"Luôn mong muốn sinh viên năng động hơn"

QUỐC TUẤN 26/04/2017 20:24

(QNO) - Đó là gửi gắm của GS. Ngô Bảo Châu - Giám đốc Viện Nghiên cứu cao cấp về Toán trong buổi gặp gỡ với giảng viên và sinh viên Đại học Duy Tân (Đà Nẵng) vào ngày 24.4.

Nhìn nhận hạn chế

Nhằm giúp sinh viên được tiếp cận, học hỏi kinh nghiệm từ những tấm gương thành công nhờ sự nỗ lực không ngừng nghỉ, Trường Đại học Duy Tân vừa mời đoàn công tác của Viện Nghiên cứu cao cấp về Toán (đang có chuyến làm việc tại TP.Đà Nẵng) thực hiện một chương trình giao lưu với GS. Ngô Bảo Châu và GS. Nguyễn Hữu Dư - Giám đốc điều hành của viện. Gần 500 giảng viên và sinh viên của trường tham dự chương trình. Sự háo hức và mong muốn được tiếp xúc với nhà khoa học từng giành Giải thưởng Fields danh giá đã khiến hội trường Đại học Duy Tân không còn chỗ trống, rất nhiều sinh viên phải đứng san sát trên các lối ra vào.

GS. Ngô Bảo Châu vừa có buổi giao lưu cùng giảng viên và sinh viên Đại học Duy Tân.
GS. Ngô Bảo Châu vừa có buổi giao lưu cùng giảng viên và sinh viên Đại học Duy Tân. Ảnh: QUỐC TUẤN

Trả lời câu hỏi đầu tiên về nhận định nền Toán học của Việt Nam đang chững lại của người dẫn chương trình trong buổi gặp gỡ, GS. Nguyễn Hữu Dư cho rằng, hiện tại nền Toán học Việt Nam vẫn đang phát triển mạnh khi đứng đầu Đông Nam Á, ngang ngửa với Hàn Quốc và chỉ thua một số ít quốc gia rất mạnh ở tầm châu lục như Nhật Bản…

Nhiều giảng viên và sinh viên có mặt tại hội trường có chung câu hỏi cho GS. Ngô Bảo Châu rằng, liệu phương pháp dạy môn Toán ở Việt Nam có thực sự đã phù hợp hoặc cách tiếp cận môn Toán của học sinh đã bài bản chưa? Giảng viên Nguyễn Thế Dương (Khoa Xây dựng) thắc mắc: “Tại Pháp người ta học lý thuyết về Toán rất sâu trong khi tại Việt Nam thời gian dành cho môn Toán không nhiều nên phần lớn kỹ sư sau khi ra trường không thể giải quyết các bài toán cao hơn tầm của mình được”? Đồng ý với nhận định của người hỏi, GS. Ngô Bảo Châu cho biết, những kỹ sư như chuyên gia cầu đường học ở Pháp cực kỳ giỏi Toán, thậm chí họ giỏi hơn cả những người học ở Mỹ và khối ngành kỹ thuật ở bậc đại học, nước ta cần tính toán kỹ lưỡng lại vấn đề này; đồng thời mong muốn sinh viên Việt Nam cần năng động hơn để có phương pháp học phù hợp.

Ngoài ra, GS. Ngô Bảo Châu cũng đề cập đến bất cập trong chức danh giáo sư ở nước ta khi đây phần lớn là chức danh danh dự, trong khi ở nước ngoài giáo sư có trách nhiệm nặng nề trong việc nghiên cứu, hướng dẫn sinh viên và là đầu tàu để quyết định uy tín của cơ sở giáo dục. Mang một nỗi lo thực tế hơn, GS-TS. Vũ Xuân Quang - Đại học Duy Tân nhận định rằng khó khăn của Đại học Duy Tân nói riêng và cả Đại học Đà Nẵng nói chung hiện nay là trình độ của các giảng viên dạy môn Toán chưa thực sự cao. GS-TS. Vũ Xuân Quang mong muốn các lãnh đạo của Viện Nghiên cứu cao cấp về Toán huy động tiềm lực Toán học để hỗ trợ cho các cơ sở giáo dục trên địa bàn TP.Đà Nẵng. Điều này đã được GS. Ngô Bảo Châu, GS. Nguyễn Hữu Dư ghi nhận và cam kết sẽ có những quan hệ hỗ trợ, hợp tác trong thời gian sớm nhất.

Xem xét lại cách hướng nghiệp

Một vấn đề cũng được mổ xẻ sâu sắc tại buổi giao lưu chính là thực trạng hướng nghiệp cho học sinh, sinh viên hiện nay. Nhắc đến câu chuyện hướng nghiệp, nhà khoa học từng giành Giải thưởng Fields chia sẻ rằng, ông có một người quen ở Quảng Ninh nhờ chuyển ngành cho một cậu con trai đang học đại học. Tuy nhiên khi ông hỏi kỹ ra thì người mẹ và chàng sinh viên này gần như mơ hồ về định nghĩa của cả ngành đang học và ngành muốn chuyển đến. Họ muốn chuyển đơn giản chỉ vì nghe lời chỉ dẫn của những người hàng xóm rằng học ngành đó sẽ không có tương lai.

GS. Ngô Bảo Châu ký tặng cho sinh viên Trường Đại học Duy Tân.
GS. Ngô Bảo Châu ký tặng cho sinh viên Trường Đại học Duy Tân. Ảnh: QUỐC TUẤN

“Bản thân tôi từng thi rớt lớp chuyên Toán vào năm lớp 6 và từ đó tôi mới bắt đầu say mê Toán một cách tột độ bởi cảm thấy bị tổn thương. Đôi khi với con người, thử thách càng khó thì người ta mới càng thích, để rồi khi vượt qua được rồi ta mới thấy thỏa mãn với chính mình” - GS. Ngô Bảo Châu chia sẻ

Theo GS. Ngô Bảo Châu, việc định hướng nghề nghiệp cho học sinh nên bắt đầu từ những năm cuối cấp THCS. Việc định hướng nghề nghiệp không nhất thiết phải “đao to búa lớn”, chỉ cần một vài người đi trước có kinh nghiệm, từng trải qua kiểu như những “câu lạc bộ hướng nghiệp cộng đồng” chia sẻ cho các em cũng đã giúp ích rất nhiều trong việc hướng nghiệp. Sắp tới đây, GS. Ngô Bảo Châu và những người bạn của mình cũng sẽ thành lập một câu lạc bộ hướng nghiệp như vậy.

Một bạn trẻ khác nêu lên thực trạng nhức nhối của giáo dục Việt Nam hiện nay là số cử nhân khi tốt nghiệp đại học ra trường bị thất nghiệp rất nhiều, trong khi cùng thời điểm những sinh viên trung cấp, cao đẳng lại tìm kiếm được một công việc phù hợp. GS. Ngô Bảo Châu chia sẻ với băn khoăn của những người trẻ và cho biết cách thông tin hướng nghiệp rõ ràng đang tồn tại vấn đề và bộc lộ hạn chế lớn. “Khá nhiều sinh viên đăng ký thi vào ngành đó, trường đó chỉ vì cái tên nghe rất kêu chứ các em và gia đình hầu như không chịu tìm hiểu hoặc không có điều kiện tìm hiểu các thông tin này” - GS. Ngô Bảo Châu nói.

Kết thúc chương trình, khi được hỏi về bí quyết vượt qua gian nan để đi tới thành công, GS. Ngô Bảo Châu khẳng định rằng chỉ có niềm say mê, ý chí mạnh mẽ để chống chọi lại sự cô đơn mới có thể giúp người ta vượt qua giới hạn.

QUỐC TUẤN

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
"Luôn mong muốn sinh viên năng động hơn"
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO