Lối mở cho lao động địa phương

Trung Lộ 29/05/2013 08:22

Là địa phương có nhiều diện tích đất sản xuất nông nghiệp phải thu hồi để phục vụ đô thị hóa và phát triển công nghiệp, huyện Thăng Bình đang nỗ lực đào tạo nghề may công nghiệp và phát triển nghề đan mây tre để giải quyết việc làm cho lao động nông thôn.

Dệt may đang phát triển mạnh ở huyện Thăng Bình.
Dệt may đang phát triển mạnh ở huyện Thăng Bình.

Làm công nhân ở quê

Sau 3 tháng theo học lớp đào tạo nghề may công nghiệp tại Xí nghiệp May Mỹ Hưng (Cụm công nghiệp Kế Xuyên) do Trung tâm Khuyến công & tư vấn phát triển công nghiệp Quảng Nam phối hợp với Phòng Kinh tế - hạ tầng huyện Thăng Bình tổ chức, chị Trần Thị Hồng (xã Bình An, Thăng Bình) được nhận vào làm việc tại xí nghiệp. Chi Hồng tâm sự: “Học xong lớp 9, do kinh tế gia đình khó khăn nên tôi nghỉ học ở nhà làm nông phụ giúp ba mẹ. Đến khi về nhà chồng, cũng chẳng có nghề gì lận lưng. Sinh con xong, chưa biết tính kế gì để học nghề thì nghe tin UBND xã thông báo mở lớp đào tạo nghề may gia công cho phụ nữ nên đăng ký tham gia. Sau 3 tháng học nghề ngay tại Xí nghiệp May Mỹ Hưng, tôi được nhận vào làm tại xí nghiệp”. Chị Hồng cho biết thêm, lương tháng đầu tiên chị nhận được 2 triệu đồng, dù không cao so với nghề khác nhưng cũng tạm ổn.

Không chỉ riêng chị Hồng mà gần 50 lao động theo học lớp đào tạo nghề may công nghiệp ở xã Bình An đều an tâm với nghề khi có công việc ổn định ngay tại địa phương. Ông Đỗ Võ Bán, Trưởng phòng Kinh tế - hạ tầng huyện Thăng Bình cho biết, những năm gần đây địa phương đã linh hoạt, ban hành nhiều cơ chế để thu hút doanh nghiệp may và mây tre đan đầu tư về nông thôn nhằm chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Nhờ đó, đã có nhiều doanh nghiệp may ra đời như Công ty May Ánh Sáng, Nguyên Bình, Mỹ Hưng, Bình Phương, May Sài Gòn Xanh... đang có nhu cầu cần nguồn công nhân may lành nghề khá lớn. Để giải quết việc làm cho phụ nữ ở nông thôn, những năm qua huyện Thăng Bình đã tranh thủ nhiều nguồn mở các lớp may công nghiệp để giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho lao động địa phương.

Giải quyết lao động nông nhàn

Sau nông vụ, phụ nữ nông thôn trên địa bàn huyện Thăng Bình thường rảnh rỗi, nhiều người không có việc làm nên cuộc sống gặp nhiều khó khăn. Để khắc phục tình trạng đó, những năm qua huyện Thăng Bình đã nỗ lực đào tạo nghề đan mây tre, tạo việc làm ngay tại địa phương giúp chị em có thể tranh thủ sản xuất để tăng thêm thu nhập, nâng cao đời sống, góp phần tích cực trong việc bảo tồn và phát triển các nghề, làng nghề truyền thống ngay trên quê hương mình. Năm 2001, Lê Ngọc Anh (thôn An Dưỡng, xã Bình An) thấy nghề mây tre đan rất có tiềm năng xuất khẩu, lại giải quyết được việc làm cho nhiều lao động nên đã mạnh dạn đầu tư mua sắm trang thiết bị máy móc và thành lập doanh nghiệp mây tre Anh Quân. Rồi anh mở lớp, thuê giáo viên về dạy nghề miễn phí cho người dân. Học xong, người dân có thể làm tại phân xưởng, hoặc lấy nguyên liệu về nhà, đầu ra sản phẩm đã có doanh nghiệp lo. Từ khi có nghề mây tre đan, hàng trăm người dân trong xã Bình An đã có thêm nghề mới, có người chọn đây là nghề chính, có người thì tranh thủ lúc rảnh rỗi, nông nhàn để tăng thu nhập.
Điều đặc biệt, ở huyện Thăng Bình đã xuất hiện nhiều cơ sở sản xuất mây tre đan do phụ nữ làm chủ. Điển hình như cơ sở mây tre đan Kim Thu, xưởng sản xuất đũa tre Phan Thị Thu, cơ sở mây tre Trần Thị Hồng Anh, Đinh Thị Lý... đang ăn nên làm ra. Chủ cơ sở mây tre đan Đinh Thị Lý tâm sự: “Qua nhiều năm đi tìm việc làm tôi thấu hiểu một điều, có được việc làm ổn định là khát khao của nhiều người, đặc biệt đối với phụ nữ ở quê. Khi có điều kiện liên kết với nhà phân phối, tôi bàn với chồng thành lập cơ sở đan mây. Đây là cơ hội mở hướng phát triển kinh tế gia đình và cũng tạo việc làm mới cho chị em lúc nông nhàn”. Vốn trước đây chuyên đảm trách khâu kỹ thuật cho nhiều doanh nghiệp sản xuất đan mây tre nên khi mở cơ sở sản xuất, chị Lý đã có điều kiện trực tiếp hướng dẫn và đào tạo nghề cho chị em có nhu cầu học nghề. “Nghề này thu nhập không cao nhưng có việc làm thường xuyên kể cả người già, trẻ em đều có thể làm được, trung bình mỗi ngày thu nhập từ 50 - 70 nghìn đồng/người” – chị Lý nói.

Thăng Bình hiện có 9 cơ sở đan mây tre (1 làng nghề, 3 doanh nghiệp và 5 cơ sở gia công), giải quyết việc làm cho hơn 2.000 lao động địa phương với mức thu nhập bình quân từ 1,5 - 2 triệu đồng/người/tháng. Khó khăn lớn nhất hiện nay đối với các cơ sở mây tre đan địa phương là mặt bằng sản xuất và nguồn vốn. Chính vì vậy, để hợp nhất khâu bao tiêu sản phẩm và duy trì phát triển nghề mới ở nông thôn, chính quyền địa phương cần có những chính sách cụ thể hỗ trợ kịp thời nhằm tạo điều kiện cho nghề đan mây tre phát triển ổn  định, giúp người dân có việc làm, nâng cao thu nhập cải thiện đời sống.

Trung Lộ

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Lối mở cho lao động địa phương
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO