(QNO) - Tại tổ 11, thôn Quý Phước 1, xã Bình Quý, huyện Thăng Bình, hiện có 12 hộ dân thuộc hội viên Hợp tác xã Nông nghiệp hữu cơ Bình Quý đang canh tác hơn 3,5 ha lúa đen của. Hiệu quả mang lại từ cây lúa đen gần gấp đôi so với lúa truyền thống, nhưng đầu ra hạn chế đang cản trở việc mở rộng diện tích.
Ông Hồng chăm sóc lúa đen vụ hè thu. Ảnh: NHẬT TRƯƠNG |
Hiệu quả từ lúa đen
Vào năm 2015, một số nông dân tại tổ 11, thôn Quý Phước 1, xã Bình Quý bắt đầu chuyển đổi trồng lúa nước sang lúa đen. Sau vài năm canh tác, nhận thấy cây lúa đen cho thu nhập cao hơn so với lúa truyền thống, bà con nông dân bắt đầu mở rộng diện tích và dần ổn định canh tác cây lúa đen. Ông Trần Hồng (52 tuổi, tổ 11, thôn Quý Phước 1) cho biết: “Tôi chuyển sang trồng cây lúa đen từ năm 2015 trên diện tích 6 sào, so với cây lúa truyền thống thì lúa đen cho thu nhập cao hơn, gần gấp đôi bởi năng suất xấp xỉ nhưng giá lúa cao hơn rất nhiều”.
Ông Hồng cho biết thêm, giá lúa truyền thống trung bình khoảng 5.800 đồng/kg nhưng lúa đen đạt 10.500 đồng/kg. Hơn nữa, nông dân trồng cây lúa đen sẽ được công ty Hưng Trung Việt tài trợ phân bón hữu cơ và đảm bảo nguồn đầu ra nên bà con yên tâm canh tác, đỡ bớt các khoản đầu tư.
Tương tự ông Hồng, ông Nguyễn Tấn Chiến (58 tuổi, tổ 11, thôn Quý Phước 1) cũng canh tác 15 sào lúa đen, mỗi năm thu về khoảng 75 triệu đồng và nguồn thu nhập từ bán phân bón cho công ty Hưng Trung Việt phân bổ cho các hộ thuộc HTX. Ông Chiến nói: “Ngoài thu nhập từ lúa, tôi thu gom phân gia súc ở những nơi khác trong xã về ủ men khử mùi, nuôi trùn quế. Không những đảm bảo vệ sinh môi trường khi bón phân cho lúa mà mỗi năm đem về cho gia đình tôi khoảng thu nhập kha khá”.
Lúa đen sắp tới ngày thu hoạch (Ảnh sưu tầm) |
Được biết, lúa đen là nông sản sạch và bún khô làm từ gạo đen đã được địa phương đăng ký làm sản phẩm OCOP (chương trình mỗi xã một sản phẩm). Để đảm bảo chất lượng, nông dân trồng lúa đen phải cam kết không dùng thuốc trừ sâu, phân bón vô cơ, các loại phân bón gây hại môi trường…
Khó mở rộng quy mô
Mặc dù cây lúa đen mang lại thu nhập cao nhưng việc mở rộng diện tích đang là vấn đề khó. Yêu cầu nông sản sạch vô tình làm giảm khả năng tăng diện tích canh tác cây lúa đen. Ông Nguyễn Tấn Chiến – Phó giám đốc HTX Nông nghiệp hữu cơ Bình Quý cho biết: “Vài năm trở lại đây, nhiều hộ dân muốn tham gia HTX nhưng không đủ nguồn phân bón để canh tác. Khi tham gia, hội viên mới phải đảm bảo được nguồn phân hữu cơ, nhưng phần lớn không đảm bảo được. Nếu tham gia đại trà sẽ không có hiệu quả”.
Hiện nay, công ty Hưng Trung Việt là đơn vị đứng ra thu gom mua sản phẩm của của 12 hộ dân thuộc HTX Nông nghiệp hữu cơ Bình Quý. Ngoài ra, không có đơn vị nào đứng ra thu mua lúa đen. Trước câu hỏi địa phương có cách nào tìm thêm đầu ra cho lúa đen, ông Nguyễn Tài - Chủ tịch Hội Nông dân xã Bình Quý cho biết: “Chúng tôi đã tìm hiểu nhiều nhưng hiện tại địa phương chưa có phương án hỗ trợ bà con mở rộng diện tích cũng như tìm thêm đầu ra cho cây lúa đen. Toàn bộ sản phẩm sẽ do công ty Hưng Trung Việt thu mua, muốn mở rộng quy mô chỉ có cách bà con đăng ký tham gia HTX và phải đảm bảo được các yêu cầu của công ty Hưng Trung Việt đưa ra”.
NHẬT TRƯƠNG