(QNO) - Rất nhiều lần như thế, đọc “Người trẻ dáng nâu” (NXB Lao Động ) của nhà thơ Nguyễn Trung Bình, tôi lại bắt gặp hình ảnh ở thầy cô tôi, ở bạn bè tôi, ở người trao tôi nhiều hơn một ánh mắt…
Người Quảng, dáng nâu, tuổi thơ và tình yêu - đi về phía nào cũng mắc cạn. “Cao cả, thiêng liêng, thẳm sâu, chân chất” trong một ý thơ của Xuân Diệu có lẽ là những từ hiển minh nhất để nói về “Bài của trẻ dáng nâu” của Nguyễn Trung Bình. Đọc thơ anh tự thấy mình “có lỗi” bởi ta không đủ sức để thấu hiểu một điều giản dị - người Quảng: dáng nâu!
Bìa tập thơ "Người trẻ dáng nâu". |
Cái dáng nâu gợi nhắc: “đàn ông quấn thuốc lá sâu kèn bập bập khói lan man chiều, đàn bà trầu nhai thuốc rê nhổ bẹt bẹt đỏ nắng, trẻ con bú vú Chàm căng mọng, nói mớ, đái dầm ướt cả đêm, người hanh hao nhưng cãi ran chiều; gợi nhắc “tuổi thơ mắc cạn” trên dòng sông ký ức - về cũng dở mà ở không xong, gợi bao dáng hình lạ quen đã đi những dặm dài trên hành trình mở cõi.
Tự cho mình “ăn cục nói hòn”, “bước vào đời qua tấm lưng trâu” nhưng biết đợi chờ nhau bao ngày nắng, bao mùa mưa giữa Cửa Đợi, sông Hoài. Không phải bước dừng chân nào cũng dài như suy tưởng nhưng có lẽ ai đó đã nán lại xứ này quá lâu nên vấn vít bao nỗi ân tình, để lại cái màu nâu không ở đâu đậm đà như thế, để lại ký ức tuổi thơ “như cái dằm ăn vô da thịt”!
Như đi qua nhưng tự mình níu lại, cái dùng dằng đi ở cũng muôn trùng như nẻo phân ly. Bài thơ nói nhiều đến chuyện đi: “lội qua sông, bước mãi, dắt đi, chạy lon ton, lên bờ, bước chưa giáp vòng hết đất, về, men lối cỏ dại, bỏ đi, quay lại, lên đường, đi và đi, đi và nhớ, quay về...”. Tuy nhiên, tất cả đều ở phía lừng khừng bên này - bên kia, mà bước về phía nào cũng mắc cạn! Cũng phải thôi, kiếm tìm chi nữa khi giản dị đã cận kề, lo chi nữa khi chùn chân mỏi gối đã có chỗ quay về!
Cái dáng nâu ấy tôi đã may mắn bắt gặp trong đời ở thầy cô tôi, ở bạn bè tôi, ở người trao tôi nhiều hơn một ánh mắt. Cuộc đời không đủ dài để mãi yêu mà không đủ ngắn để tôi dừng lại, cứ thế lần khần những tình cảm không thể thứ tha nếu buông bỏ trong cuộc đời.
Cảm ơn Nguyễn Trung Bình và ai đó đã làm “đất lạ hóa quê hương” nhưng nợ nần thay vì thế mà tôi phải trả, mà ai bắt tôi trả khi chính tôi cũng không muốn hết nợ với người - người Quảng dáng nâu.
NGUYỄN THU HÀ