Mắc nợ làng nghề

TRƯƠNG ĐIỆN THẮNG 22/04/2017 08:42

1. Cụ Đốc học Trần Đình Phong viết “Quảng Nam tỉnh phú” đã lâu, thỉnh thoảng tôi ngồi đọc lại. Văn chữ đã cũ mà lần nào cũng thích.

Làng nghề dệt chiếu thôn Đông Bình, xã Duy Vinh, Duy Xuyên. Ảnh: PHƯƠNG THẢO
Làng nghề dệt chiếu thôn Đông Bình, xã Duy Vinh, Duy Xuyên. Ảnh: PHƯƠNG THẢO

Đọc lại đoạn sau đây thì hiểu ra đất Quảng Nam lắm nghề. Người Quảng vì vậy không dựa vào thế độc canh cây lúa. Lại có buôn bán bắc nam nên càng làm cho các làng nghề phát triển. Nghề lại nuôi con dân ăn học, đọc được tân thư, thành ra có đổi mới, duy tân…  

“Thương thì buôn bán Bắc Nam, phố Minh Hương, Hội An, thuyền Trà Nhiêu, Bàn Thạch.
Công thì giữ nghề tổ phụ, lò rèn Phước Kiều, Phú Xuân, xưởng mộc Kim Bồng, chợ Phố.
Chỉ ba, canh bảy, gái giỏi dệt guồng,
Kiểu tròn, mẫu vuông thợ nghề đồ gốm.
…Chằm nón thợ nọ khéo tay, dệt chiếu nghề kia cũng thạo.
Cũng hay dệt sa, dệt lụa dệt là,
Nam trân, cảm lãm, am la trái ngon thường tiến,
Yến sào, ve non, mắm dảnh vật quý thường cung
Đá thì có cẩm thạch, đá cưa, đá mài,
Gỗ thì có gỗ lim, gỗ kiền, gỗ giáng.
Phước Giang có vỏ hến làm vôi, dễ bề xây cất,
An Xuân có bùn đầm khô chụm, tiện việc nấu nung.
Đá than để chạy khí cơ, trầm hương để cúng kỵ lạp.
Núi có sa nhơn, đậu khấu, đầm sinh cây lác, cây đay.
Thuốc thì thuốc Cẩm Lệ, trà thì trà Quế Sơn thanh tú.
Mật ngọt, gạo hèm nấu rượu, băng ba  lục đậu làm quà
Khéo hồ đến nỗi lầm: vải Thanh Quýt, lụa Hà Nhuận…”.

Ngẫm ra làng nào cũng có nghề. Nghề kế thừa từ cái khéo của tiên dân Chăm Hời, từ truyền dạy của cha ông cố xứ Bắc Hà và bàn tay thợ giỏi không chịu ngồi yên chờ may rủi. Nhưng nghề phát triển lâu bền cũng nhờ vào một cuộc đất trên nguồn dưới biển đâu đâu cũng sẵn lâm thổ sản và buôn bán hanh thông từ làng ra thành thị, ra Hàn xuống Phố với các thương thuyền tứ xứ về với Đàng Trong…

Các làng nghề truyền thống của Quảng Nam tính tời ngày nay cũng đã có 3 - 4 thế kỷ trước. Nghề càng mạnh càng gắn liền với các thị tứ, cảng thị như gốm Thanh Hà, đá Non Nước, đúc đồng đúc súng cận Thanh Chiêm và mộc Kim Bồng; gắn với giao thông sông nước và các ngả nguồn dọc trục Thu Bồn - Vu Gia như các làng nghề ươm tơ dệt lụa, làm quế, làm đường… Dọc bên các dòng Trường Giang, Câu Đê là những vạn chài hay ruộng trủng lại có các làng nghề làm mắm, nung vôi, dệt chiếu. Các làng nghề trải rộng các vùng đất khác nhau của Quảng Nam nhờ mạng lưới giao thông sông nước chằng chịt đã một thời giúp cho việc trao đổi hàng hóa đa chiều theo kiểu “mít non gửi xuống, cá chuồn gửi lên” vô cùng thuận lợi…

2. Trao đổi hàng hóa bằng buôn bán được gọi là giao thương. Rồi giao thương tạo ra sự giao lưu văn hóa của các vùng miền. Cái giai thoại thầy giáo Lương từ vùng biển lên Tý Sé, Dùi Chiêng còn đọng lại trong những lời ca hóm hỉnh:

“Tôi đây là khách qua đường
Tới đây tôi hát với mấy nường dùi chiêng
Tôi đây là khách miền xuôi
Leo lên miền ngược đem theo dùi không chiêng
Tôi về thương cảm liên miên
Các cô ở lại có chiêng không dùi…
Tôi về lòng dạ bùi ngùi
Đêm nằm trăn trở có dùi mà không chiêng…”.

Lắng sâu trong những câu hò ấy chắc hẳn là những mối tình duyên và hôn nhân đã mở rộng ra, không còn bó hẹp trong thôn xóm với những lũy tre gò bó nữa!

Trong hồi ký của giáo sư Hoàng Châu Ký về vùng đất Quế Sơn thời kháng chiến hay các truyện ngắn của nhà văn Nguyễn Văn Xuân, của Huỳnh Lý… ta cũng thấy thấp thoáng các cuộc giao thương hàng hóa ấy từ các làng dọc Thu Bồn, quanh Hội An với miền ngược. Cụ Huỳnh Lý mô tả những chuyến ghe chở mắm, rượu từ Hội An lên đổi mật ong, lâm thổ sản ở thượng nguồn rất sinh động trong tác phẩm “Đi tìm nhà vô địch” của ông. Các thợ đúc đồng ở Phước Kiều, Điện Bàn đi bán chiêng cồng cho bà con dân tộc miền núi và học được kỹ năng thẩm âm góp phần cho làng nghề nổi tiếng đến bây giờ. Thân sinh của nghệ nhân Lê Đức Hạ là nhà giáo Lê Tất mang nghề gốm lên vùng đất Tiên Sơn, quê hương của nhà cải cách Lê Cơ và phong trào Duy tân đầu thế kỷ trước, để sản xuất và cung cấp đồ dùng sinh hoạt cho người dân vùng trung du và những người tản cư, kháng chiến cho đến trước khi tập kết ra Bắc…

Đó là những ví dụ sinh động cho các sắc thái giao thương, giao lưu văn hóa làng nghề xứ Quảng trong quá khứ. Và tôi cho rằng đây cũng góp phần lý giải được vì sao về sau này, chuyện phân biệt địa phương, vùng miền ở Quảng Nam không nặng nề như nhiều nơi khác!

3. Tôi đọc lại nhiều sách cũ về lịch sử, văn hóa Quảng Nam và gần đây đọc thêm các tác phẩm viết về các nhân vật khoa bảng ở Duy Xuyên, Đại Lộc, Quế Sơn, Tiên Phước mới thấy rằng: Bên cạnh các danh nhân xứ Quảng là con cháu các gia đình khoa bảng truyền thống, số còn lại đều là con em của các gia đình công thương giàu có ở nhiều địa phương trong hai thế kỷ trước đây. Chính sự phát triển công, thương sâu rộng trong quá khứ đã thay đổi cuộc sống của nhiều gia đình từ kinh tế đến nhận thức về vai trò của kiến thức, của sự học. Nhiều con cái là hậu duệ của các làng nghề trù phú dần dần tiếp cận với ánh sáng văn hóa từ tấm gương của các nhà khoa bảng và nỗ lực vươn lên. Con cháu các cụ Cửu Diễn ở làng nghề dệt Mã Châu, của ông Sáu Diên ở làng đan đát An Thanh, của các làng nghề Gò Nổi, làng gốm Thanh Hà tiếp bước cha ông trở thành các nhà trí thức, là những ví dụ.

Kiến trúc sư Nguyễn Văn Nguyên nay là chủ của Bảo tàng đất nung Thanh Hà và anh em của anh đều lớn lên, trưởng thành từ đôi tay của những người thợ gốm. Các nhà điêu khắc đá - nghệ nhân nhân dân Nguyễn Long Bửu, Nguyễn Sáng là con của nghệ nhân Nguyễn Sang, cũng là một gia đình 6 đời làm nghề ở làng đá Non Nước. Ở làng Thanh Quýt quê tôi, nhiều giáo sư - tiến sĩ là con cháu của những người nông dân trồng và chế biến thuốc lá Cẩm Lệ nổi tiếng; trong đó có cha con giáo sư toán Lê Tự Hỷ, giáo sư - tiến sĩ Lê Tự Quốc Thắng… Nhiều người trong số họ khi về làng đều không quên rằng họ đã ăn hạt gạo của ruộng làng, uống gáo nước của giếng làng mới có ngày nay. Nguyễn Long Bửu thì bảo anh thành danh là bởi “hưởng lộc của làng nghề”. Nguyễn Văn Nguyên lại nói: “Bảo tàng đất nung Thanh Hà” là một của hương hỏa mà tôi hưởng của làng gốm”!

Xưa, cụ Đốc học Trần Đình Phong viết “Quảng Nam tỉnh phú” đã kết thúc bằng những câu đầy ý nhị: “Ở gần nhiệt đới, lạnh ít nóng nhiều, vì phương Nam là nơi trưởng dưỡng, khác với khí hậu bắc phương/ Rực rỡ thay! Nghìn năm bờ cõi, một dãy phong cương. Đất ngày mở thêm, vật ngày càng thịnh/… Gặp hội minh trào, thấm nhuần mưa móc/ Có thấy phong vật tốt tươi trong một tỉnh, mới biết công ơn giáo dục trải ba trăm năm...”. Nay, những thế hệ hậu duệ các làng nghề xứ Quảng trưởng thành và đều hướng về nguồn cội, làm rạng danh quê quán, cũng chính bởi ai cũng ghi trong lòng “món nợ” của làng!

TRƯƠNG ĐIỆN THẮNG

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Mắc nợ làng nghề
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO