Mối lương duyên gắn bó hơn 400 năm giữa Nhật Bản với Hội An vẫn tiếp tục được vun đắp, tô bồi…
Sầm uất giao thương
Ông Nguyễn Văn Lanh - Trưởng phòng VH&TT Hội An cho biết: “Sự có mặt của người Nhật ở Hội An, đặc biệt với việc định cư lập phố buôn bán trong thời đại Shuinsen, không những kích thích sự phát triển nền kinh tế ở Hội An - Đàng Trong, với các nghề trồng dâu nuôi tằm, dệt lụa, khai thác và sơ chế lâm thổ sản mà còn góp phần làm cho mạng lưới giao thương mở rộng, kinh tế hàng hóa ở khu vực Hội An - Đàng Trong phát triển, phố thị Hội An - Faifo trở nên sầm uất với vai trò là một đô thị thương cảng quốc tế. Hơn nữa, dù chỉ gần một thế kỷ tồn tại (thế kỷ XVII) nhưng cho đến nay, thương nhân Nhật Bản đã để lại nhiều dấu ấn giao lưu văn hóa giá trị với vai trò là một thành phần trong cộng đồng cư dân Hội An ở thế kỷ XVII”.
Chùa Cầu hay cầu Nhật Bản - biểu tượng của Di sản văn hóa thế giới Hội An. Ảnh: Q.HẢI |
Có thể xác định, lịch sử giao lưu văn hóa Hội An và Nhật Bản đã diễn ra khá lâu. Vào cuối thế kỷ XVI, thương nhân Nhật Bản đã đặt chân đến Hội An. Đây là thời kỳ các chúa Nguyễn thực thi chính sách mở cửa ở Đàng Trong, thương cảng Hội An trở thành một “đặc khu kinh tế mở”. Trong khi đó, chính quyền Nhật Bản cũng cấp phép Châu Ấn cho các thuyền buôn xuất dương. Tại Hội An hình thành một khu vực cư trú của người Nhật với tên gọi “Nhật Bổn phố” hoặc “Nhật Bổn dinh” được ghi lại trong các tư liệu cổ là “hai dãy nhà san sát ước chừng 60 nóc”.
Một số thương nhân Nhật tại Hội An đã lấy vợ Việt. Tấm bia Phổ đà Sơn Linh Trung Phật ở động Hoa Nghiêm - Ngũ Hành Sơn ghi tên 16 người Nhật cúng tiền, trong đó có 5 gia đình Nhật - Việt ở Hội An. Nhiều người vợ Việt đã theo chồng về Nhật và mất ở Nhật. Để thắt chặt mối quan hệ, chúa Nguyễn Phúc Nguyên đã gả công chúa cho thương nhân Araki Sataro và cho phép ông mang họ của chúa là Nguyễn Đại Lang. Như vậy, cách đây hơn 400 năm, dưới những mái nhà Nhật ở phố cổ Hội An đã diễn ra sự tiếp xúc, ảnh hưởng qua lại giữa hai lối sống, hai phong cách ứng xử Việt Nam - Nhật Bản.
Ông Trần Văn An – Phó Giám đốc Trung tâm Quản lý bảo tồn di sản văn hóa Hội An, cho biết: “Tại Hội An còn lưu lại rất nhiều dấu tích của quá trình giao lưu này. Ngoài cầu Nhật Bản, còn gọi là Chùa Cầu, tại Hội An hiện tồn 3 ngôi mộ cổ người Nhật, là 3 thương nhân mất vào thế kỷ XVII. Bên cạnh đó, dấu tích vật chất phản ánh quan hệ hữu nghị giữa 2 nước là đồ gốm sứ”.
Chứng tích của mối hữu hảo
Qua khảo cổ, giới nghiên cứu tìm thấy nhiều mảnh vỡ của các lọ cắm hoa, bình đựng rượu, chân đèn... là gốm sứ Hizen xuất đi từ miền Arita - Nhật Bản. Ngược lại, trong danh mục gốm sứ Việt Nam tìm thấy ở Nhật có một vài loại mang dáng dấp gốm Thanh Hà - Hội An. Một số lượng lớn tiền đồng Nhật Bản thời Khoang Vĩnh - thế kỷ VXII cũng được tìm thấy ở Hội An chứng tỏ sự phát triển mạnh mẽ của quan hệ giao lưu kinh tế, văn hóa thời bấy giờ. Ông Kadoya Shichirobe, người từng tham gia buôn bán tại Hội An cho biết: “Trong sinh hoạt văn hóa tinh thần, sự gần gũi về tín ngưỡng của Hội An và Nhật Bản còn thể hiện rõ nét qua việc thờ Quan Thế Âm để cầu mong sự yên ổn khi đi lại trên biển; những truyền thuyết, tên gọi dân gian kèm theo thói quen phân biệt chúng với những đối tượng cùng loại đã phản ánh thực tế về sự nhập cư của người Nhật và những sinh hoạt văn hóa của người Nhật tại Hội An”.
Như vậy, dù đã trải qua 400 năm, những dấu tích về quá trình giao lưu Việt - Nhật vẫn còn được bảo lưu tại Hội An, góp phần minh chứng cho sự phát triển mạnh mẽ của Hội An trong quá khứ, đặc biệt là hoạt động giao lưu - hội nhập văn hóa. Hiện các nhà nghiên cứu của Việt Nam và Nhật Bản đang nỗ lực phát huy hơn nữa mối quan hệ này, tiếp tục tham gia trùng tu, bảo tồn quần thể kiến trúc đô thị cổ Hội An và tìm kiếm “những hậu duệ của gia đình Việt - Nhật có còn tại Hội An hay không ?”…
Trong “Những ngày giao lưu văn hóa Việt Nam - Nhật Bản lần thứ X - năm 2012”, ngài Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam - Yamazaki Tanizaki, cho biết: “Nói đến TP.Hội An, chúng ta đều biết cách đây hơn 400 năm các thương thuyền của Nhật Bản đã đến thương cảng Hội An, các thương nhân Nhật Bản đã lập nên “Phố người Nhật” tại đây. Tôi được biết lúc nhiều nhất đã có trên một nghìn người Nhật sinh sống tại Hội An. Mối lương duyên gắn bó hơn 400 năm giữa Nhật Bản và Hội An đã được tiếp tục với việc Lễ hội Nhật Bản tại Hội An được tổ chức đều đặn mỗi năm kể từ năm 2003”.
Còn ông Lê Văn Giảng - Chủ tịch UBND TP.Hội An khẳng định: “Cùng hướng đến việc phát huy mối quan hệ truyền thống hơn 400 năm, sự kiện giao lưu văn hóa Hội An - Nhật Bản thường niên càng góp phần thắt chặt hơn tình đoàn kết hữu nghị giữa hai đất nước và được phát huy sâu sắc hơn nữa trong những năm tiếp theo, hướng đến kỷ niệm 40 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Nhật Bản (1973-2013).
Quốc Hải