Làng nghề nước mắm Hà Quảng đã tồn tại từ rất lâu và truyền lại qua nhiều đời, nhưng do khó khăn về nguyên liệu và đầu ra, nghề làm mắm truyền thống ở đây dần mai một.
Làng Hà Quảng xưa bây giờ đã chia thành 4 khối phố là Hà Quảng Đông, Hà Quảng Tây, Quảng Gia và Hà Quảng Bắc (thuộc phường Điện Dương, thị xã Điện Bàn). Ghé nhà chị Trần Thị Thuận (khối Quảng Gia) vốn là hộ làm mắm lớn nhất ở địa phương còn tâm huyết trụ lại với nghề, chúng tôi không còn thấy không khí rộn rịp hay sự bận rộn của một lò sản xuất nước mắm trứ danh. Bên các chum vại để ngổn ngang, bỏ trống ở sân, chị Thuận tâm sự: “Năm nay không có cá rộ, việc tìm nguồn nguyên liệu để làm mắm hết sức khó khăn. Mọi năm, vào thời điểm này thường thuê hàng chục nhân công để phụ giúp việc muối mắm nhưng năm nay không tìm ra nguyên liệu nên chỉ mới muối cầm chừng được vài tấn”.
Trước đây, có năm chị Thuận muối được tới 50 tấn cá cơm, cho ra lò nhiều loại nước mắm ngon như mắm ruốc, mắm cái được các thương lái từ Đà Nẵng, Huế vào lấy hàng tiêu thụ. Để có được sản phẩm thì thời gian muối rất lâu, mất khoảng một năm mắm mới có vị ngon chứ không thể cắt ngắn thời gian đem tiêu thụ. Hiện nay, ngoài nhà chị Thuận thì chỉ còn khoảng 60 - 70 hộ duy trì nghề làm nước mắm ở làng Hà Quảng. Thế nhưng các hộ trên chỉ muối với số lượng nhỏ (khoảng 1 tấn/năm) để bán lại cho người dân địa phương và đem gánh bán dạo. Họ không coi nghề làm mắm là nghề để mưu sinh bởi quy trình sản xuất rất công phu, trong khi không tìm được đầu ra ổn định. “Lớp trẻ bây giờ đứa thì đi học, đứa thì đi làm công nhân hay nhân viên ở các khu resort chứ không quan tâm tới nghề làm mắm này. Ngay cả những người trạc tuổi tôi hầu hết cũng đã bỏ nghề, chắc chục năm tới không ai còn muối mắm để giữ lại cái nghề truyền thống của làng mắm Hà Quảng nữa” - anh Mai Thanh (chồng chị Thuận) ngồi đan lưới trầm ngâm tâm sự.
Một khó khăn khác để duy trì làng nghề làm mắm Hà Quảng chính là việc dự án khu du lịch Lũng Lô sắp được triển khai sẽ giải tỏa trắng hàng trăm hộ dân dọc theo bờ biển các khối Hà Quảng Đông, Quảng Gia. Dù được bố trí tái định cư ở lại khu vực làng chài hướng tới hình thành khu du lịch cộng đồng (khối Hà My Đông B) sẽ giúp những hộ dân di dời ổn định cuộc sống, nhưng với diện tích đất ở hạn chế thì việc duy trì làng mắm là một thách thức không nhỏ. Chị Thuận bộc bạch rằng cũng đã mua sẵn một mảnh đất trong đồng (khối Hà My Trung) để sau này giải tỏa sẽ chuyển vào đó làm mắm nhưng sợ chính quyền không cho phép do sợ ô nhiễm môi trường và thương hiệu cũng mất dần. Thêm nữa, dù đã đăng ký thương hiệu nhưng hiện tại có quá nhiều nơi làm nước mắm, và việc sản xuất nước mắm công nghiệp trở nên phổ biến khiến nước mắm Hà Quảng trở nên thất thế và khó lòng cạnh tranh được.
Trong các đợt hội chợ ở huyện, chính quyền huyện, xã đã nỗ lực vận động người dân Hà Quảng trưng bày quảng bá sản phẩm nước mắm của mình để khách hàng biết đến rộng rãi hơn, qua đó mở rộng thị trường, tìm đầu ra cho sản phẩm. Thế nhưng chỉ có hộ chị Thuận là tham gia, còn các hộ khác không mặn mà lắm bởi họ chỉ sản xuất cầm chừng và không mấy tâm huyết với nghề làm mắm. Xem ra, nguy cơ mai một làng nước mắm Hà Quảng đang hiển hiện trước mắt, và để tìm ra giải pháp cứu vãn làng nghề truyền thống lâu đời này quả là không dễ.
QUỐC TUẤN