Ông là “báo đen” từng tung hoành đánh địch giữa lòng phố Hội. Rồi trải qua gần 6 năm ở địa ngục trần gian Côn Đảo. Rồi trở về hòa bình với những cơn đau hành hạ, phải mướt mồ hôi để làm lụng nuôi con và làm giàu. Cuộc đời ông Đinh Văn Lời không thể tả hết bằng lời về những bi hùng, bao nỗi thăng trầm đi cùng năm tháng…
Cầm tinh con mèo (Tân Mão-1951), vóc dáng lanh lợi, Đinh Văn Lời. sớm bước vào con đường hoạt động cách mạng, trở thành một chiến sĩ biệt động gan góc, 17 tuổi đã được đứng vào hàng ngũ của đảng. Đội biệt động của Đinh Văn Lời trong lòng nội đô Hội An tạo ra nhiều nỗi kinh hoàng cho bọn giặc, kẻ thù của nhân dân và cách mạng.
Đáp lời sông núi
* “Báo đen” sinh ra và trưởng thành từ chiếc nôi nào?
Ông Đinh Văn Lời: Ba thế hệ trong gia đình tôi ở Nam Ngạn, Cẩm Nam, Hội An đều gắn bó với cách mạng. Ông nội tôi - Đinh Cầm (SN 1904,) là người đã dẫn dắt cả nhà tham gia cách mạng, bà nội tôi là Bà mẹ Việt Nam anh hùng. Ông, cha và con, có lúc cùng bị địch cầm tù. Tết Mậu Thân - 1968, quân ta tấn công đồng loạt vào các cơ quan đầu não của Mỹ ngụy tại Hội An, ông nội và cha tôi được tổ chức phân công dùng thuyền đưa đón cán bộ, bộ đội từ hậu cứ Nam Ngạn vượt sông Thu Bồn về đánh địch. Khi trận chiến kết thúc, 2 ông chèo thuyền đưa bộ đội trở lại Nam Ngạn, trên đường về nhà thì bị gián điệp chỉ điểm và bị bắt. Bọn địch đánh đập 2 ông hết sức dã man; cha tôi bị đánh gãy 2 xương sườn và vỡ hai hàm răng.
Vào đêm ngày 4 rạng sáng 5.5.1968, đặc công Thị đội tiềm nhập cùng biệt động thành chuẩn bị mở đợt tấn công quy mô lớn vào các cơ quan của địch ở Hội An. Một nhóm chiến sĩ ta cải trang thành lính Trung đoàn 51 quân đội Sài Gòn vào ém ở chùa Lễ Nghĩa bị lộ nên phát động tấn công địch. Tôi đưa lực lượng biệt động thành từ các cơ sở chung quanh đến chi viện. Tuy nhiên, địch điều động hơn 2 ngàn quân lính đến vây ráp nên sau 9 giờ chiến đấu không cân sức, để bảo toàn lực lượng, tôi quyết định cho anh em “mở đường máu” trở về cơ sở, nhưng không thoát khỏi qua nhiều lớp lính địch, các chiến sỹ Biệt động thành trong đó có tôi rơi vào tay giặc. Sau khi bắt được tôi, địch lại bắt tiếp ông nội và cha tôi để thẩm vấn, giam ở lao Hội An.
Chính từ truyền thống của quê hương và gia đình khiến tôi kiên trì đi theo tiếng gọi non sông, trở thành con “báo đen” ám ảnh giặc thù.
* Sự kiện 5.5.1968 nhắc nhớ bản tin đặc biệt trên báo chí của địch lúc đó là “quân lực Việt Nam cộng hòa cùng lực lượng cảnh sát quốc gia, khám phá được cơ sở đặc công Việt cộng (VC.), do tên Đinh Lời cầm đầu, bắn chết nhiều tên VC. còn phơi xác trên đường phố Hội An, và bắt sống gần 100 tên VC. khác”. Thực tế lịch sử thế nào?
Ông Đinh Văn Lời: Bản tin đó dẫn theo lời của Tỉnh trưởng Lê Trí Tín, sau này tôi sao lục được hồ sơ trong tàng thư của địch để lại liệt kê những người bị bắt cùng vũ khí, đạn dược, tiền bạc, lương thực. Thực tế lực lượng biệt động lúc đó tính cả cơ sở có 69 người, chỉ 36 người tham gia trận đánh, hai người hy sinh còn bị bắt 34 người. Đặc biệt xót thương là những đồng chí hy sinh bị địch đem phơi nắng 3 ngày trên đường, không một manh chiếu đắp, còn bị chúng bắn bồi, nhằm̉ uy hiếp tinh thần nhân dân. Trên đường phố, địch đặt loa phóng thanh ra rả phát thông cáo của Tỉnh trưởng Lê Trí Tín: “Sau Tết Mậu Thân đánh vào Hội An bị thất bại, bọn VC. tiếp tục tổ chức cơ sở nằm vùng, chờ thời cơ tái tục một cuộc tổng công kích lần thứ hai, nhất là những toán “đặc công ám sát”. Tiên liệu được âm mưu đó của VC., tỉnh tôi đã chỉ thị cho các cơ quan an ninh chìm nổi, hoạt động ráo riết cả ngày lẫn đêm, kết hợp với chiến dịch “tìm súng giặc”, kết quả đã khám phá toàn bộ một tổ chức đặc công VC. quan trọng ngay tại thành phố Hội An, bắt sống tất cả cán bộ, cốt cán và đồng bọn, đồng thời tịch thu nhiều vũ khí, chất nổ, dụng cụ và thực phẩm đáng kể”.
