(QNO) - Xu hướng mua sắm qua các kênh bán hàng trực tuyến ngày càng phổ biến. Người tiêu dùng có thể mua được mọi thứ, kể cả các đặc sản vùng miền chỉ được làm vào dịp tết...
Từ sự phát triển của việc mua hàng trực tuyến, các dịch vụ giao hàng cũng đang nở rộ. Trong ảnh: Dịch vụ giao hàng của Bưu điện Việt Nam. Ảnh: VNP |
Chỉ cần khoảng 30 phút lướt điện thoại, chị Nguyễn Lê Hiền V. đã đặt đủ các loại hạt khô nhập khẩu như hạnh nhân, hạt dẻ, macca từ một trang kinh doanh trực tuyến có uy tín mà chị mua hàng lâu nay. Trước đó, chị V. cũng đã kịp săn lùng những bộ trang phục hàng hiệu phù hợp từ đợt giảm giá sâu của các hãng thời trang nổi tiếng thế giới nhân ngày hội mua sắm Black Friday (tháng 12.2018).
"Công việc những ngày cuối năm quá bận rộn, không đủ thời gian để đi mua sắm trực tiếp nên mình chọn lựa đặt hàng qua các trang mạng uy tín. Giá cả nhiều mặt hàng có thể đắt hơn tại các cửa hàng nhưng mình lại tiết kiệm được thời gian" - chị V. nói.
Nắm bắt được xu thế thích ngồi nhà mua sắm của nhiều người, các trang kinh doanh trực tuyến như Tiki, Lazada, Sendo, Adayroi... ngày càng phong phú các chủng loại kinh doanh. Không chỉ như vậy, từ một website bán hàng, các trang mạng này đã nâng cấp thành các "app" - ứng dụng chuyên biệt. Không cần phải dài dòng gõ tên miền, chỉ cần tải ứng dụng về smartphone, cả một không gian mua sắm với đủ các mặt hàng, chủng loại và thương hiệu đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng.
Tại ứng dụng mua sắm trực tuyến Shopee, thậm chí người mua còn có thể tương tác trực tiếp với chủ gian hàng trực tuyến. Các loại mặt hàng được chia thành nhiều mục khác nhau, cùng dòng, cùng chất liệu hoặc giá cả, và người tiêu dùng chỉ cần vài thao tác đơn giản sẽ sở hữu được món hàng mình cần.
Các mặt hàng đặc sản Quảng Nam hiện nay đã được giới thiệu tại các trang kinh doanh trực tuyến. Ảnh: X.H |
Ở thời điểm này, lội chợ online ngoài các mặt hàng truyền thống, người tiêu dùng còn tìm thấy rất nhiều đặc sản tết, từ bánh mứt, rượu ngâm hay thậm chí cả những món mặn ngày tết như thịt muối hay bò khô. Đây chính là điều đặc biệt của mùa tiêu dùng cuối năm, khi gần như muốn mua gì chỉ cần một cú click.
Năm bắt xu thế trên, rất nhiều hộ sản xuất đã bắt đầu tạo kênh bán hàng của mình trên các trang thương mại điện tử hay những trang mạng cá nhân. Chị Văn Thị Hoàng - một chủ hộ sản xuất các loại mặt hàng cá, mực rim cho biết, sức tiêu thụ của mùa tết năm nay khá cao, đặc biệt việc bán lẻ của các đại lý thông qua mạng xã hội "chạy" hơn rất nhiều so với mùa tết năm ngoái.
Từ sự phát triển mạnh của "chợ online", dịch vụ giao hàng nhanh (shipper) cũng bắt đầu nở rộ. Chị Trần Thị Thúy (phường Tân Thạnh, Tam Kỳ) chuyên kinh doanh các loại thực phẩm chăm sóc sức khỏe và làm đẹp cho biết, đơn hàng của chị chủ yếu thu được từ trang mạng xã hội nên buộc phải sử dụng dịch vụ giao hàng nếu đơn hàng ở ngoài địa bàn Tam Kỳ. Với những đơn hàng này, chị lại dùng đến dịch vụ chuyển phát nhanh, phí vận chuyển sẽ do người mua trả.
Theo chị Thúy, hiện nay có rất nhiều đơn vị vận chuyển, phải cạnh tranh nhau nên làm việc rất uy tín, hiếm khi có tình trạng mất, hư hỏng hàng hóa. Hàng chị gửi đi không mất phí, mà phí vận chuyển sẽ được thu từ người mua khi giao hàng, cao hay thấp tùy vào quãng đường, trọng lượng hàng... Với những đơn vị vận chuyển chị thường dùng là Viettel Post, dịch vụ chuyển phát của nhà xe Phương Trang, Công ty CP Chuyển phát nhanh Vietstar...
Ngồi nhà cũng có thể mua sắm tết đủ đầy, đang trở nên thịnh hành ở mọi nơi. Tuy nhiên, cảm giác lội chợ, đưa lên đặt xuống, kỳ kèo vài đồng, hay chỉ đi chợ để nghe mùi của những ngày giáp tết... vẫn không thể mất đi, với người Việt...
TRÍ QUÂN