(QNO) - Hàng chục tàu thuyền của ngư dân Hội An, Duy Xuyên, Thăng Bình với trang bị mỗi chuyến ra khơi từ vài chục đến hàng trăm triệu đồng nhiều ngày qua không thể ra khơi do mắc cạn ngay tại Cửa Đại (Hội An). Vì sinh kế nên ngư dân các địa phương phía bắc của tỉnh tính tới phương án di chuyển phương tiện vào neo đậu gần cửa biển An Hòa (Núi Thành) để thuận tiện ra khơi. Nhưng ngay cả phương án ấy cũng khó khả thi.
Nhiều tàu thuyền cùng mắc cạn
Chúng tôi được các ngư dân thôn Tân An (xã Bình Minh, Thăng Bình) đưa lên tàu cá để thực địa quanh khu vực cửa biển Cửa Đại dài chừng 1km vào chiều ngày 16.2. Phóng tầm nhìn trong phạm vi 1km2, chúng tôi thấy hàng chục tàu cá bị mắc cạn ngay cửa biển. Tàu cá QNa-94419 không thể di chuyển vì nước biển quá cạn. Sau tiếng đầy nỗ lực thì con tàu bị “trồng đứng” vì mắc cạn.
Ngư dân thẫn thờ vì tàu cá mắc cạn ở Cửa Đại không thể ra khơi. Ảnh: VIỆT VINH |
Thuyền trưởng Đặng Văn Bảy (thôn Tân An, xã Bình Minh) nóng ran khuôn mặt, đôi tay lia lịa rẽ trái, ngoặt phải trên lái tàu mà con tàu thì vẫn không hề nhúc nhích. Trên tàu có cả thảy 7 người đi “bạn”, 1 người chạy vội lên mũi tàu đứng làm vị trí, định hướng cho thuyền trường dễ thao tác. Cả 6 người còn lại là trai tráng đều nhảy ùm xuống biển. Nước chỉ ngập ngang hông họ, chiều sâu mặt nước chỉ đạt hơn 1m thì không có phương tiện nào có thể vượt cửa để ra khơi sản xuất. Phải mất 1 tiếng đồng hồ loay hoay, xoay xở liên tục, các lao động đi biển mới có thể đẩy thân tàu cá QNa-94419 đến khu vực trũng hơn. Con tàu quay ngoắc 180 độ chạy vội vào bờ vì nếu chậm thì thủy triều xuống, thiệt hại sẽ lớn hơn.
Tàu cá QNa-94439 hành nghề chụp mực của ngư dân TP.Hội An cũng đang bị mắc cạn vào sáng ngày 17.2. Xung quanh tàu cá này có rất nhiều phương tiện khai thác hải sản của ngư dân các địa phương Duy Hải, Duy Vinh, Duy Nghĩa (Duy Xuyên), Cẩm Thanh, Cửa Đại (TP.Hội An) neo đậu vì không thể ra khơi đánh bắt hải sản. Hàng nghìn lao động nghề cá mắt đăm đăm dõi nhìn ra cửa biển rồi thở dài ngao ngán. Họ bất lực vì ngay cả khi thủy triều “đội đỉnh” cũng không thể tìm luồng nước sâu để đưa thuyền vượt… cạn. “Trời ơi, thế này thì chỉ có nước ngất xỉu thôi. Từ khi ra tết đến nay, chúng tôi đã 4 lần bị mắc cạn khi điều tàu ra cửa đi đánh bắt. Mỗi lần như vậy, hàng trăm cây đá cây trữ sẵn trên tàu thành nước hết. Chỉ tính riêng tiền đá cây thôi đã mất hơn 30 triệu đồng rồi” - ngư dân Đặng Ngọc Hùng (thôn Tân An, xã Bình Minh) than vãn.
Ông Trương Công Bảy - Phó Chủ tịch UBND xã Bình Minh (Thăng Bình) và phóng viên truyền hình Báo Quảng Nam tại "tọa độ mắc cạn" biển Cửa Đại. Ảnh: VIỆT VINH |
Ngư dân Nguyễn Văn Chơi cũng ở thôn Tân An ngậm ngùi: “Sinh kế chi mà điêu đứng như thế này. Hồi lũ tháng 12.2016 đến nay, tôi không thể đi biển được lần nào. Luồng lạch cửa biển Cửa Đại bị bồi lấp nặng nề không thể ra khơi được. Chỉ có cách đưa phương tiện vào neo đậu ở cửa An Hòa (Núi Thành) thì mới ra khơi được”. Ông Chơi dự tính, chi phí đưa tàu cá lên triền đà rồi thuê xe tải nặng chuyên chở đến An Hòa phải mất cả trăm triệu. Mà như vậy thì rất bất an vì tàu cá sẽ khó mà không bị hỏng hóc. Thấy dự tính khó khả thi, ông Chơi cùng hàng chục ngư dân khác ở xã Bình Minh buồn xo.
Thiệt đơn, thiệt kép
Theo quan sát của chúng tôi, rất nhiều lần, tàu cá của ngư dân ở khu vực phía bắc của tỉnh bị mắc cạn khi nỗ lực điều tàu qua cửa biển Cửa Đại để vươn khơi sản xuất. Họ đã chịu quá nhiều thiệt hại, mất hàng trăm triệu trồng sửa chữa cho tàu cá. Như trường hợp của ngư dân Nguyễn Văn Nhĩ (thôn Bình Tân, xã Bình Minh) khi đưa tàu cá QNa-95122 có công suất 850CV ra biển hành nghề câu mực khơi thì không may bị mắc cạn ở khu vực biển Cửa Đại. Mặc dù được các ngư dân và nhiều tàu cá gần đó ứng cứu nhưng do nước quá cạn nên chân vịt trên tàu bị gãy, thân tàu bị hư hỏng, tràn nước. Sau khi thủy triều dâng, tàu cá QNa-95122 đã được lực lượng cứu hộ lai dắt đến khu vực cảng Kỳ Hà (xã Tam Quang, Núi Thành) để lên đà sửa chữa. Thiệt hại của ngư dân Nguyễn Văn Nhĩ là 80 triệu đồng.
Mời bạn đọc xem clip:
.
Trao đổi với chúng tôi ngay tại hiện trường, ông Trương Công Bảy - Phó Chủ tịch UBND xã Bình Minh cho rằng, ngư dân luôn được vận động ra khơi sản xuất để làm giàu từ biển đi đôi với bảo vệ chủ quyền lãnh hải thiêng liêng của Tổ quốc, tuy nhiên biển Cửa Đại bị bồi lấp bấy lâu nay mà chưa thấy ngành chức năng có động tĩnh gì để khơi thông. Điều đáng suy nghĩ nhất là trước đây, Sở Giao thông vận tải tỉnh có thông tin với chúng tôi là sẽ triển khai nạo vét luồng lạch cửa biển Cửa Đại giai đoạn 2 sau khi Chính phủ đã thông qua kinh phí hơn 10 tỷ đồng. Trước đây, ngành chức năng cho rằng, thời tiết không thuận lợi nên chờ đến khi ra giêng sẽ triển khai. Vậy nhưng ra tận cửa biển Cửa Đại, chúng tôi vẫn chưa thấy có công đoạn nạo vét luồng lạch nào diễn ra.
Nhiều phương tiện ra đến biển Cửa Đại thì đành phải quay trở lại bờ. Ảnh: VIỆT VINH |
Ông Ngô Tấn - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cho rằng, thực trạng biển Cửa Đại bị bồi lấp bấy lâu nay mà chưa thể khơi thông là rất bức xúc. Ngư dân liên tục phản ánh, ngành thủy sản liên tục kêu gọi ngành giao thông mà vẫn chưa thể giải quyết. “Đến nay thời tiết đã ổn định, rất mong ngành giao thông mau chóng tiến hành nạo vét, khơi thông luồng lạch giai đoạn 2 ở vùng biển Cửa Đại, giúp các phương tiện khai thác hải sản được ra biển an toàn, tránh các thiệt hại lớn đáng tiếc” - ông Ngô Tấn nói.
QUANG VIỆT - PHAN VINH