Lót ổ

ĐĂNG QUANG 21/05/2018 10:19

Người ta hay ví von du lịch như “gà đẻ trứng vàng”. Bởi, thu nhập từ du lịch rất cao, như ở Quảng Nam, năm rồi đón hơn 6 triệu lượt khách, doanh thu từ khách sạn, nhà hàng hơn 10,4 ngàn tỷ đồng.

Tuy đã tăng trưởng khá nhưng ngành du lịch vẫn chưa khai thác hết tiềm năng thế mạnh của địa phương, chưa tạo thêm được nhiều sản phẩm mới đủ hấp lực thu hút khách. Nói cách khác, “gà” du lịch còn chưa được lót ổ chu đáo để cho thêm trứng, thêm thu nhập.

Cũng cần nói rõ là việc lót ổ bằng chiến lược, chủ trương, quy hoạch, chính sách đầu tư thì đã có định hướng rồi. Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Quảng Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Trong đó, xác định tiếp tục phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn, đưa Quảng Nam trở thành một trong những trung tâm du lịch lớn của khu vực duyên hải miền Trung và cả nước. Giải pháp đầu tư cũng hướng đến việc mở rộng, nâng cấp hạ tầng, chú trọng các khu di sản Mỹ Sơn, Hội An, đồng thời mở rộng không gian du lịch (về phía nam và phía tây); xúc tiến kêu gọi đầu tư các dự án du lịch lớn làm động lực; tạo chuỗi liên kết du lịch với các tỉnh miền Trung để đạt mục tiêu cụ thể đến năm 2020 đón được 8 triệu lượt khách (trong đó khách quốc tế chiếm khoảng 50%).

Định hướng đã rõ, chỗ lót ổ cũng đã khoanh vùng, vấn đề còn lại là cách làm. Làm như thế nào cho hiệu quả và chọn loại hình gì, sản phẩm gì để phát triển du lịch vẫn là bài toán không đơn giản. Như cuối tuần rồi có cuộc hội thảo ghi nhận  nhiều đề xuất cần phải giải quyết mới thúc đẩy phát triển loại hình du lịch sinh thái bền vững gắn với nông nghiệp, nông thôn. Khá nhiều ý kiến chỉ ra tiềm năng của loại hình du lịch này là tạo nên sự “cộng hưởng” để có những sản phẩm độc đáo, có giá trị gia tăng cao, góp phần tăng thu nhập cho người dân nông thôn. Một ý kiến rất thú vị của ông Phạm Hà - CEO Luxury Travel, rằng xu hướng phát triển của các tour nông nghiệp và dựa vào nông nghiệp có thể thu hút lượng lớn du khách Âu Mỹ. Cũng theo ông Hà, điều hấp dẫn du khách nước ngoài có khi chỉ đơn giản như việc họ được mặc quần áo của nông dân, áo tứ thân, áo dài; học cách ăn bằng đũa, vào bếp nấu cơm bằng rơm rạ... Tuy vậy, về cách làm, cách lót ổ cho loại hình du lịch sinh thái gắn với nông nghiệp của Quảng Nam dường như còn rất hẹp, manh mún, đơn điệu. Quanh đi quẩn lại thì hiện tại chỉ có mấy cái làng làm được, như mô hình làng rau Trà Quế, hay du lịch cộng đồng ở Cẩm Thanh (Hội An). Trước đây cũng đã có tour cho du khách làm nông dân, cưỡi trâu, cấy lúa, đi chợ nấu ăn… nhưng hấu hết đều do các công ty du lịch và nhà hàng ở Hội An tổ chức, với quy mô nhỏ. Một số mô hình làng cộng đồng miền núi đón khách đến thăm thú, xem dệt thổ cẩm, dạo vườn trái cây, thưởng thức nghệ thuật và ẩm thực đặc trưng, nhưng hoạt động còn rất èo uột, chưa bài bản. Ngay một địa phương nổi tiếng  như Tiên Phước, có nhiều vườn quế tiêu, lòn bon, sầu riêng… gắn với làng cổ Lộc Yên cũng chưa tạo được sức bật đột phá với du lịch.

Không phủ nhận  những cố gắng của chính quyền và người dân trong tỉnh đang tìm cách xúc tiến đầu tư du lịch sinh thái gắn với nông nghiệp, nhưng nếu thiếu vai trò của doanh nghiệp, thì khó lót ổ cho “gà” du lịch đẻ trứng vàng. Doanh nghiệp đầu tư, làm cầu nối, kết nối, tính toán kỹ từ đầu vào đến đầu ra sản phẩm theo hướng chuyên nghiệp hóa, mới có thể thành công lớn. Hầu như các địa phương trong nước phát triển loại hình du lịch sinh thái đều biết cách cộng hưởng giữa doanh nghiệp và người dân bản địa trong việc tạo ra và duy trì sản phẩm chuyên biệt, chia sẻ trách nhiệm và lợi ích.

Ngoài di sản, di tích, Quảng Nam có sinh thái nhân văn đa dạng, nhiều ngôi làng rất đẹp, làng nghề phong phú, nên lót ổ bằng dự án cơ hội cho du lịch thì rất dễ, còn xây dựng dự án khả thi cần tính toán lồng ghép nhiều nhân tố tổng hợp. Ví như chương trình “mỗi xã một sản phẩm”, cần có du lịch để góp phần quảng bá và giải quyết đầu ra cho nông sản hàng hóa. Các chương trình, dự án khác như phục hồi nghề lụa, phát triển vùng trồng dâu nuôi tằm, hay xây dựng làng nghệ thuật cộng đồng cũng đều cần bước chân du khách hướng đến. Dĩ nhiên, dù phát triển thế nào cũng không nên lót ổ cho du lịch một cách tùy tiện, vừa dàn trải thiếu chiều sâu vừa tạo áp lực khai thác bừa bãi tài nguyên bản địa.

ĐĂNG QUANG

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Lót ổ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO