Hôm qua 24.2, UBND tỉnh tổ chức hội nghị tổng kết 5 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM) và triển khai nhiệm vụ giai đoạn 2016 - 2020. Đến dự và phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Ngọc Quang nhấn mạnh, để tạo cú hích trên tiến trình xây dựng NTM giai đoạn 2016 - 2020, thời gian tới, cả hệ thống chính trị phải tiếp tục chú trọng công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của đội ngũ cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân. Tổ chức rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch xây dựng, quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch sản xuất cho phù hợp với tình hình thực tiễn, đảm bảo liên kết vùng và các quy hoạch chuyên ngành khác, trong đó quy hoạch sản xuất nông nghiệp được điều chỉnh cho phù hợp với yêu cầu tái cơ cấu ngành.
Hưởng ứng phong trào xây dựng nông thôn mới, những năm qua, nhân dân toàn tỉnh tích cực bê tông hóa giao thông nông thôn. Ảnh: V.SỰ |
Tăng thu nhập, giảm hộ nghèo
“Căn cứ định hướng trong quy hoạch xã NTM, các địa phương phải lựa chọn, ưu tiên xây dựng những công trình cơ sở hạ tầng thiết yếu phục vụ sản xuất và đời sống dân sinh, nhất là giao thông, thủy lợi. Đặc biệt, bố trí, sử dụng các nguồn vốn một cách linh hoạt và hiệu quả nhất”. (Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Văn Thu) |
Trao đổi với phóng viên Báo Quảng Nam bên lề hội nghị, ông Văn Bá Năm - Trưởng phòng NN&PTNT Duy Xuyên cho biết, thu nhập và hộ nghèo được xem là 2 tiêu chí quan trọng nhất trong bộ 19 tiêu chí, cũng là cái đích hướng đến trên tiến trình xây dựng NTM. Bởi, nếu xây dựng NTM mà cuộc sống người dân không thay đổi thì chẳng có ích gì. Ông Năm nói: “Thời gian qua chúng tôi thường xuyên hỗ trợ người dân trong phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững như tập trung dồn điền đổi thửa gắn với xây dựng mô hình cánh đồng mẫu lớn, thủy lợi hóa đất màu để hình thành những vùng chuyên canh cây trồng cạn theo phương thức hàng hóa. Cạnh đó, chú trọng công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho lao động nông thôn. Nhờ vậy, đến cuối năm 2015, cả 4 xã điểm gồm Duy Hòa, Duy Trinh, Duy Sơn, Duy Phước đều về đích đúng hẹn. Thu nhập bình quân đầu người ở những địa phương này đạt 24 triệu đồng/năm, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn dưới 4%”.
Ông Lê Muộn - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cho hay, 5 năm qua nhiều địa phương khác cũng có những cách làm hay nhằm từng bước tăng thu nhập cho người dân. Theo thống kê, từ năm 2011 đến nay toàn tỉnh đã dồn điền đổi thửa được hơn 6.000ha đất lúa, nâng tổng diện tích hoàn thành khâu này lên 17.877ha. Đồng thời liên kết với hàng loạt doanh nghiệp tổ chức sản xuất lúa giống và nếp hàng hóa, góp phần giúp nhà nông tăng giá trị kinh tế từ 1,2 đến 1,5 lần so với canh tác lúa thương phẩm. Nhờ sự tiếp sức từ ngân sách tỉnh, các hợp tác xã và nông dân có điều kiện đầu tư mua sắm nhiều loại máy móc phục vụ sản xuất, đẩy nhanh tỷ lệ cơ giới hóa khâu làm đất và thu hoạch 61 - 65% vào cuối năm 2011 tăng lên 80 - 86% hiện nay.
Từ năm 2011 đến nay các địa phương trong tỉnh đã bê tông hóa hơn 1.552km giao thông nông thôn với tổng kinh phí hơn 1.000 tỷ đồng, và đến cuối năm 2015 đã có 78 xã hoàn thành tiêu chí này. Cả tỉnh có 87 xã đạt tiêu chí trường học (chiếm 42,65%); 119 xã đạt tiêu chí y tế (58,3%); 57 xã đạt tiêu chí cơ sở vật chất văn hóa (27,94%); 100 xã đạt tiêu chí văn hóa (49%); 75,8% số xã có điểm thu gom rác… |
Thời gian qua, các đơn vị liên quan cũng triển khai hiệu quả nhiều chương trình, dự án như phát triển chăn nuôi an toàn dịch bệnh, duy trì và phát triển những làng nghề tiểu thủ công nghiệp. Cùng với đó, các huyện, thị xã, thành phố đều phê duyệt đề án phát triển sản xuất, thể hiện rõ quy mô của từng loại cây, con trên từng vùng cụ thể gắn với ứng dụng tiến bộ kỹ thuật và liên kết với một số doanh nghiệp nhằm đảm bảo tiêu thụ sản phẩm một cách bền vững. Đặc biệt, đã đào tạo nghề cho 31 nghìn lượt người, tạo mọi điều kiện thu hút doanh nghiệp đầu tư vào địa bàn, giải quyết bài toán về việc làm cho lao động nông thôn.
Với những hướng đi đó, thu nhập bình quân đầu người ở khu vực nông thôn của tỉnh tăng hàng năm, đến năm 2015 đạt 21,1 triệu đồng, tăng gần 11 triệu đồng so với cách đây 5 năm. Hiện nay, có 83 xã trên toàn tỉnh đã hoàn thành tiêu chí thu nhập, tăng 70 xã so với năm 2010. Tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh từ 24,2% năm 2010 giảm xuống còn dưới 9% vào cuối năm 2015; đã có 88 xã hoàn thành tiêu chí hộ nghèo, trong khi đó năm 2010 chỉ có 1 xã đạt tiêu chí này.
