Đối với nhiều bạn trẻ, Hội An chính là lớp học tiếng Anh miễn phí. Thế nên, có rất nhiều bạn về đây làm đủ mọi nghề chỉ để rèn ngoại ngữ…
VỪA học xong đại học, bạn Trần Thị Thu Hiền, sinh viên Đại học Đà Nẵng, chưa xin đi làm công việc theo chuyên môn mà về Hội An làm bồi bàn. “Một lần đến đây tham quan, thấy nhiều người chèo đò trò chuyện với khách Tây nói như “gió” trong khi mình không thể nói được mà “tự ái”. Trên giảng đường đại học số tín chỉ học tiếng Anh lại quá ít, dù đi học thêm nhưng vẫn không giao tiếp được nên vừa ra trường là mình về đây học liền” - Hiền nói.
Phan Thị Trúc Lý trao đổi với du khách tại tiệm ăn chị đang làm ở đường Bạch Đằng. Ảnh: H.Y |
Tương tự, Phan Thị Trúc Lý cũng đang là nhân viên phục vụ bàn cho một nhà hàng ở đường Bạch Đằng cho biết, thi năm đầu đại học chưa đậu bạn quyết định vừa đi làm thêm để học tiếng Anh vừa ôn thi lại. Hằng ngày, buổi sáng Lý ở nhà ôn thi còn buổi chiều tối thì lại đi làm bồi bàn để thực hành tiếng Anh giao tiếp. Lý chia sẻ: “Ở đây từ người bán hàng rong đến nhân viên nhà hàng không ai không nói được tiếng Anh, cả những người không biết chữ vẫn nói được. Môi trường giao tiếp ở đây đi đâu cũng “đụng” tiếng Anh, mình học như thế này thì sau này sẽ giúp ích cho việc học tập và tự tin trong giao tiếp”. Lý kể ban đầu khi làm nhà hàng mình dùng “ngôn ngữ tay” nhiều hơn và thường phải nhờ quản lý và các đồng nghiệp giải thích nhiều câu không hiểu. Đến nay, Lý đã có thể hoàn toàn chủ động trao đổi với du khách bằng tiếng Anh về các vấn đề ẩm thực.
Lúc mới vào Hội An, Hiền chọn làm ở khu ẩm thực đêm vì khi ấy vốn từ tiếng Anh còn yếu. Ban ngày Hiền đi học thêm ở lớp, thời gian còn lại ôn từ vựng, đến tối vừa bán hàng vừa thực hành. Nhưng sau, do muốn được nói chuyện với khách nước ngoài nhiều hơn nên Hiền lại chuyển qua một nhà hàng ăn uống ở đường Bạch Đằng bán cả ngày lẫn đêm. Đến khi tự tin hơn về khả năng nói thì Hiền “ra riêng” phụ trách nguyên một cửa hàng đèn lồng. Ở đây, từ việc mời khách, ra giá và ghi chép hóa đơn… tất cả bắt buộc đều phải dùng tiếng Anh. Hiền cho biết nhờ cách trò chuyện mà mình vẫn giữ mối liên lạc thường xuyên qua mail với một số du khách từng đến Hội An tham quan.
Anh Nguyễn Khoa Vũ, quản lý nhà hàng Citronella ngay cạnh Chùa Cầu, cho biết thường xuyên nhận các sinh viên có nhu cầu học tiếng Anh vào làm việc. Theo anh Vũ, ngoài lý do chi phí trả lương không cao như các nhân viên làm việc toàn thời gian ra, các nhân viên này rất chịu khó thực hành tiếng Anh và trò chuyện du khách. Thêm nữa, du khách nước ngoài rất thích tìm hiểu văn hóa bản địa và học một đôi câu tiếng Việt giao tiếp. Do đó, đối tượng có trình độ như các sinh viên mới ra trường rất thích hợp. Bà Đinh Thị Thu Thủy, Trưởng phòng Thương mại - du lịch TP.Hội An, cho biết, hiện nay tại Hội An hiện có nhiều nơi dạy Anh văn giao tiếp không cấp bằng nhưng vẫn rất đông người theo học, trong đó có rất nhiều sinh viên mới ra trường ở các địa phương khác. Sở dĩ có nhiều người đi học không cần lấy bằng là vì họ có nhu cầu thực sự, hướng tới việc học để giao tiếp với du khách.
HOÀNG YÊN