Tháng 7 tới, Luật Đất đai sửa đổi năm 2013 sẽ có hiệu lực thi hành. Nhiều điểm mới của luật phù hợp với thực tiễn cuộc sống và làm thỏa mãn nguyện vọng chính đáng của người dân.
Minh bạch thu hồi đất
Những năm qua, chưa bao giờ báo chí tốn khá nhiều giấy mực liên quan đến khiếu nại, khiếu kiện về lĩnh vực đất đai. Chuyện đất “nóng” trên nghị trường, từ lũy tre làng đến phố. Điều chỉnh các chính sách đất đai trước đây, Luật Đất đai sửa đổi năm 2013 đã minh bạch hơn trong quyết định thu hồi đất - vốn là “điểm nghẽn” chính gây bức xúc dư luận. Ví như, theo quy định, Nhà nước chỉ thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, an ninh, phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng; thu hồi đất đối với các dự án đã được Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư; dự án được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận, quyết định đầu tư và một số trường hợp được HĐND cấp tỉnh xem xét thông qua chủ trương thu hồi đất. Thêm nữa, quy định Nhà nước chủ động thu hồi đất theo kế hoạch sử dụng đất, tạo quỹ đất “sạch” để đấu giá quyền sử dụng. Sự minh bạch trong thu hồi đất là bước tiến bộ, xóa bỏ tình trạng quan liêu, cửa quyền, tùy tiện ở một số chính quyền địa phương.
Chính sách đất đai mới sẽ tạo ra môi trường làm ăn lành mạnh, công bằng cho các nhà đầu tư.Ảnh: HỮU PHÚC |
Trước đây, cuộc sống của người dân khổ trăm bề bởi quy hoạch treo. Luật mới đã “sát hạch” kỹ càng khâu giao đất, hạn chế đến thấp nhất dự án bỏ hoang. Chủ đầu tư muốn được giao đất phải chứng minh cụ thể bằng năng lực tài chính, trách nhiệm đầu tư; nếu dự án không khả thi thì Nhà nước lập tức thu hồi chứ không có chuyện xuê xoa như trước. Về chuyện “quy hoạch treo”, tinh thần của Luật Đất đai sửa đổi năm 2013 cũng đã tháo gỡ bất cập như những nơi có quy hoạch nhưng chưa có kế hoạch sử dụng đất hằng năm thì người dân vẫn được xây dựng, sửa chữa nhà ở. Nếu sau 3 năm dự án vẫn chưa triển khai thì buộc phải điều chỉnh, hoặc hủy bỏ và thông báo cho người dân. Mặc dù tình trạng khiếu nại, khiếu kiện vượt cấp trên địa bàn tỉnh chưa đến mức “nóng” như các địa phương khác, song một trong những bức xúc dai dẳng của người dân là khổ sở sống trong vùng quy hoạch treo, dự án treo. Hàng loạt dự án thu hồi đất của dân nhưng không triển khai được, trong khi nông dân thiếu đất canh tác, diện tích đất thu hồi bỏ hoang nhiều năm trời. Thực tế, Khu kinh tế mở Chu Lai hiện quản lý diện tích khá lớn ở vùng đông, nhiều nơi chưa có kế hoạch sử dụng đất, một bộ phận người dân thuộc địa bàn vùng đông Tam Kỳ, Núi Thành, Duy Xuyên đang bị quy hoạch treo gây khó khăn. Với thực trạng đó, việc triển khai Luật Đất đai sửa đổi sắp tới sẽ mở ra hướng tháo gỡ vướng mắc này.
Luật Đất đai sửa đổi sẽ tuân thủ chặt chẽ nguyên tắc thu hồi đất xây dựng các dự án phát triển kinh tế. Trong ảnh: Nhà máy xi măng Thạnh Mỹ (Nam Giang). |
Theo ông Nguyễn Viễn, Giám đốc Sở Tài nguyên - môi trường, luật mới đã “cởi trói” nhiều quy định còn quá chung chung trong Luật Đất đai năm 2003. Chính sách thu hồi đất đã chi tiết và tiến bộ hơn. Luật Đất đai sửa đổi đã thực hiện nguyên tắc thu hồi đất theo quy hoạch là chủ yếu, để từ đó có “đất sạch” đấu giá, hạn chế việc thực hiện cơ chế thu hồi đất theo dự án để giao đất cho nhà đầu tư đã được chỉ định nhằm loại bỏ nguy cơ tham nhũng trong thu hồi đất, giao và cho thuê đất. Các chuyên gia về đất đai đều cho rằng, Luật Đất đai sửa đổi 2013 đã quyết liệt trong chế tài xử lý tình trạng quy hoạch treo và tháo gỡ những bất hợp lý trong định giá đất đền bù. Đáng lưu ý, việc điều chỉnh khung giá đất, bảng giá đất theo biến động thị trường cũng được bổ sung vào luật. Theo đó, Chính phủ ban hành khung giá đất định kỳ 5 năm một lần với từng loại đất, theo từng vùng. Trong thời gian thực hiện khung giá đất mà giá đất phổ biến trên thị trường tăng từ 20% trở lên so với giá tối đa hoặc giảm từ 20% trở lên so với giá tối thiểu trong khung thì Chính phủ điều chỉnh khung cho phù hợp.
Luật Đất đai sửa đổi sẽ minh bạch trong thu hồi đất. Trong ảnh: Xây dựng hạ tầng tại khu tái định cư Tam Anh Nam (Núi Thành). |
Đảm bảo an sinh
Để đưa Luật Đất đai sửa đổi năm 2013 đi vào cuộc sống, năm 2014, UBND tỉnh tiếp tục tăng cường các biện pháp quản lý, sử dụng đất có hiệu quả. Ngoài hoàn thiện công tác quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; chấn chỉnh công tác giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất, tỉnh chỉ đạo các địa phương kiên quyết xử lý, thu hồi các dự án không, hoặc chậm triển khai. Đầu tháng 5, UBND tỉnh ra “tối hậu thư” cho hơn 10 dự án ven biển Hội An – Điện Bàn chậm tiến độ. Ngoài ra, các ngành chức năng của tỉnh thường xuyên kiểm tra, thanh tra việc chấp hành pháp luật đất đai ở các cấp; giải quyết dứt điểm các khiếu nại, tố cáo có liên quan đến việc quản lý, sử dụng đất. |
Luật Đất đai sửa đổi quy định thời hạn và hạn mức sử dụng đất sản xuất nông nghiệp, đất rừng sản xuất, đất nuôi trồng thủy sản, đất làm muối cho nông dân được nới rộng hơn, với thời hạn sử dụng đối với đất nông nghiệp 50 năm và nông dân được tiếp tục sử dụng mà không cần bất kỳ một thủ tục nào. Trường hợp bị thu hồi đất nhưng chậm bồi thường, Nhà nước trả lãi suất cho người dân bị thu hồi. Trường hợp tiền bồi thường không đủ để mua suất tái định cư tối thiểu thì Nhà nước sẽ hỗ trợ giúp người dân phần chênh lệch. Đối với người dân mất đất nông nghiệp, đất ở kết hợp kinh doanh dịch vụ, UBND cấp tỉnh phải có phương án đào tạo, chuyển đổi nghề, tìm kiếm việc làm cho người dân. Chính quyền tỉnh, huyện có trách nhiệm triển khai xây dựng tái định cư trước khi thu hồi đất. Trong đó, việc thu hồi đất ở chỉ triển khai sau khi hoàn thành xây dựng nhà ở hoặc cơ sở hạ tầng của các khu tái định cư đảm bảo quy chuẩn xây dựng và phù hợp với điều kiện, phong tục, tập quán của vùng, miền.
Hiện tại, Luật Đất đai sửa đổi chưa có hiệu lực thi hành nhưng người dân ở các địa phương miền núi rất quan tâm, bởi các điều, khoản quy định tác động đến quyền lợi và nghĩa vụ của họ. Đặc biệt công nhận nhu cầu đất đai của đồng bào dân tộc thiểu số và đề xuất gắn việc giải quyết đất sử dụng không hiệu quả với việc giao đất cho đồng bào dân tộc thiểu số, để tạo quỹ đất giao ưu tiên cho hộ, cá nhân là đồng bào dân tộc thiểu số không có đất hoặc thiếu đất sản xuất (điều 133). Điều này sẽ góp phần giải quyết tình trạng thiếu đất sản xuất đối với đồng bào dân tộc thiểu số, giúp họ nâng cao thu nhập và ổn định cuộc sống.
Theo ông Nguyễn Thanh Quang – Giám đốc Sở NN&PTNT, Luật Đất đai sửa đổi đã tạo ra bước đột phá mới đối với vấn đề tam nông. Hơn ai hết, nông dân là đối tượng đầu tiên được hưởng lợi về thời hạn sử dụng đất nông nghiệp dài hơn, hạn mức lớn hơn và tạo điều kiện cho họ mạnh dạn đầu tư vào nông nghiệp. Người sử dụng đất sẽ yên tâm hơn vì lợi ích được bảo đảm. Nhà đầu tư sẽ được tiếp cận đất đai công bằng hơn, môi trường đầu tư sẽ trong sáng hơn.
TRẦN HỮU