Nhằm mở lối cho sâm Ngọc Linh có bước đột phá để phát triển, vừa qua HĐND huyện Nam Trà My (khóa X) đã có nghị quyết thông qua đề án “Xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển sâm Việt Nam (sâm Ngọc Linh)”.
Theo đó, trong giai đoạn từ năm 2015 – 2020, tất cả tuyến đường xương cá, đường nhánh ở các vùng trồng sâm trọng điểm tại các xã Trà Linh, Trà Nam, Trà Cang có tổng chiều dài hơn 110km sẽ được đầu tư xây dựng đường bê tông rộng 5 - 7m. Ngoài ra, nghị quyết còn cho phép xây nhà bảo tàng trưng bày sâm và xây dựng một Trung tâm Nghiên cứu di thực sâm Ngọc Linh để có cơ sở mở rộng diện tích trồng sâm ra khắp địa bàn miền núi và xây dựng quần thể du lịch kết nối 2 huyện có nhiều sâm là Nam Trà My (Quảng Nam) và Tu Mơ Rông (Kon Tum). Dự kiến tổng nguồn vốn thực hiện dự án khoảng 1.275 tỷ đồng, trong đó Nhà nước đầu tư hơn 1.095 tỷ đồng, còn lại 180 tỷ đồng kêu gọi các doanh nghiệp đóng góp. Trước mắt, HĐND huyện giao cho UBND huyện Nam Trà My trong 5 năm tới cần ưu tiên dành nhiều nguồn vốn khác nhau tập trung mở đường vào các vùng sâm một cách hoàn chỉnh và xây dựng cho được quần thể du lịch vùng sâm Ngọc Linh.
Đường vào vườn sâm ở xã Trà Linh. Ảnh: LÊ GÀNH |
Đây được xem là lối mở ban đầu của huyện Nam Trà My trong việc tạo những điều kiện thuận lợi để khách du lịch và các nhà đầu tư đến tham quan, khám phá, tìm hiểu, nghiên cứu, từ đó có những quyết định tham gia đầu tư lâu dài để phát triển vùng sâm Ngọc Linh. Được biết, UBND tỉnh cũng đang triển khai việc quy hoạch bảo tồn và phát triển sâm Ngọc Linh trên địa bàn huyện Nam Trà My giai đoạn 2015 - 2020, trên cơ sở đó, lập dự án trình các cấp có thẩm quyền xem xét, đề nghị Chính phủ phê duyệt đề án quốc gia. Theo đó, cây sâm Ngọc Linh là sâm Việt Nam và sản phẩm từ sâm là sản phẩm quốc gia chỉ sau lúa gạo. Nếu mọi việc được tiến hành thuận lợi, vùng cao Nam Trà My nói riêng, Quảng Nam nói chung, trong tương lai gần sẽ có thêm sản phẩm xuất khẩu bền vững, có tổng giá trị hàng năm rất lớn.
LÊ GÀNH