* Và từ đó, ông bước vào địa ngục lao tù, từ Hội An đến Côn Đảo?
Ông Đinh Văn Lời: Tôi đã bị địch cho nếm đủ thứ đòn tra. Hết phơi nắng lại bỏ vào thùng phuy nước đậy nắp, bên ngoài dùng gậy đánh vào thành cho long óc; lúc thì bịt mũi đổ nước xà phòng trộn ớt vào miệng cho ngạt thở; kinh nhất là chúng dùng 2 múi dây điện dí vào đầu dương vật và lỗ tai cho điện giật; rồi đóng đinh 10 đầu ngón tay, treo ngược hai chân lên xà nhà; hoặc bắt chống tay vào bàn, dùng đế giày đá thốc vào giữa rốn làm đứt từng đoạn ruột. Chúng bảo đánh cho nội tạng tôi không còn cộng sản, óc não nhão ra. Nhưng tôi cắn răng chịu đựng, cho đến ngày chúng đem xử kín tại Tòa Tỉnh trưởng Quảng Nam (nay là Khách sạn Hội An) kết án 15 năm tù khổ sai và đày ra Côn Đảo. Từ tháng 10.1968 tôi bị đưa ra “địa ngục trần gian”. Sau những cuộc đấu tranh chống địch hành hạ, tôi được tổ chức đảng trong nhà tù Côn Đảo chỉ định làm bí thư một chi bộ, tổ chức cho anh em học chữ, học tập chính trị, làm lễ truy điệu Bác Hồ, đấu tranh chống chào cờ, chống đi làm khổ sai, đòi dân sinh dân chủ, đòi thả tự do... Vì thế mãi đến ngày 22.2.1974 đợt cuối cùng theo Hiệp định Paris tôi mới được trao trả.
Trong kháng chiến, ông Lời đã lập nhiều chiến công xuất sắc. Đặc biệt, dưới màu áo “báo đen” biệt động thành, ông đã có nhiều trận đánh xuất quỷ nhập thần trong lòng địch mà hẳn phải cần cả cuốn hồi ký mới có thể kể hết. Điều buồn là hồ sơ đề nghị phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân cho ông chưa được toại nguyện. Nhưng theo ông, cái LỜI lớn nhất của cuộc đời là được sống, được nhìn thấy quê hương ngày càng thay da đổi thịt. Và ông cũng góp phần vào đó bằng sức lao động của chính mình, một thương binh 2/4.
Lời của nghề và nghiệp
* Nghe kể trong những năm đất nước bắt đầu đổi mới, ông là người tiên phong khôi phục nghề mộc và đã có thành công lớn?
Ông Đinh Văn Lời: Tôi đã từng học nghề mộc ở cơ sở cách mạng là xưởng mộc ông Nguyễn Một. Sau hòa bình về lại Hội An, tôi nghĩ phải khôi phục nghề ấy, vừa để có tiền trang trải cuộc sống gia đình. Trước những năm 2000, hàng mộc của tôi đã xuất đi 14 nước trên thế giới. Có lúc nhận được mối lớn, tôi bạo gan gom hàng của mình và nhiều nơi hơn 40 tấn đem qua Paris vừa triển lãm vừa bán, mấy ngày thu được cả tiền tỷ.
* Rồi cơ duyên nào khiến ông chuyển qua làm du lịch?
Ông Đinh Văn Lời: Làm nghề mộc có tiền tôi dành dụm mua đất, rồi khi Hội An phát triển du lịch thì làm khách sạn. Khu Vạn Lợi khá lớn ở gần cầu Cẩm Nam ban đầu là của tôi đấy. Sau đó, tôi bán Vạn Lợi chia ra mua 4 miếng đất khác, bây giờ cho các con làm khách sạn Geme, rồi các biệt thự homestay...
* Nhưng du lịch cũng bấp bênh, ví như dịch Sars trước đây, rồi nay là Covid-19, làm thế nào để kiếm được lợi nhuận bền vững?
Ông Đinh Văn Lời: Làm chi cũng phải có gan, có bản lĩnh cộng với sự hiểu biết, phải chấp nhận sóng gió mới có ngày thành công. Các con tôi bây giờ nhạy nắm bắt tình hình và giỏi quản lý, tôi hy vọng đại dịch rồi cũng đi qua, biết cơ cấu lại phân khúc thị trường và đa dạng sản phẩm thì sẽ hồi phục.
Buổi sáng ở Geme Riverside Hotel, thoáng thấy ông trầm tư xa xăm mà cảm nhận sự trì chí của con người này. Đúng rồi, làm cách mạng hay làm giàu đều phải có cái gan, có nghị lực của “LỜI LỬA” mới vượt qua thử thách cam go. Cái LỜI của cuộc đời ông Lời, là giờ đây ông được sống trong sự quý trọng của nhiều người, và 4 con trưởng thành sinh ra đàn cháu nội ngoại. Và ông lãi rãi dành thời gian đi thăm đồng chí đồng đội xưa, tri ân cơ sở một thời giúp đỡ cho kháng chiến. Lại nhìn bức ảnh ông từng chụp với Đại tướng Võ Nguyên Giáp thấy ánh mắt lấp lánh niềm tự hào...