Lối rẽ vào đời

NGUYỄN ĐIỆN NAM 28/08/2016 07:06

Bộ Lao động - Thương binh & xã hội phối hợp Tổng cục Thống kê vừa công bố thông tin về thị trường lao động quý 2 năm 2016. Theo đó, cả nước có 1,088 triệu người lao động trong độ tuổi lao động bị thất nghiệp, tăng 16.400 người so với quý 1 năm 2016. Trong số thất nghiệp có tới 191.300 người có trình độ từ đại học trở lên, 94.800 người có trình độ cao đẳng chuyên nghiệp và 59.100 người có trình độ trung cấp chuyên nghiệp.

Tình trạng tốt nghiệp rồi... thất nghiệp không những gia tăng áp lực đối với xã hội, nảy sinh nhiều vấn đề phức tạp, mà còn tiếp tục gióng lên hồi chuông cảnh báo về chiến lược giáo dục chưa gắn với nhu cầu thực tiễn. Ngay nhu cầu đào tạo nguồn nhân lực cho ngành sư phạm, đã xảy ra chuyện khủng hoảng thừa cử nhân. Trước thực trạng đó, Bộ Giáo dục & Đào tạo đã khuyến cáo rồi yêu cầu cắt giảm chỉ tiêu tuyển sinh ở những ngành đã đủ nhân lực, như ngành sư phạm. Tuy vậy, thực tế  từ năm 2013 đến nay, sau khi giảm chỉ tiêu đào tạo ngành sư phạm thì mỗi năm nước ta vẫn có thêm khoảng 4.000 sinh viên ngành sư phạm ra trường không tìm được việc làm. Với tốc độ gia tăng như vậy, dự báo đến năm 2020, cả nước sẽ có tới 70.000 cử nhân sư phạm thất nghiệp.

Với những thông tin buồn như trên, cần chọn lối rẽ nào cho tương lai?

Có lẽ, cuộc sống tự khắc đã có những điều chỉnh mà không bộ ngành chủ quản nào theo kịp để khuyến cáo (!). Như mùa tuyển sinh năm nay, các trường dạy nghề tuyển sinh thuận lợi hơn vì có nhiều hồ sơ dự tuyển. Đặc biệt, rất nhiều em có điểm trên sàn (15 điểm), thậm chí có em đạt 23.5 điểm vẫn chọn trường nghề thay vì nộp hồ sơ vào đại học. Lý do nhiều em chọn theo học trường nghề vì cho rằng học nghề có cơ hội tìm được việc làm dễ dàng thậm chí còn có thể có mức lương khá cao sau khi tốt nghiệp. Theo thống kê của Tổng cục dạy nghề thì 75%  sinh viên trường nghề sau khi ra trường đều có việc làm và thu nhập ổn định. Rõ ràng ở đây có một lối rẽ do thực trạng một bộ phận khá lớn sinh viên tốt nghiệp không tìm được việc làm và có hơn 60% tân cử nhân các trường đại học chấp nhận những công việc trái ngành, hoặc phù hợp cho trình độ thấp hơn (cao đẳng, trung cấp), trong khi nhu cầu về lao động có tay nghề lại thiếu. Như vậy việc làm là nguyên nhân chính dẫn đến sự dịch chuyển để chọn trường nghề.

Điều oái ăm cho giáo dục đào tạo là có “dòng nước ngược” xảy ra, khi các em tốt nghiệp cử nhân, thậm chí là thạc sĩ, phải giấu đi tấm bằng để đi học nghề mà kiếm việc làm. Đây là hiện tượng mà các nhà báo khái quát là “liên thông” từ đại học qua... trường nghề. Một tờ báo cho biết, các ngành hướng dẫn du lịch, khách sạn, bếp - ẩm thực đang được nhiều cử nhân, thạc sĩ chọn để theo học vì dễ tìm việc làm. Đây là những ngành “nóng”, đang cần đội ngũ lao động rất lớn. Đáng chú ý, đây là những nhóm ngành được tự do dịch chuyển lao động trong khối ASEAN. Việc có tay nghề vững vàng ở bậc trung cấp cùng với tấm bằng đại học hoặc thạc sĩ, người học dễ dàng có cơ hội đề bạt lên những vị trí cao hoặc xin việc tại các nước phát triển trong khu vực với mức lương hấp dẫn.

Lối rẽ vào đời đang thực chứng một chuyện rằng  khi sự học chỉ để phục vụ mưu cầu công danh, theo  mặt phiến diện của quan niệm “tấn vi quan, thoái vi sư”, đã làm nên bao chuyện dở cười, dở khóc, làm nảy sinh thực trạng thừa thầy thiếu thợ mà xã hội ta đang gánh. Hệ lụy của việc cố đấm ăn xôi bằng bất cứ giá nào để được vào đại học (hay học đại?) rồi ra làm thầy thiên hạ, bước vào con đường quan lộ, là nhân tố tạo nên sự suy thoái của văn hóa - giáo dục.

Cách đây đã gần thế kỷ, những người Quảng Nam cấp tiến như Phan Châu Trinh, Trần Quý Cáp, Huỳnh Thúc Kháng, đã đề cao con đường thực học, mà bây giờ vẫn còn... thời sự cho lối rẽ cần lựa chọn.

Rằng:

Ước học hành mở cho xứng đáng,
Đừng vẽ hình vẽ dạng cho qua,
Công thương kỹ nghệ chuyên khoa,
Trí tri cách vật cho ta theo cùng...

NGUYỄN ĐIỆN NAM

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Lối rẽ vào đời
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO