Lưu giữ nét văn hóa tuồng cổ

THIÊN THU 07/01/2017 15:45

(QNO) - Liên hoan nghệ thuật tuồng - dân ca vừa diễn tại Nông Sơn là dịp để các diễn viên “cây nhà lá vườn” biểu diễn các vở tuồng cổ, hướng tới xây dựng thành một sản phẩm phục vụ cho công tác du lịch.

Liên hoan có sự tham gia của gần 60 diễn viên không chuyên đến từ 7 đơn vị nghệ thuật sân khấu truyền thống, gồm 13 vở diễn, trong đó có 6 vở tuồng và 7 vở dân ca kịch. Các vở diễn ca ngợi những tấm gương tận trung báo quốc, xả thân vì đại nghĩa; những bài học về lẽ ứng xử của con người giữa cái chung và cái riêng, giữa gia đình và Tổ quốc; ca ngợi sự đổi mới của quê hương, đất nước; những truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam.

Một tác phẩm dự thi.
Một vở diễn tại liên hoan. Ảnh: THIÊN THU

Gia đình cụ ông Hồ Ngọc Tranh (72 tuổi) có 3 thế hệ tham gia hát tuồng, dân ca. Đại diện cho Hội Người cao tuổi xã Quế Phước, đến với liên hoan lần này cụ Tranh vẫn toát lên sự tinh anh, nhanh nhẹn trong đôi mắt lẫn giọng nói khi đóng vai Châu Tuấn trong vở “Thoại Khanh - Châu Tuấn”. “Cái duyên hát bội đến với tôi khá sớm, từ khi lên 9, lên 10 tuổi. Tôi học hát bội không qua trường lớp nào cả, chủ yếu là đi theo những nghệ sĩ tên tuổi, rồi nghe, học lỏm hát theo. Cứ thế, nghệ thuật tuồng ngấm dần trong tôi như một đam mê không thể nào trút bỏ” - cụ Tranh chia sẻ.

Trong khi đó đội tuồng của Câu lạc bộ xã Quế Lộc với sự diễn xuất của các diễn viên gạo cội như Phan Minh Hai, Nguyễn Thị Thu Thủy đã giành giải nhất. Diễn viên Phan Minh Hai vừa đạo diễn vừa thủ vai Triệu Khải trong trích đoạn “Tống Vương túy tửu trảm Triệu Khải” cũng giành giải cá nhân xuất sắc tại liên hoan. Ông Phan Minh Hai nói: “Từ nhỏ tôi may mắn được người cậu và thầy Hoàng Châu Ký chỉ dạy từ vũ đạo, làn điệu, cách lấy hơi… rồi đi lưu diễn khắp nơi để phục vụ nhân dân. Đã tham gia hát tuồng phải đảm bảo đúng quy chuẩn “nhất thanh nhì sắc”, sau đó mới đến vóc dáng và điệu bộ. Diễn tuồng khó nhất là ở ý tứ, ngôn ngữ cơ thể và hành động phải ăn khớp, phù hợp, như vậy khán giả mới không thấy sự vô duyên, nhàm chán của người diễn viên”.

Theo đánh giá của Ban giám khảo, dù là nghệ thuật tuồng hay dân ca kịch, các tác phẩm dự thi đều theo kết cấu tự sự hoặc thắt nút, cao trào; nhiều vở diễn có tính sáng tạo, diễn viên hóa thân hoàn toàn vào nhân vật. Vì vậy, hầu hết các vở diễn đạt chất lượng, mang đậm tính nhân văn, tính thời sự, phản ánh đặc trưng của hai loại hình nghệ thuật truyền thống. Tuy nhiên, vẫn còn bộc lộ một số hạn chế như chưa linh hoạt trên sân khấu, điệu bộ không khớp, yếu về hình tượng, tính cách nhân vật; đa phần kịch bản mang kết cấu tự sự nhưng mờ nhạt về tự sự truyền thống…

Ông Nguyễn Hoàng Chương - Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Nông Sơn, Trưởng ban Đại diện Hội Người cao tuổi huyện nhìn nhận, để có được sân chơi bổ ích này là sự nỗ lực rất lớn từ phía Ban tổ chức như vận động kinh phí, kết nối các diễn viên cũng như sự đồng lòng, dốc sức, vào cuộc mạnh mẽ của các cấp chính quyền. “Khó khăn lớn nhất của huyện Nông Sơn là nguồn kinh phí hạn hẹp, lực lượng diễn viên bận bịu việc gia đình, không được bồi dưỡng, đào tạo bài bản, chưa có dàn nhạc tuồng cũng như người đánh nhạc tuồng. Vì thế mỗi lần tổ chức liên hoan, chúng tôi phải mời nghệ sĩ đến từ các địa phương khác” - ông Chương nói.

Ông Nguyễn Thanh Anh - Trưởng phòng VH-TT huyện Nông Sơn, Trưởng ban Tổ chức liên hoan cho biết, đây là lần thứ 4 Phòng VH-TT phối hợp với Trung tâm VH-TT và Hội Người cao tuổi huyện tổ chức liên hoan nghệ thuật tuồng, dân ca. Qua đó, khơi dậy lòng yêu nghệ thuật truyền thống dân gian, đồng thời phát hiện, bồi dưỡng nhân tài để duy trì phong trào của các câu lạc bộ tuồng, dân ca trên địa bàn. Đều đặn 2 năm sẽ tổ chức một lần nhằm gìn giữ và phát huy giá trị di sản văn hóa địa phương, tạo tiền đề để xây dựng thành một sản phẩm phục vụ cho công tác du lịch.

THIÊN THU

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Lưu giữ nét văn hóa tuồng cổ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO