Lực cản đoàn thuyền đánh cá

NGUYỄN ĐIỆN NAM 14/11/2019 10:03

Hơn 60 năm trôi qua, bài thơ “Đoàn thuyền đánh cá” của nhà thơ Huy Cận vẫn còn vang trên giảng đường:

Mặt trời xuống biển như hòn lửa
Sóng đã cài then, đêm sập cửa
Đoàn thuyền đánh cá lại ra khơi,
Câu hát căng buồm cùng gió khơi...

Nhưng thời ấy, chuyến đánh bắt cá có lẽ chỉ diễn ra trong vài ba ngày, nói là “ra khơi” nhưng thực tế còn ở vùng lộng với tàu thuyền công suất nhỏ. Trải hơn nửa thế kỷ, nghề cá chủ yếu cũng quẩn quanh ven bờ. Còn nhớ khi Quảng Nam mới tái lập tỉnh, cả nước lúc ấy thực hiện chương trình hỗ trợ đóng tàu đánh bắt xa bờ khoảng 5 ngàn chiếc (Quảng Nam có chừng 50 chiếc, từ 90 CV trở lên). Cho đến năm 2014, số lượng tàu đánh bắt xa bờ của cả nước vẫn còn ít, loại tàu trên 90 CV chỉ khoảng 18.700 tàu. Ngày 7.7.2014, Nghị định 67-NĐ/CP ra đời với các nhóm chính sách: Đầu tư hạ tầng cho thủy sản, đầu tư đóng mới tàu cá, hỗ trợ thuế, bảo hiểm, và một số chính sách khác (hỗ trợ đào tạo ngư dân, duy tu bảo dưỡng tàu, cho vay vốn lưu động…), đặt ra mục tiêu đóng 2.284 tàu công suất 400 CV trở lên chủ yếu bằng vỏ thép, vật liệu mới và phân bổ số lượng cho các địa phương (gọi tắt là tàu 67).

Hiện đại hóa phương tiện nghề cá là hướng đi đúng và tất yếu để giúp cho việc nâng cao năng suất, sản lượng đánh bắt (đạt tới gần 3,5 triệu tấn hải sản khai thác biển năm rồi), đồng thời tạo điều kiện cho ngư dân hiện diện dài ngày trên biển, góp phần giữ gìn chủ quyền của Tổ quốc. Bằng nhiều nguồn khác nhau, vừa cải hoán và đóng mới, đến nay cả nước có được đội tàu xa bờ khoảng 31,5 ngàn chiếc với công suất lớn. Tuy nhiên, trong việc hiện đại hóa phương tiện cũng xuất hiện nhiều trở ngại, biến thành lực cản cho hành trình vươn khơi. Vì vậy, tại nghị trường Quốc hội mới đây đã có những phát biểu bày tỏ lo ngại về chủ trương cho vay đóng tàu 67,  khi nhiều tàu vỏ thép đang nằm bờ, nhiều tàu không bảo dưỡng, không đăng kiểm trở lại khi đến hạn, nợ xấu, nợ quá hạn gia tăng. Trước thực trạng đó, Đoàn Đại biểu Quốc hội đơn vị Quảng Nam đã đề nghị các bộ ngành liên quan làm rõ nguyên nhân và giải pháp để các ngân hàng thu được nợ, tránh trục lợi chính sách. Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng cho hay tổng dư nợ cho vay theo Nghị định 67/2014/NĐ-CP khoảng 10.500 tỷ đồng và nợ xấu hiện nay là 33%. Ngân hàng Nhà nước đã chỉ đạo các tổ chức tín dụng tiến hành các giải pháp như cơ cấu lại thời hạn trả nợ, ưu tiên tập trung thu nợ gốc trước và nợ lãi sau, thực hiện cơ chế hỗ trợ để chuyển đổi chủ tàu.

Chuyện nợ nần đáng lo, song vấn đề cần quan tâm hơn là hiệu quả sản xuất trên biển. Thực tế có rất nhiều chủ tàu 67 không đủ năng lực quản lý tàu lớn, việc vận hành thiết bị không tốt dẫn tới máy hỏng, trong “bạn biển” nhiều người không thông thuộc ngư trường, không đủ kinh nghiệm nghề nghiệp dẫn đến hiệu quả không cao. Như vậy, không chỉ cần những con tàu hiện đại mà còn cần nâng cao trình độ nhân lực, năng lực đánh bắt, khả năng bám biển dài ngày, thị trường chế biến và tiêu thụ,… nếu không đáp ứng các yếu tố đó thì khó mà bền vững. Muốn vươn ra khơi xa thì người từ bờ phải có tầm nhìn và quyết sách đúng cùng phương pháp thực thi hiệu quả. Thiển nghĩ, các bộ ngành chức năng và các địa phương phải rà soát lại quy hoạch phát triển tàu cá gắn với nguồn lợi thủy sản, các nhóm nghề và ngư trường khai thác, hướng dẫn ngư dân và các địa phương để tổ chức lại sản xuất, hoạt động khai thác một cách hiệu quả và bền vững hơn.

Dẫu biết “biển cho ta cá như lòng mẹ”, nhưng con người và phương tiện phải thực sự đủ mạnh mới làm chủ được nghề biển, giàu lên từ biển. Để có “câu hát căng buồm cùng gió khơi” thì phải đủ sức vươn khơi đã!

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Lực cản đoàn thuyền đánh cá
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO