Lưu dấu làng xưa

PHƯƠNG GIANG - NGUYÊN ĐOAN 19/01/2013 08:53

Ngôi đình cổ trầm mặc ghi dấu gần 500 lịch sử mở đất lập làng ở thôn 4 xã Quế Bình (Hiệp Đức), dù địa giới hành chính đã nhiều lần thay đổi…
Mở đất

Đình làng Phước Sơn nằm sát quốc lộ 14E, cách thị trấn Tân An khoảng 14km về hướng tây nam. Đây là ngôi đình ghi dấu lịch sử của làng từ buổi đầu mở đất. Theo tài liệu do các cụ cao niên trong làng sưu tầm và cung cấp, hồi đầu thế kỷ XVIII, làn sóng di cư lập nghiệp của người dân các huyện lân cận như Điện Bàn, Duy Xuyên, Hòa Vang, Đại Lộc ngược sông Thu Bồn lên thượng nguồn khá đông, sau đó tụ họp mở đất lập làng với tên gọi làng Phước Sơn, làng Bà Xá, làng Bà Miên… Riêng làng Phước Sơn, theo tư liệu xưa làng được lập từ ông Nguyễn Phủ Quân. Trước đó, ông Nguyễn Phủ (quê Hải Phòng) vào Duy Xuyên lập nghiệp năm 1509, sinh con là Nguyễn Phủ Quân. Đến năm 1561, ông Nguyễn Phủ Quân theo đường thủy ngược sông Thu Bồn đến làng Phước Sơn khai cơ lập nghiệp, trở thành tiền hiền của làng Phước Sơn.

Đình làng Phước Sơn.
Đình làng Phước Sơn.

Ông Mậu Xuân Châu (73 tuổi, ở thôn 4 xã Quế Bình), một trong những vị cao niên đứng ra tổ chức lễ hội làng Phước Sơn hằng năm, kể: Khu vực thượng nguồn nơi mới lập làng Phước Sơn và các làng khác khi đó có lượng dân cư tương đối đông, chia làm 4 “phường” rõ rệt là “nguồn, làng, ban, vạn”. “Nguồn” là người Thượng vốn sinh sống lâu đời, “làng” là những người đầu tiên lên mở đất lập nghiệp, “ban” là chỉ những thương nhân người Hoa theo đường thủy từ Hội An lên buôn bán, còn “vạn” là dân thương lái chuyên làm nghề vận tải đường thủy sống trên sông nước. Ảnh hưởng đôi chút từ việc bái lễ cúng tế, dựng Hội quán của người Hoa nên người dân địa phương đã lập đình làng và thờ cúng đến bây giờ...

Chứng tích cụ thể và xác thực nhất về sự hình thành của đình làng Phước Sơn là 7 tấm bia đá được lưu giữ ở đình làng. Ngoại trừ một bia đá đã quá mòn không còn đọc được chữ, 6 bia đá còn lại đều ghi chi tiết năm xây dựng, năm trùng tu cùng danh sách, số tiền đóng góp của dân làng trong từng năm. Trong số 6 bia đá này, bia đá cũ nhất ghi lại thời điểm dựng lập là năm 1740, dưới thời vua Cảnh Hưng nhà Lê. Sau đó, đình làng còn trải qua 5 lần trùng tu vào các thời điểm: năm thứ 13 đời vua Gia Long, năm thứ 19 đời vua Minh Mạng, năm thứ 22 và 33 đời vua Tự Đức, lần cuối khoảng năm 1916-1925 thời vua Khải Định. Ngoài ra, còn nhiều di tích rải rác liên quan đến quá trình mở đất lập làng của người xưa tồn tại đến ngày nay như miếu Vạn gần cửa sông Trường, miếu Nguồn (thôn Bà Xá, xã Phước Hiệp), chùa Phước Kiến, chùa Quảng Đông của người Hoa…

Những tấm bia đá ghi lại lịch sử xây dựng, trùng tu của đình làng.  Ảnh:  PHƯƠNG GIANG
Những tấm bia đá ghi lại lịch sử xây dựng, trùng tu của đình làng. Ảnh: PHƯƠNG GIANG

Làng Phước Sơn, trong đó có đình làng cổ này, là nơi ghi lại nhiều chứng tích lịch sử. Theo tài liệu về lịch sử ngôi làng của người dân địa phương, nơi đây từng là căn cứ kháng Pháp của cụ Nguyễn Duy Hiệu và cụ Phan Bá Phiến (Nghĩa hội Quảng Nam). Trong các cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ, làng Phước Sơn là nơi hình thành nhiều lực lượng kháng chiến như lò rèn ông Phạm Gạo cung cấp vũ khí cho nghĩa quân kháng Pháp. Đình làng Phước Sơn cũng trở thành nơi mở lớp bình dân học vụ cho nhân dân, có cơ sở nuôi giấu cách mạng tại nhà ông Lê Âm, là khu vực hoạt động của Khu ủy khu V…

Hội làng

Lễ hội đã trở thành một phần không thể thiếu trong đời sống của người dân làng Phước Sơn. Lễ hội Vạn thuyền vào mùng 10 tháng 2 âm lịch theo truyền thống của người dân phường “Vạn” còn được giữ đến ngày nay. Từ buổi đầu lập đất, làng Phước Sơn đã trở thành điểm giao thương hàng hóa giữa miền xuôi, miền ngược với đội ngũ vạn thuyền tương đối sôi động. Chợ vạn Phước Sơn (dân địa phương gọi là Thổ bà Di) thời điểm đó có nhiều đoàn thương thuyền lớn chuyên vận tải hàng hóa, đặc sản từ vùng thượng xuôi về Hội An, sau đó chở mắm muối, rượu, vải lên miền ngược để trao đổi. Trong đó, có đội thương thuyền vạn Phước Sơn của các ông Huỳnh Tý (Trùm Quế), Phạm Kiểm, Phạm Dân (Trùm Dân). Sản vật được trao đổi, vận chuyển chủ yếu là mật ong, quế, mây tre… Toàn bộ đội thuyền khi đó có khoảng 25 - 30 chiếc với trọng tải lớn, có thể chuyên chở 2 - 5 tấn hàng mỗi chuyến. Đến khi thương cảng Hội An không còn sầm uất, hoạt động giao thương buôn bán cũng dần đình trệ, “phường vạn” bắt đầu lên bờ để mưu sinh, chuyển nghề, nhưng những thế hệ cháu con cùng một bộ phận người dân bám sông nước vẫn giữ gìn lễ hội như một sự tri ân, ghi nhớ công lao của các thế hệ cha ông gầy dựng cơ nghiệp.

Nhưng lễ hội lớn nhất ở làng Phước Sơn vẫn là nghi thức tế lễ tổ chức ngay tại đình làng và phần hội kéo dài suốt 15 ngày đêm vào dịp rằm tháng giêng. Trong đó, nghi lễ cúng tế gồm 2 phần với phần lễ được tổ chức ngay tại sân đình. Đình làng được quét dọn, trang hoàng lộng lẫy, dân làng đóng góp bày biện cỗ cúng thịnh soạn. Các cụ cao niên trong làng được giao trọng trách tế lễ. Trong phần lễ có hẳn một đội lễ với phục trang chỉnh tề, thực hiện các nghi thức theo nhịp trống chiêng. Sau phần lễ là phần hội với nhiều hoạt động như đua thuyền, hát bội… Ngày xưa, phần hội của làng kéo dài đến cuối tháng, tức là suốt 15 ngày đêm kể từ ngày rằm với nhiều trò chơi dân gian, hội đua thuyền, thi ca hát, đặc biệt là chương trình hát bội diễn ra mỗi đêm. Ngày nay, phần hội được giản lược với các trò chơi dân gian phổ biến như đẩy gậy, kéo co, nhảy bao bố…, cũng được xem là sân chơi bổ ích cho người dân vui xuân, góp phần thắt chặt tình làng nghĩa xóm.

Trải qua nhiều thế hệ, cứ đến dịp hội làng hằng năm nhiều người đi làm ăn xa lại hẹn nhau về dự, báo ơn tổ tiên đã có công gầy dựng làng. Dù địa giới hành chính mang tên thôn 4 xã Quế Bình, nhưng cổng vào đình làng vẫn trang trọng khắc tên “Làng Phước Sơn” như niềm tự hào về truyền thống của một ngôi làng hàng trăm năm tuổi.

PHƯƠNG GIANG - NGUYÊN ĐOAN

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Lưu dấu làng xưa
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO