tư hàng tỷ đồng mỗi năm để xây dựng kè biển.

Khách sạn Sunrise là một trong những đơn vị đi tiên phong trong việc xây dựng kè để đối phó với sự xâm thực tại bờ biển Cửa Đại. Theo chủ khách sạn này, đơn vị đã triển khai nhiều công nghệ kè khác nhau, từ xây dựng kè cứng (dùng đá hộc, cọc, bi bê tông…) đến kè mềm (bao cát) nhưng việc chống sạt lở vẫn chưa thực sự hiệu quả. Sau nhiều lần dùng kè cứng để chống sạt lở không hiệu quả, khách sạn này đã chi hàng chục tỷ đồng để xây dựng kè mềm bằng công nghệ của Úc (sử dụng bao tải đựng cát có trọng lượng khoảng 4 - 5 tấn/bao để chắn sóng). Tuy nhiên, qua mùa mưa bão năm 2013, đoạn kè biển này vẫn bị ảnh hưởng, hư hỏng nặng. Ông Ngô Văn Hoàng – Giám đốc khách sạn Sunrise nói: “Bao tải nặng 4 – 5 tấn nhưng khi sóng lớn đánh vào cũng bị xê dịch, hư hỏng. Chúng tôi đang tìm hiểu về một công nghệ kè biển hiện đại hơn để thay thế công nghệ này. Tuy nhiên, việc sử dụng công nghệ mới rất tốn kém nên cần cân nhắc kỹ rồi mới quyết định”.

Theo quan sát, hiện nay ngoài khách sạn Sunrise đã sử dụng công nghệ kè mềm chống sạt lở thì phần lớn các khách sạn ven biển Cửa Đại như Victoria, Golden Sand… đều đã xây dựng kè cứng bảo vệ. Tại khách sạn Victoria, ngoài việc xây dựng tường bao bằng đá, bê tông…, từ tháng 9.2013 đến nay, khách sạn đã tiếp tục dùng đá hộc và cọc tre, gỗ để đóng xuống biển nhằm giữ chân bờ kè. Tuy nhiên, với tình trạng xâm thực biển như những năm qua thì phương pháp mà khách sạn Victoria sử dụng chỉ mang tính đối phó tạm thời. Theo ông Ngô Văn Hoàng việc mỗi đơn vị xây dựng theo một kiểu đã không tạo ra được dãy kè biển vững chắc, lâu dài. Điều này đặt ra vấn đề mang tính chiến lược, và đặc biệt cần sự phối hợp giữa chính quyền và các đơn vị kinh doanh du lịch.  Ông Hoàng cho biết: “Về xây dựng kè biển, lâu nay khách sạn chúng tôi chỉ làm cục bộ chứ chưa có giải pháp nào hữu hiệu. Chúng tôi đã mời chuyên gia tư vấn của Hà Lan thì họ đề nghị cần phải đầu tư một dãy kè dài khoảng 1,5 – 2km, cách Cửa Đại ra hướng bắc thì mới hiệu quả, nhưng việc này chỉ có Chính phủ hoặc UBND tỉnh mới có kinh phí để làm được thôi”.

Hiện nay, để bảo vệ bờ biển tại Hội An, UBND tỉnh đã phê duyệt dự án kè chống xâm thực với tổng mức đầu tư trên 298,6 tỷ đồng, trong đó mức đầu tư dự án giai đoạn 1 sau khi điều chỉnh phê duyệt là trên 80,1 tỷ đồng. Dự án gồm 4 đoạn kè với tổng chiều dài gần 1,4km. Đến nay, mới chỉ xây dựng hoàn thành đoạn 2 với chiều dài 714m. Theo ông Thái Hoàng Vũ – Phó Giám đốc Sở Xây dựng, đơn vị và các sở ngành cùng thống nhất kiến nghị UBND tỉnh giải pháp lâu dài, đó là thành lập tổ giúp việc để tham mưu UBND tỉnh giải quyết vấn đề xâm thực vùng ven biển Hội An. “Tổ giúp việc có trách nhiệm tổ chức các hội thảo, mời các chuyên gia, phối hợp với các cơ quan chức năng trong ngành môi trường để đưa ra các giải pháp có tính chiến lược tổng thể về vấn đề xâm thực, biến động đường bờ biển Hội An và phụ cận. Các giải pháp phải vừa bền vững vừa đảm bảo yếu tố cảnh quan, du lịch, ổn định vùng cửa sông, vùng ven biển, phục vụ phòng chống thiên tai. Đồng thời đề xuất các giải pháp kỹ thuật khả thi chống biển xâm thực, ổn định các khu dân cư dọc theo vùng ven biển, cửa sông phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương” – ông Hoàng cho biết.

VINH ANH

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Loay hoay kè biển
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO