Luẩn quẩn với đường

C.B.L 19/06/2018 10:34

Cuối tuần qua, thông tin về 100 tấn đường cát Thái Lan nhập lậu trữ trong kho ở thị xã Điện Bàn bị lực lượng chức năng phát hiện tiếp tục dấy lên mối lo ngại cho sức tiêu thụ của đường trong nước. Đường nhập lậu, kinh doanh đường cát trái phép không chỉ có ở các địa bàn trọng điểm như TP.Hồ Chí Minh, Kiên Giang, An Giang, Long An, Tây Ninh mà còn lan đến cả tỉnh lẻ. Đường Thái nhập lậu qua Campuchia về Việt Nam mà giá vẫn rẻ hơn đường trong nước. Đó là nghịch lý mà từ 5 năm trước đã được chỉ ra, nhưng đến thời điểm hiện tại, Hiệp hội mía đường Việt Nam (VSSA) vẫn loay hoay không có cách nào tháo gỡ.

Không cách tháo gỡ, và gần như bế tắc là bởi, ngoài lượng đường tồn kho trong nước lớn (theo VSSA, đến cuối tháng 4, tồn kho khoảng 690.000 tấn) thì đường Thái Lan nhập lậu về rẻ hơn 2.000 – 4.000 đồng/kg. Chiêu thức xuất hóa đơn của doanh nghiệp đường trong nước cho đường nhập lậu hoặc nhập lậu đường Thái về và đánh tráo bao bì đường trong nước để tiêu thụ đã khiến ngành đường trong nước lao đao. Nông dân trồng mía ở đồng bằng sông Cửu Long gặp khó khi mía thu hoạch xong nhưng hoặc thương lái không thu mua, nhà máy thu mua cầm chừng; hoặc giá bán quá thấp.

Không cách tháo gỡ, nằm ở ngoài khả năng của ngành mía đường, là cũng bởi từ đầu năm đến nay, hàng trăm ngàn tấn đường lỏng được nhập khẩu từ Trung Quốc về Việt Nam với thuế suất 0%. Đường lỏng nếu từ Trung Quốc bán sang Việt Nam phải chịu mức thuế nhập khẩu 13%. Tuy nhiên, loại đường này thường được nhập vào các nước ASEAN rồi mới bán sang Việt Nam để được hưởng thuế suất 0%. Đường lỏng độ ngọt cao, lại rẻ hơn đường trắng 2.000 - 3.000 đồng/kg nên các doanh nghiệp sản xuất, chế biến bánh kẹo trong nước đang có xu hướng giảm lượng đường mía để chuyển sang sử dụng đường lỏng. Chính điều này càng ảnh hưởng lớn đến sức tiêu thụ đường trong nước.

Không cách tháo gỡ. Như cách đây mươi năm, Quảng Nam không cách tháo gỡ với Nhà máy đường Quảng Nam lâm vào bế tắc vì nợ nần chồng chất, mất khả năng chi trả. Mà hệ quả vẫn còn kéo dài đến tận hôm nay.

Làm sao để tìm một lối ra? Chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Tăng mối liên kết giữa doanh nghiệp và nông dân. Áp dụng khoa học công nghệ để sản phẩm đạt cả sản lượng và chất lượng cao hơn, giảm giá thành nhằm tăng cạnh tranh. Tăng cường kiểm soát đường nhập lậu, v.v. Đó là những giáo điều được rao giảng hay kim chỉ nam cho ngành nông nghiệp? Đúng là quá khó thực hiện được những gợi mở này như lâu nay để tìm đường ra cho đường.

Hàng nghìn mặt hàng trong lĩnh vực nông nghiệp như rau, củ quả được áp thuế suất 0% từ cuối năm 2016 đến nay (theo Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN – Trung Quốc (ACFTA)) từng được cho là có cả cơ hội và thách thức cho doanh nghiệp trong nước. Nhưng với thực trạng sản xuất và thị trường tiêu thụ đường cát trong nước hiện tại, rõ ràng chỉ có thách thức mà không có cơ hội.

C.B.L

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Luẩn quẩn với đường
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO