Vừa rồi tôi có dịp về Quảng Nam đi thực tế. Nghe những kết quả Quảng Nam đạt được, thấy mừng! Ngày mới tái lập tỉnh Quảng Nam thu ngân sách trên địa bàn chỉ hơn 130 tỷ, nay đã đạt gần 10 nghìn tỷ (9 tháng đầu năm 2015). Đi thực tế thấy khách quốc tế đến du lịch Hội An nhiều, Khu kinh tế mở Chu Lai và mấy khu công nghiệp đang tiếp tục phát triển cùng một số dự án lớn đang hình thành…
Thành phố Tam Kỳ trong sắc áo mới. Ảnh: HIỂN TRÍ |
Báo Quảng Nam có đề nghị tôi tham gia bàn về sự lựa chọn hướng đi lên của Quảng Nam. Trước khi góp mấy ý kiến để bạn đọc tham khảo, tôi xin kể lại chuyện lần cuối cùng bác Võ Chí Công về thăm Quảng Nam. Sau khi nghe lãnh đạo tỉnh báo cáo tình hình mấy năm qua đã làm được rất nhiều việc, dự kiến sắp đến còn làm nhiều việc hoành tráng hơn nữa, bác nói rất ngắn, đại ý là: Nghe các đồng chí báo đã làm được rất nhiều việc, thấy mừng. Nhưng đó là chúng ta nói với nhau. Còn nhân dân nói thế nào? Phải lắng nghe thử! Nhân dân đánh giá thế nào mới là quan trọng nhất. Sắp đến các đồng chí dự định làm nhiều việc. Có quyết tâm như vậy là tốt. Nhưng phải chú ý xem nhân dân có lợi gì trong các việc ấy. Ý kiến đó của bác Võ Chí Công gợi cho chúng ta về phương pháp tiếp cận khi đánh giá tình hình và bàn phương hướng phát triển.
1. Nhân dân Quảng Nam còn một tỷ lệ lớn, và còn nhiều chục năm nữa, phải sống dựa vào nông nghiệp. Nông nghiệp ở Quảng Nam thu giá trị sản phẩm trên 1ha còn rất thấp, bình quân mới được 60 triệu đồng. Trong khi đó chi phí cao, lãi rất ít, thậm chí không có lãi. Quảng Nam không có lợi thế trong sản xuất lương thực. Hiện nay, ở nhiều nước, có nhiều nơi đã phát triển nông nghiệp công nghệ cao, tạo ra giá trị sản phẩm trên 1ha nhiều tỷ đồng, có nơi đạt đến 20 tỷ (riêng Israel đạt 60 tỷ), trong khi điều kiện để phát triển nông nghiệp của họ không bằng Việt Nam. Quảng Nam rất nên tiếp cận vấn đề nông nghiệp công nghệ cao, tích cực, kiên trì và hướng vào sản xuất dược liệu, thực phẩm, cây cảnh, hoa… Được biết, Quảng Nam đang chuẩn bị triển khai dự án về sâm Ngọc Linh, di thực ra các vùng khác ở miền tây của tỉnh, tôi nghĩ hướng này rất đúng, cần đưa công nghệ cao vào. Nếu chỉ đạt 10% giá trị sản phẩm như nhiều nước (không kể Israel), với 40.000ha, tức 20% diện tích của Quảng Nam, thì đã có thể tạo ra giá trị bằng 1,3 lần GRDP của cả tỉnh hiện nay.
Tham quan mô hình nhân giống sâm Ngọc Linh ở Nam Trà My. Ảnh: ALĂNG NGƯỚC |
2. Hiện nay, trên thế giới, ngành du lịch phát triển với tốc độ cao, thị trường ngày càng mở rộng, nhu cầu ngày càng tăng, đã vượt qua ngành sản xuất ô tô và ngành dầu khí để trở thành ngành công nghiệp lớn nhất thế giới, tạo ra hơn 10 nghìn tỷ USD, chiếm 10% GDP toàn cầu (dự báo 2020). Trước đây Quảng Nam đã có nghị quyết lựa chọn du lịch là hướng ưu tiên hàng đầu. Sự lựa chọn ấy là đúng, kiên trì mà đi, tích cực và tâm huyết, suy nghĩ cách làm cho thành công. Hội An đang thành công, tất nhiên phải cố gắng nhiều nữa, phát triển các vùng xa phố cổ, giữ và xây dựng văn hóa, để tiếp tục tiến lên mạnh và bền vững.
“Cần quan tâm công nghiệp phụ trợ cho nông nghiệp công nghệ cao và cho du lịch, để góp phần hình thành cơ cấu kinh tế mới của Quảng Nam”. Vũ Ngọc Hoàng |
Bây giờ đã đến lúc tính chuyện du lịch ở toàn bộ vùng phía đông của tỉnh rồi, khi cầu Cửa Đại đã thông và con đường ven biển sẽ hoàn thành, cần thêm mấy trục ngang xuống biển nữa. Thực hiện cho tốt việc quy hoạch và quản lý xây dựng, đừng để nát vụn và nham nhở, thấp cấp. Một khách du lịch 5 sao có thể tạo ra nguồn tài chính cho ta gấp 20 lần khách 1 sao và tốt hơn cho môi trường văn hóa. Tìm nguồn tài chính ứng ra để chuẩn bị mặt bằng trước, bố trí dân cư một cách khoa học và thuận tiện cho nhân dân. Không ngại mất vốn vì không có dự án vào. Hễ có mặt bằng thì chắc chắn có dự án, có mặt bằng là có “vật đảm bảo” cho nguồn vốn ứng trước. Ở phía tây của tỉnh có những vị trí mà độ cao khá lớn so với mực nước biển, bảo đảm khí hậu mát mẻ vào mùa hè (như khu vực tiếp giáp Đà Nẵng ở Bà Nà Núi Chúa, phía tây Đại Lộc, Phước Sơn, Nam Trà My…) và những nơi có hồ đập, có sông đẹp, đều có thể (và nên) nghĩ đến phát triển du lịch. Cần liên tục suy nghĩ, đam mê và tận tụy để kiến tạo một trung tâm du lịch lớn và nổi tiếng ở Quảng Nam.
Du lịch tạo ra nguồn thu nhập xã hội (gấp khoảng 2,5 lần doanh thu) và thúc đẩy, kéo theo các ngành nghề liên quan khác phát triển (cứ 1 việc làm ở ngành du lịch thì tạo ra khoảng 2 việc làm ở các ngành khác); góp phần tạo ra những con người có văn hóa cao (do tiếp biến với các nền văn hóa khác, với những con người từ các xứ sở văn minh). Hết sức chú ý không để công nghiệp “đánh đuổi” du lịch trong bố trí quy hoạch. Bắt đầu từ du lịch mà nghĩ sang các ngành dịch vụ liên quan khác, như ăn uống, thời trang, thủ công mỹ nghệ, chăm sóc sức khỏe, âm nhạc dân tộc, các dịch vụ giải trí phù hợp các lứa tuổi và đối tượng khác nhau… Cần có thêm những công trình văn hóa và đa dạng sản phẩm du lịch nhằm giữ chân khách ở lại nhiều ngày hơn; kết nối với các tỉnh khác ở miền Trung để chuyển và nhận khách.
Những container nặng trĩu linh kiện phục vụ lắp ráp và sản xuất ô tô của Công ty CP Ô tô Trường Hải tại cảng Tam Hiệp (Chu Lai). Ảnh: PHƯƠNG THẢO |
3. Chọn công nghiệp phụ trợ là hướng đúng, nhưng lĩnh vực này rất mênh mông, cần chọn cái gì để có thể tham gia chuỗi giá trị toàn cầu, mà lại có giá trị gia tăng khá chứ không phải chỉ làm thuê gia công giá rẻ. Chọn cái gì là do thị trường quyết định, do các tập đoàn lớn người ta phân công cho mình. Mấu chốt ở đây thuộc về việc tiếp cận thị trường, tiếp cận các tập đoàn lớn, trong định hướng không làm ảnh hưởng việc phát triển Quảng Nam thành trung tâm du lịch. Đến nay, trên địa bàn Khu kinh tế mở Chu Lai đang từng bước hình thành công nghiệp phụ trợ cho công nghiệp ô tô và dệt may. Cần tiếp tục theo dõi, thúc đẩy và đặc biệt quan tâm xử lý tốt vấn đề môi trường. Cần quan tâm công nghiệp phụ trợ cho nông nghiệp công nghệ cao và cho du lịch, để góp phần hình thành cơ cấu kinh tế mới của Quảng Nam. Chữ “cơ” trong cụm từ “cơ cấu kinh tế” chính là mối quan hệ hữu cơ. Với mối quan hệ ấy, các ngành trên địa bàn có thể tác động thúc đẩy lẫn nhau. Không có mối quan hệ hữu cơ thì dù các ngành kinh tế có nằm cạnh nhau cũng không tạo được một cơ cấu kinh tế theo đúng nghĩa của nó.
4. Công nghiệp phần mềm cũng là hướng rất đáng quan tâm. Công nghiệp phần mềm không bị giới hạn của các nguồn tài nguyên vật chất vì nó sử dụng tài nguyên chất xám – loại tài nguyên này khi sử dụng không giảm đi mà lại tăng lên. Nó vô tận. Giá trị gia tăng lớn, tham gia trực tiếp vào chuỗi giá trị toàn cầu, liên tục tiếp thu tri thức từ các nước tiên tiến, làm tăng nguồn tri thức và công nghệ của Việt Nam. Được kinh tế và cũng được con người. Thị trường còn rất rộng lớn. Đây cũng là hướng tiến vào kinh tế tri thức - nền kinh tế có thể tạo ra sự phát triển theo cấp số nhân nhờ sự bổ sung, kết nối thông tin với tốc độ chóng mặt. Mới nghe qua dễ nghĩ việc này khó, nhưng Quảng Nam phải dũng cảm xông vào với tinh thần lập nghiệp cao; không đến nỗi quá khó đâu, người ta làm được thì người Quảng làm được, đất hiếu học mà, tiếp cận sâu vào, rồi mọi việc sẽ trở nên đơn giản.
Để có thể thực hiện thắng lợi 4 ưu tiên nêu trên trong định hướng chiến lược phát triển, cần lưu ý các giải pháp: Có cơ chế “mở” được bổ sung hoàn thiện liên tục. Thường xuyên nâng cao năng lực quản trị địa phương, với tư duy đổi mới và hành động thiết thực. Chọn cán bộ một cách công tâm, trong sáng, không tính toán riêng tư, cục bộ. Tích cực chuẩn bị cán bộ quản lý và nguồn nhân lực chất lượng cao, bắt đầu từ học sinh và sinh viên ở các trường trung học và đại học. Chống các loại “lợi ích nhóm” tiêu cực và tập trung cải cách thủ tục hành chính để giữ cho môi trường đầu tư phát triển luôn lành mạnh và có niềm tin. Thường xuyên tự học, tự bồi dưỡng để nâng cao kiến thức, nhất là đối với các hướng phát triển được lựa chọn ưu tiên, thông qua hình thức sinh hoạt câu lạc bộ khoa học đa dạng...
VŨ NGỌC HOÀNG