Làng đã trơ gốc rạ. Chẳng còn thấy người người gánh rơm về chất để dành nấu ăn, làm khẩu phần cho trâu bò mùa đông, làm phân heo. Khói đốt đồng nghi ngút trải mù xa. Cái nắng khiến mọi thứ như thành tro.
Lúa vẫn cong mình trên sân xi măng chịu nắng. Hôm tôi lên làng Cơ Tu ở thôn Tà Lu (Đông Giang) trúng bữa bà con gặt lúa rẫy về. Những nong tre, vành nứt mây mòn nhẵn, ánh vàng nối nhau như những mâm đồng bự, trên đó là lúa vàng ươm, đám nhà báo là dân quê chính hiệu trầm ngâm tức khắc. Tôi nhớ ông nội đan nong - mà lận vành là cả một nghệ thuật, không phải ai cũng làm đẹp được. Nong đựng lúa, phơi sắn, khoai, che cả đống đồ linh tinh khi mưa bất chợt; cuối năm khi lúa xanh tươi ngoài đồng, chiếc nong cũng chưa hết phận sự. Mổ heo, cắt lá chuối trải lên nong, bày hết ra đó trong tiếng trầm trồ của người lớn lẫn trẻ con... Bây giờ, nong ở miền xuôi dần dần biến mất theo mấy bận công nghiệp hóa với cây lúa trên đồng.
Bà cụ chỉ đống lúa ngoài sân, không thèm ta thán mà nói như sự đã biết, rằng thì đó, năm ngoái được mùa, sào thì được mô 300kg, năm ni mất trắng, dồn hốt được 50 - 70kg chi đó. Một ký lúa thơm bây chừ 7 nghìn đồng… Tau tính hết, trừ hết phân, giống, công kêu người ta làm, còn chừng nớ thì giá được 1,2 triệu. Hỏi mình bỏ 1,2 triệu ra cũng mua được chừng nớ, thì mắc mớ chi phải làm cho mệt, lo đủ thứ quanh năm, rồi có được chi mô. Bà ngó thằng con trai, buông một câu: “Đoạn ruộng từ ủy ban xã xuống, họ bán hết đất rồi, đổ đất làm nhà”. Anh con phụ họa liền: “Mình rồi cũng bán, giữ làm chi, chỉ chuyện kêu người ta làm, thiếu điều lạy họ mới làm chứ sướng ích chi”. Trên xà nhà, con thằn lằn ngó nghiêng, tiếng tặc lưỡi nghe rõ mồn một.
Làng thuộc hạng xôm tụ văn minh nhất xã, giờ ngó bộ buồn xo. Trai tráng, trung niên còn theo ruộng cho khỏi bị chửi vì cha mẹ thương tiếc miếng đất ông bà để lại, chứ làm cho xong là chạy khỏi làng, đi phụ hồ ngày kiếm 300 - 400 nghìn đồng, chiều xuống không chủ thì thầu mời nhậu, khỏe gấp vạn lần làm ruộng. Ai số tốt thì qua phố, tìm các khách sạn, nhà hàng làm bảo vệ, giữ xe, tiền có ít hơn nhưng mát da, quần áo xênh xang. Con gái thì đi may, mấy bà chưa già thì đi nấu ăn, phụ việc ở các quán ăn. Cha mẹ già ở nhà, nhìn miếng ruộng mà nuốt nước mắt vào trong, bán thì như dứt núm ruột đi, nhưng giữ thì nó như miếng ruột thừa đã mất tác dụng “bỏ thì thương, vương thì nợ”.
Tôi ngồi với anh. Đẻ ra là đã dính bùn, anh bám mặt trên ruộng đến chừ. “Mi biết rồi, anh hoàn cảnh cơ cực hơn họ, không được đi học, chừ bỏ ruộng thì biết làm chi, nhưng lớn tuổi rồi, làm cực quá, mà đành ráng cho hết kiếp luôn”. Nụ cười trên mặt anh như lúa đổ rạp, buồn mục người. “Mi thấy đó, làng mình chừ còn ai mô, chiều ưng làm một ly, kêu cũng khó, chỉ tết nhứt mới gặp, mà chừ mấy ai nói chuyện đồng ruộng nữa mô”. Con cái anh cũng đi xa. Vợ chồng sáng tối vào ra. Ký ức chảy trong tôi như những đàn châu chấu đói mùa gặt bừng bừng loạn xạ. Lúa mang no ấm nồng nàn đã đi xa. Nông thôn đã thay đổi. Ai cũng biết làm lúa chẳng qua là có gạo khỏi đi mua, giữ ruộng vì chẳng thể làm khác. Ruộng chẳng còn hấp dẫn nữa. Nhiều nhà bây giờ hạt gạo trong thùng không phải từ ruộng mình, mà mua ở chợ. Sự tiếc nuối không cứu được hiện hữu buồn tênh. Nhưng nông thôn mà không làm ruộng, còn chi nữa? Tới đây thì nhớ, đã gần 10 năm trước tôi về Cà Mau, hỏi chuyện văn hóa miền Tây bây giờ bị biến dạng hết rồi. Nhà văn Nguyễn Ngọc Tư liệt kê hết những thứ cô thấy cô rầu, đứng lên chào tôi về, bỗng ngoắc lại, rằng à, cái này nè anh, dưới này đua nhau làm vuông tôm, em ngó mà buồn so. Miền Tây là lúa, văn hóa văn minh từ lúa mà ra, giờ phá hết ruộng lúa làm vuông tôm, khác gì cắt cái chân mình đi rồi lắp chân giả đi cà thọt cà xẹo, đau lắm…
Vụ thu, ruộng sẽ vẫn trở dạ, nhưng nghĩ tới mùa đông xám gió thổi buốt những căn nhà bê tông không còn mấy cái nong thơm mùa lúa, muốn khóc…
TRUNG VIỆT