Tìm giải pháp đột phá
Theo ông Lê Muộn, việc triển khai Chương trình xây dựng NTM 5 năm qua đã đem lại những lợi ích to lớn và thiết thực. Song, quá trình thực hiện cũng đã bộc lộ rất nhiều hạn chế, khó khăn, thách thức. “Công tác thông tin tuyên truyền của các cấp, ngành chưa được thường xuyên, rộng khắp, nội dung chưa phong phú. Vai trò chủ thể của người dân chưa được phát huy cao độ, một số nơi còn biểu hiện tư tưởng trông chờ, ỷ lại. Đặc biệt, các xã tập trung cao cho việc xây dựng cơ sở hạ tầng nhưng nội dung về phát triển sản xuất gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp, xây dựng đời sống văn hóa chưa được quan tâm đúng mức, thiếu sự tập trung và ưu tiên hỗ trợ vốn phát triển sản xuất cho hộ nghèo” - ông Muộn nói.
Toàn tỉnh đã hình thành hàng nghìn mô hình canh tác theo phương thức tập trung. |
Còn ông Nguyễn Văn Thanh - Phó Giám đốc Sở Kế hoạch - đầu tư cho rằng, giai đoạn 2011 - 2015 việc huy động các nguồn vốn đầu tư cho Chương trình xây dựng NTM chưa đảm bảo cơ cấu theo quy định tại Quyết định số 800 của Thủ tướng Chính phủ. Theo đó, vốn hỗ trợ trực tiếp cho chương trình mới đạt 8% so với mục tiêu là 17%; vốn huy động từ các doanh nghiệp, hợp tác xã rất thấp, chỉ 1,6% so với mục tiêu 20%; vốn huy động đóng góp của cộng đồng dân cư cũng chưa cao, mới đạt 5,4% so với yêu cầu là 10%. Cơ chế lồng ghép các nguồn lực từ những chương trình, dự án khác chưa rõ ràng và việc triển khai trên thực tế hết sức khó khăn. Nguyên nhân là mỗi chương trình mục tiêu quốc gia, chương trình hỗ trợ có mục tiêu đều có cơ chế quản lý, giải ngân khác nhau nên rất khó lập kế hoạch lồng ghép vốn vào chương trình NTM…
Trong khi đó, nhiều ý kiến cho rằng, trên lĩnh vực kinh tế nông nghiệp, các huyện, thị xã, thành phố thuộc khu vực đồng bằng cần đẩy mạnh khâu dồn điền đổi thửa gắn với quy hoạch sản xuất theo phương thức hàng hóa, bảo đảm tính bền vững. Đồng thời chuyển dịch mạnh mẽ cơ cấu nội bộ ngành theo hướng tăng tỷ trọng chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản. Các địa phương cần xây dựng những mô hình tích tụ, tập trung ruộng đất để hình thành nên các cánh đồng mẫu lớn và vùng sản xuất chuyên canh tập trung gắn với việc liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản. Đối với các huyện miền núi, thực hiện tốt vấn đề giao đất, giao rừng, khoán quản lý bảo vệ rừng để phát triển kinh tế lâm nghiệp một cách hiệu quả nhất. Mặt khác, tập trung rà soát lại quy hoạch bố trí dân cư gắn với phát triển sản xuất cho phù hợp với từng thôn, bản, điểm dân cư để thuận lợi cho đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng. Ngoài ra, mỗi xã phải xác định ít nhất một sản phẩm chủ lực, có ưu thế ở địa phương để phát triển sản xuất hàng hóa, trước mắt tập trung vào những ngành hàng mà địa phương đang làm, có lợi thế cạnh tranh và thị trường tiêu thụ ổn định. Chính quyền các địa phương phải tạo mọi điều kiện khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp - nông thôn...
Qua 5 năm xây dựng NTM, Quảng Nam đã huy động gần 16.919 tỷ đồng hỗ trợ phát triển sản xuất, đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng. Trong đó, ngân sách nhà nước chiếm 31%, vốn tín dụng 62%, vốn nhân dân đóng góp 5,4%, vốn huy động từ doanh nghiệp và hợp tác xã 1,6%. Theo mục tiêu đặt ra, trong tổng số 204 xã trên toàn tỉnh, đến năm 2020 có hơn 50% số xã đạt chuẩn NTM, tỷ lệ này hiện nay là 25,98%. Bình quân đạt chuẩn 14 - 15 tiêu chí/xã, không còn xã dưới 8 tiêu chí, không còn huyện không có xã đạt chuẩn NTM. Thu nhập bình quân đầu người tăng 1,5 lần so với năm 2015, tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân 2 - 2,5%/năm. Phấn đấu có thêm 1 huyện đạt chuẩn huyện NTM và 1 thành phố hoàn thành nhiệm vụ xây dựng chương trình này. Riêng năm 2016 phấn đấu có thêm 10 - 11 xã đạt chuẩn NTM. Dự kiến, giai đoạn 2016 - 2020 tỉnh sẽ huy động 19.850 tỷ đồng cho chương trình xây dựng NTM. Dịp này, thị xã Điện Bàn được Thủ tướng Chính phủ tặng Cờ thi đua xuất sắc; 12 tập thể, 5 cá nhân cũng được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen. UBND tỉnh tặng Cờ thi đua xuất sắc cho các huyện Phú Ninh, Tiên Phước; tặng bằng khen cho 38 tập thể, 46 cá nhân vì đã có nhiều thành tích trong phong trào thi đua “Chung sức xây dựng NTM”. |
NGUYỄN SỰ