Việc thay đổi cách thức giảng dạy theo lối truyền thống, đưa “giáo án” ra đồng ruộng góp phần tạo môi trường học tập hiệu quả cho nông dân.
Giảm chi phí, tăng năng suất
Lần đầu tiên, Trung tâm Khuyến nông - khuyến ngư tỉnh tổ chức lớp học trên đồng ruộng cho hàng trăm nông dân tại các huyện Phú Ninh, Thăng Bình, Đại Lộc và Quế Sơn, nhằm hướng đến môi trường sản xuất nông nghiệp sạch. Các lớp học này không phải ở trường mà trên những cánh đồng giúp nông dân có cái nhìn thực tế đầy sinh động về sản xuất nông nghiệp sạch, nâng cao hiệu quả và chất lượng nông sản.
Sau khi tham gia lớp học đồng ruộng, chị Nguyễn Thị Kim Vân (thôn Phước Bình, Đại Minh, Đại Lộc) áp dụng ngay phương pháp mới về chăm sóc, bón phân phòng trừ dịch hại trên mấy sào ớt của gia đình. Theo đó, chi phí sản xuất giảm gần một nửa so với cách làm trước đây nhưng năng suất cao hơn các vụ trước. Đến cuối vụ, những luống ớt vẫn xanh mướt, tiếp tục ra hoa, kết trái. Chị Vân nói: “Học ngay trên đồng ruộng có rất nhiều cái lợi, những vướng mắc kinh nghiệm được trao đổi trực tiếp với cán bộ. Các quy trình sản xuất, chăm sóc, phòng trừ dịch hại từ thực tế giúp chúng tôi biết nhiều hơn cách làm nông nghiệp sạch, có lợi cho nhà nông. Mấy năm trước tôi làm theo kiểu truyền thống, một sào ớt phải đầu tư 50kg phân nhưng làm theo cách mới chỉ tốn 30kg phân ủ vi sinh và rất sai quả”.
Dưới cái nắng oi bức nhưng nhóm của ông Lê Quang Mai (Phước Bình, Đại Minh, Đại Lộc) vẫn miệt mài trên đồng. Từ thực tế đến việc làm và kinh nghiệm đã cho thấy khoảng cách khác xa với cách nhiều nông dân làm lâu nay. Theo ông Mai, không uổng công mấy tháng chịu nắng theo lớp học trên đồng ruộng để học được rất nhiều cách làm hay. Một thực tế dễ nhận thấy là mọi thứ đều giảm nhưng năng suất, chất lượng cây trồng lại tăng lên. Đặc biệt, nhiều câu hỏi “tại sao” được trả lời thỏa đáng ngay trên cánh đồng mà lâu nay nông dân xem là bài toán khó.
Nông dân học cách tận dụng phế phẩm nông nghiệp sản xuất phân vi sinh. Ảnh: C.N |
Trong khoảng thời gian 5 tháng, cán bộ kỹ thuật Trung tâm Khuyến nông - khuyến ngư tỉnh áp dụng phương thức đào tạo lý thuyết với thực hành ngay trên đồng ruộng cho nông dân. Phương thức học trực quan ngay tại đồng ruộng giúp nông dân nắm bắt kỹ thuật nhanh chóng, hiệu quả, những vấn đề nảy sinh từ thực tế được chính nông dân trao đổi, rút kinh nghiệm, áp dụng khá thành công trên cánh đồng. Đặc biệt, hình thức học thực tế theo nhóm giúp họ hiểu được việc canh tác theo phương thức sinh thái, thâm canh tiên tiến nhằm tăng năng suất, chất lượng nông sản. Kết thúc khóa học cũng là lúc kết thúc chu kỳ sinh trưởng, phát triển của nhóm cây trồng như dưa hấu, đậu phụng, đậu cô ve, ớt, bắp, lúa... giúp cho bà con nông dân thấy được kết quả của lớp học và phương thức mà họ áp dụng.
Hướng đến sản phẩm sạch
Theo ông Ngô Văn Sáu - Chủ tịch UBND xã Đại Minh, huyện Đại Lộc, hiện nay sản lượng, chất lượng nông sản là yếu tố quyết định thu nhập cho người nông dân. Hầu hết nông dân vẫn còn làm theo kiểu kinh nghiệm là chính thì chỉ có thể lấy công làm lời. Trong khi đó, sản phẩm nông nghiệp an toàn là vấn đề người tiêu dùng quan tâm hàng đầu. Chính vì vậy, lớp học đồng ruộng giúp nông dân nhận biết từ khâu sản xuất cho đến thu hoạch và bảo quản nông sản sạch; giảm thấp nhất chi phí, tăng giá trị nông sản. Theo kết quả của Trung tâm Khuyến nông - khuyến ngư tỉnh, năng suất lúa tại mô hình lớp học tăng 1,6 lần, cây màu tăng 2,7 lần so với phương thức sản xuất truyền thống.
Kết thúc khóa học đồng ruộng, những nông dân nòng cốt tại 5 xã của các huyện Phú Ninh, Thăng Bình, Quế Sơn và Đại Lộc có trách nhiệm chia sẻ phương pháp mới này cho nông dân cơ sở. Ông Võ Văn Nghi - Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông - khuyến ngư tỉnh cho biết: “Đây là cách tập huấn khác biệt, nông dân học tại đồng ruộng, thông qua mô hình với kiến thức mới, tiên tiến nhất hiện nay như sử dụng chế phẩm sinh học để tăng hiệu quả phân bón, hạn chế dịch bệnh cho cây trồng, giảm tối đa sử dụng phân vô cơ, giảm thiểu ô nhiễm môi trường và cả những kiến thức bảo quản nông sản, tận dụng phế phẩm nông nghiệp… Đây là khởi đầu đáng phấn khởi để chúng tôi tiếp tục thực hiện chương trình hiệu quả hơn trong thời gian tới”.
CHÂU NGUYỄN