Mặn, trước tiên là... nước mắm.
Mấy ngày qua nghe chuyện Hội Tiêu chuẩn - bảo vệ người tiêu dùng (VINASTAS) công bố kết quả khảo sát mặt hàng nước mắm, có cái gì đấy mặn chát. Theo kết quả ấy, 125/150 mẫu được khảo sát không đạt ít nhất 1 trong 5 chỉ tiêu về hóa học, trong đó có trên 50% mẫu không đạt về hàm lượng nitơ tổng, 67% không đạt về hàm lượng asen hữu cơ.
Dù đại diện VINASTAS cho biết không công bố danh tính của các sản phẩm không đạt, mà thông tin chỉ mang tính cảnh báo người tiêu dùng, nhưng một số trang mạng xã hội đã tung kết quả kể trên, có đầy đủ tên và nhà sản xuất sản phẩm. Thông tin sau đó lại gỡ bỏ nhưng dư luận đã đủ ồn ào nghi hoặc. Chuyện to ra khi báo Tuổi trẻ cho biết bà Hồ Kim Liên - Chủ tịch Hiệp hội sản xuất nước mắm Phú Quốc, đã ký công văn gửi Bộ NN&PTNT và Bộ Y tế đề nghị tổ chức hội đồng đánh giá lại cơ sở khoa học và pháp lý của kết quả khảo sát mà VINASTAS đã công bố. Được biết, nước mắm Phú Quốc có chứng nhận bảo hộ chỉ dẫn địa lý của Liên minh châu Âu từ năm 2012, đang xuất sản phẩm đi các nước châu Âu, Mỹ, Nhật, Úc... vốn có hàng rào kỹ thuật rất nghiêm ngặt về an toàn thực phẩm nhưng không gặp bất cứ cảnh báo nào về hàm lượng thạch tín không an toàn. Có lẽ bà Liên lo ngại những thông tin không chuẩn xác về thạch tín như phân tích của VINASTAS có thể ảnh hưởng đến xuất khẩu nước mắm của Việt Nam, trong đó có nước mắm Phú Quốc.
Doanh nghiệp và người tiêu dùng không thể không lo ngại. Bởi nước mắm là “trung tâm” của nền văn minh ẩm thực Việt Nam và nhiều nước phương Đông. Nước mắm được sử dụng hầu hết trong các món ăn của người Việt. Chén nước mắm nằm giữa mâm cơm đã mang tính chất cộng đồng. Vậy nên rộng ra cả cộng đồng xã hội, nếu chất lượng nước mắm có bề gì thì sao mà không lo cho được?
Cái sự mặn không chỉ có trong chuyện ẩm thực với nước mắm mà còn ở đời sống tinh thần. Nước mắt đã mặn xót với cảnh lũ lụt hãi hùng đổ xuống 4 tỉnh bắc miền Trung khi chưa nguôi nỗi đau biển bị ô nhiễm, cá chết. Nhiều người dân đã không có nước mắm mà ăn nay lại lâm cảnh đói cơm lạt muối. Trong bối cảnh ấy lại lộ ra chuyện thủy điện xả lũ. Nghe mà mặn đắng với cái cách giải thích xả lũ “đúng quy trình” vô cảm với sinh mạng của dân chúng!
May thay giữa muôn trùng khó khăn mà bà con vùng lũ lụt phải gánh chịu, đã có tình cảm của cộng đồng dành nhiều sự sẻ chia mặn nồng. Bên cạnh sự vào cuộc của hệ thống chính trị, người ta chứng kiến mạng xã hội đã nhanh chóng huy động sự đóng rất lớn để giúp đỡ đồng bào trong cơn hoạn nạn. Rất nhiều cá nhân, các tổ chức dân sự đã chung tay vì cộng đồng, không chỉ góp tiền của mà còn đến tận nơi để trao tặng quà cứu trợ. Có người, như MC Phan Anh, bằng uy tín xã hội đã kêu gọi qua facebook đến 16 tỷ đồng để ủng hộ bà con vùng lũ. Thật đáng khâm phục và trân trọng những tấm lòng tương thân tương ái vì cộng đồng!
“Thế gian biến cải vũng nên đồi/ mặn nhạt chua cay lẫn ngọt bùi...”, Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm đã để lại một nhận xét như thế về chuyện thế thái nhân tình. Lấy riêng cái vị mặn để xét thôi, đã thấy từ đời sống vật chất đến tinh thần nghe thấm nhiều cung bậc, nào mặn chát, mặn đắng, mặn quắn (lưỡi), mằn mặn, mặn nồng, mặn mà, mặn mòi... Từ ấy vận vào, mặn chuyện thời sự xã hội, thấy đan xen, thậm chí trái ngược những cảm xúc buồn vui, nỗi đau và hạnh phúc, ủng hộ và phẫn nộ, lo âu...
NGUYỄN ĐIỆN NAM