Nằm trong chuỗi các hoạt động chào mừng kỷ niệm 60 năm kết nghĩa Thanh Hóa - Quảng Nam , chương trình nghệ thuật với chủ đề “Nghĩa nặng tình sâu” được xây dựng dựa trên kịch bản văn học của các tác giả Nguyễn Hoàng Bích - Thanh Thủy, do NSND Trần Xuân Thanh làm tổng đạo diễn… đã kịp ra mắt khán giả 2 tỉnh qua sóng truyền hình Quảng Nam và Thanh Hóa.
“Nghĩa nặng tình sâu” là một câu chuyện xuyên suốt về mối tình thủy chung son sắt giữa hai vùng đất xứ Quảng, xứ Thanh từ trong quá khứ đến hiện tại và khát vọng vươn mình phát triển trong tương lai…
Như một lời hiệu triệu, giục giã muôn vạn trái tim, tấm lòng đồng bào các dân tộc Quảng Nam và Thanh Hóa cùng hội tụ trong ngày vui trọn vẹn nghĩa tình 60 năm kết nghĩa. Màn trống hội mở đầu cho chương trình nghệ thuật với gần 30 chiếc trống cái, trống con cùng diễn viên các đoàn nghệ thuật đến từ hai địa phương… đã dẫn dắt người xem bắt đầu cảm nhận về một hành trình kết nối văn hóa - lịch sử - nghệ thuật mang bản sắc riêng hai vùng đất xứ Quảng, xứ Thanh. Sự phối hợp hài hòa giữa lời ca, điệu múa, ánh sáng, hình ảnh sân khấu và clip trên led theo ý đồ nghệ thuật xuyên suốt có lẽ là yếu tố chủ đạo hình thành nên chủ đề nghệ thuật trong “Nghĩa nặng tình sâu”.
Từ màn trống hội mở đầu cho đến hệ thống các ca khúc được sử dụng trong chương trình như: “Chiến sĩ Việt Nam”, “Bước chân trên dãy trường sơn”, “Nghĩa tình Thanh Hóa - Quảng Nam” hay “Những dũng sĩ Núi Thành” rồi “Chào sông Mã anh hùng”… đã cho người xem từng bước cảm nhận được bối cảnh lịch sử của sự hình thành mối tình thủy chung Thanh Hóa - Quảng Nam luôn nằm trong cái chung lớn lao của dân tộc ở cuộc chiến tranh vệ quốc đã qua.
Hẳn là vậy nên ngay từ những ngày đầu kháng chiến, trong rùng rùng những bước chân trên đường Trường Sơn hướng về miền Nam, đã có hàng vạn bàn chân của những người con Thanh Hóa vào chiến trường Quảng Nam. Hình tượng ấy được các nghệ sĩ, biên đạo múa Hồng Vân, Huyền Anh, Ngọc Huyền… thể hiện khá rõ trong vũ đạo trên sân khấu của từng nội dung tiết mục. Sự kết nối văn hóa - nghệ thuật giữa vùng đất xứ Quảng và xứ Thanh bên cạnh lời thuyết minh theo hệ thống hình ảnh màn hình led là những sắc màu rực rỡ của trang phục đồng bào các dân tộc hai tỉnh được xây dựng theo vũ đạo. Đây quả là màn trình diễn trang phục khá lộng lẫy, đưa người xem khám phá nét đẹp của các dân tộc anh em, thể hiện mối tình Thanh - Quảng không chỉ trong quá khứ mà trong sự kết nối văn hóa.
Hệ thống ca khúc sử dụng trong chương trình có sự đan xen hài hòa giữa Quảng Nam và Thanh Hóa. Nếu như Quảng Nam có “Người mẹ Quảng Nam” thì Thanh Hóa có “Về với xứ Thanh” là về quê hương Mẹ Tơm một thời oanh liệt, hay như ca khúc “Thanh Hóa vào xuân” ngợi ca nhân dân Thanh Hóa nô nức dựng xây với những công trình bừng lên sắc mới, hướng tới tương lai: “Nhìn về miền đông, lọc hóa dầu vào xuân; nhìn về miền tây, đường bay xanh cất cánh…” thì Quảng Nam lại bừng lên với ca khúc “Quảng Nam rạng rỡ tương lai” của nhạc sĩ Minh Châu” như dẫn dắt bước chân du khách về xứ Quảng trong câu hát: Bên dòng sông Thu, Hội An nét xưa mời gọi/ Theo anh về Quảng Nam/ Mỹ Sơn trầm tư dáng nắng/ Yêu lắm quê hương mãi ân tình…
Sự xuất hiện của các nghệ sĩ, ca sĩ là người con sinh ra trên quê hương Quảng Nam - Thanh Hóa đã khẳng định vị trí trong làng nghệ thuật, giải trí cả nước suốt nhiều năm qua cũng phần nào nói lên sự hội tụ, kết nối cái đẹp giữa hai miền đất. Đó là ca sĩ Trọng Tấn với “Bước chân trên dãy Trường Sơn”, ca sĩ Anh Dũng và Vy Thảo trong “Nghĩa tình Thanh Hóa - Quảng Nam”, Anh Thơ trong “Về với xứ Thanh” hay Thu Hương trong “Quảng Nam tình quê”…
Sáu mươi năm mối tình Thanh - Quảng được những người thực hiện chương trình nghệ thuật “Nghĩa nặng tình sâu” dẫn dắt từ trong quá khứ cho đến hiện tại bằng một sợi dây kết nối khá liền mạch. Ở đó có quá khứ hào hùng năm xưa, có hình ảnh những người mẹ, người vợ tiễn chồng, con vào chiến trận. Có biết bao công trình mọc lên trên hai vùng đất trong tiến trình dựng xây và phát triển. Và, ở đó còn có sự tiếp nối bằng tấm lòng, tình cảm, trách nhiệm gìn giữ của thế hệ trẻ hai địa phương như một khát vọng cho tương lai. Có lẽ vì thế mà màn kết thúc chương trình nghệ thuật có sự hội tụ đa sắc màu trên sân khấu, có sức trẻ trong khát vọng dựng xây quê hương hai miền Thanh - Quảng… được xem như một màn kết đẹp mang sức gợi mở của nghệ thuật đương đại.