(QNO) - Năm 2019, nhiều vụ lừa đảo bất động sản qui mô lớn đã bị khởi tốt, nhưng vào thời điểm này, vẫn còn hàng loạt vụ tương tự diễn ra trên thị trường này.
Liên tiếp các vụ án lừa đảo khách hàng mua bất động sản
Sau vụ án Ailiba lừa đảo hơn lừa đảo gần 7.000 người với số tiền hơn 2.500 tỉ bị phanh phui vào năm 2019 thì liên tiếp sau đó đến thời điểm hiện tại hàng loạt vụ bán dự án "ma" cùng lúc xuất hiện trên thị trường.
Vào cuối năm 2019, hàng trăm khách hàng đã đưa đơn lên Bộ Công an tố cáo Công ty TNHH tư vấn BĐS Hoàng Kim Land (HKL) do bà Trần Thị Mỹ Hiền là Chủ tịch HĐQT, Công ty cổ phần tư vấn và đầu tư Angel Lina (Công ty Angel Lina) do bà Phạm Thị Tuyết Nhung làm giám đốc, có dấu hiệu lừa đảo, chiếm đoạt tài sản.
Cùng thời điểm, hàng trăm khách hàng đã kéo đến trụ sở Tỉnh ủy Long An và gửi đơn đến Bộ Công an tố cáo bà Nguyễn Kim Phượng, Giám đốc Công ty TNHH đầu tư và xây dựng BĐS Hưng Thịnh tại Long An; cùng với đó bà Nguyễn Thị Kim Liên, Giám đốc Công ty TNHH một thành viên BĐS Đất Xanh Long An và một số cá nhân khác có hành vi lừa đảo tại dự án Hưng Thịnh Cát Tường và Hưng Thịnh Cát Tường 2 (H.Đức Hòa, Long An).
Bước sang năm 2020, tình trạng này không có dấu hiệu dừng lại.
Vào tháng 5.2020, cơ quan chức năng cũng đã tiến hành khởi tố vụ án hình sự "lừa đảo chiếm đoạt tại sản" đối với ông Đặng Tiến Trường, Giám đốc Công ty CP King Home Land.
Đầu tháng 7.2020, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an Tp.HCM đã khởi tố bị can, bắt tạm giam 4 tháng đối với Ngô Minh Khâm, Tổng Giám đốc Công ty CP Địa ốc Phú An Thịnh Land có địa chỉ tại 137-139 Vành Đai Trong, P.Bình Trị Đông B, Q.Bình Tân, đề điều tra về tôi "lừa đảo chiếm đoạt tài sản".
Cùng thời điểm, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an Tp.HCM cũng ra quyết định khởi tố vụ án hình sự đối với bà Huỳnh Thị Hạnh Phúc, Tổng Giám đốc Công ty CP Xây dựng Địa ốc Bất động sản Thiên Ân Phát (Công ty Thiên Ân Phát) về hành vi "lừa đảo chiếm đoạt tài sản". Thông qua hình thức lập khu dân cư, dự án phân lô bán nền với tên gọi: Bưng Ông Thoàn, Nguyễn Xiển 1, Nguyễn Xiển 2, Nguyễn Xiển 3, Linh Xuân… nữ CEO này đã lừa đảo ký các hợp đồng đặt cọc chuyển nhượng quyền sử dụng đất.
Mới đây nhất, cơ quan CSĐT Công an tỉnh Đồng Nai đã ra quyết định khởi tố, bắt tạm giam 4 tháng đối với Tổng giám đốc Công ty Bất động sản nhà đất Đồng Nai - Đỗ Sơn Tùng với cáo buộc lừa đảo nhiều người mua "dự án ma".
Theo đó, vị Tổng giám đốc này bị điều tra về hành vi liên quan các "dự án ma" lừa đảo khách hàng, trong đó có dự án ảo Nice Town gần 10 ha tại huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai. Bức xúc vì không nhận được nền đất hay "sổ đỏ" như đã cam kết, hàng trăm khách hàng mua nền đất này đã làm đơn tố cáo đến cơ quan công an về hành vi có dấu hiệu lừa đảo chiếm đoạt tài sản với con số lên tới cả trăm tỉ đồng.
Điều đáng nói, hầu hết công ty địa ốc này đều có chung một hành vi là phân lô bán nền trên đất nông nghiệp hoặc "vẽ" các dự án "ma" rồi rao bán cho khách hàng. Sau đó, kí với khách hàng các loại hợp đồng như hợp đồng cọc hay hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất để thu tiền từ khách hàng.
Vì đâu?
Liên tiếp các vụ lừa đảo BĐS được đưa ra ánh sáng từ năm 2019 đến nay, khiến dư luận không khỏi hoài nghi là trách nhiệm quản lý của cơ quan có thẩm quyền khi liên tục để xảy ra tình trạng phân lô bán nền trái phép, bán dự án "ma" để chiếm đoạt tài sản? Nhiều câu hỏi đặt ra, tại sao, phải đợi đến khi người dân căng băng rôn, gửi đơn tố cáo thì cơ quan có thẩm quyền mới biết hành vi sai trái của các công ty này?
Theo một số chuyên gia, đất nền phân lô giá rẻ vùng ven thời gian qua nở rộ bởi giá rẻ, phù hợp với số đông, nhất là những người ít tiền. Đây là dòng sản phẩm đánh đúng vào tâm lý ham rẻ, lời nhiều của người mua.
Bên cạnh đó, một số CĐT dùng thủ thuật cam kết lợi nhuận khủng của khiến nhiều người bỏ tiền vào mà không tìm hiểu kỹ lưỡng. Ngoài ra, chế tài và quy định pháp luật trong lĩnh vực này vẫn còn kẽ hở, dễ bị lợi dụng và không nghiêm khiến dự án phân lô bán nền lừa đảo nở rộ.
Theo LS. Trần Đức Phượng, Đoàn LS TP.HCM, pháp luật hiện nay đã có các quy định xử phạt khá đầy đủ. Vì vậy, cơ quan quản lý cần có tổng kết, nhận diện tình hình và hình thức vi phạm mới này để có biện pháp hữu hiệu hơn. Trong đó phải quy trách nhiệm và xử lý đối với UBND cấp xã, huyện và cơ quan quản lý chuyên ngành (xây dựng, đất đai).
Việc chậm trễ, đùn đẩy của các cơ quan công an khi liên tục nhận định các kiểu lừa đảo này là giao dịch dân sự để không xử lý; phát hiện những vi phạm hành chính cũng không chuyển cho cơ quan thẩm quyền là nguyên nhân dẫn đến tình trạng công ty kinh doanh, môi giới BĐS lộng hành.
Theo các luật sư, các cơ quan chức năng cần rà soát và điều chỉnh ngay các quy định có liên quan để tránh kẽ hở nhằm tạo điều kiện cho các chủ đầu tư không có năng lực "lách luật" để kinh doanh BĐS. Bên cạnh đó, cần thanh tra, làm rõ các cơ quan nhà nước tại địa phương có dấu hiệu buông lỏng quản lý để cho chủ đầu tư tự do tung hoành, xây dựng hạ tầng kỹ thuật không phép, rao bán công khai các sản phẩm BĐS chưa đủ điều kiện kinh doanh.
Theo những người trong cuộc, qua những vụ việc này cũng như là "hồi chuông cảnh tĩnh" đối với người dân khi thực hiện mua bán, giao dịch BĐS cần tìm hiểu kĩ về dự án và liên hệ với chính quyền địa phương để nắm rõ thông tin về các dự án này.