Mạng lưới y tế thôn bản: Cần những chính sách đồng bộ

NGUYỄN DƯƠNG - TRƯƠNG TÂM THƯ 19/11/2016 08:53

Quảng Nam có địa bàn miền núi, vùng sâu vùng xa rất phức tạp, bị chia cắt thường xuyên; người dân sống rải rác, dàn trải, gây khó khăn lớn cho việc chăm sóc sức khỏe cộng đồng. Mạng lưới nhân viên y tế thôn bản được xem là cánh tay nối dài của ngành y tế, là nhân tố then chốt trong việc tuyên truyền, giáo dục sức khỏe, giúp người dân ở những nơi này tiếp cận với quyền lợi được chăm sóc y tế. Nhưng đến nay, việc xây dựng đội ngũ này vẫn còn nhiều bất cập, hầu hết là những người kiêm nhiều nhiệm vụ, nhiều trường hợp không đảm bảo chuyên môn, năng lực công tác, mức phụ cấp chưa tương xứng… Trước thực tế đó, ngành y tế đang khẩn trương xây dựng đề án kiện toàn mạng lưới y tế thôn bản để sớm trình cơ quan chức năng phê duyệt, áp dụng vào thực tế.

Phụ cấp ít, trách nhiệm nhiều

Mặc dù đảm nhiệm đến 9 nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu của người dân nơi địa bàn đứng chân, nhưng hiện các nhân viên y tế thôn bản chỉ được hưởng chế độ phụ cấp hết sức ít ỏi, không tương xứng với công việc.  

Phụ cấp chỉ bằng một bữa đi chợ

Hiện nay, toàn tỉnh có 1.767 nhân viên y tế thôn bản được phân bố hoạt động trên khắp các thôn bản, có thôn bản bố trí đến 2 nhân viên, nhưng cũng không thể “phủ sóng” hết địa bàn dân cư. Nhân viên y tế thôn bản đã và đang trở thành những nhân tố quan trọng trong công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân và phòng chống dịch bệnh. Tuy nhiên, mức phụ cấp cho họ hiện nay rất thấp. Trung bình mỗi tháng, cán bộ y tế thôn bản chỉ được nhận khoảng từ 60.000 đồng đến 325.000 đồng tùy theo vùng.

Trong đợt tiêm chủng phòng dịch bạch hầu ở Phước Sơn, những y tế thôn bản là người hoạt động năng nỗ nhất để vận động bà con đến tiêm chủng đầy đủ.Ảnh: DƯƠNG THƯ
Trong đợt tiêm chủng phòng dịch bạch hầu ở Phước Sơn, những y tế thôn bản là người hoạt động năng nỗ nhất để vận động bà con đến tiêm chủng đầy đủ.Ảnh: DƯƠNG THƯ

Chúng tôi vẫn còn nhớ cái lần dịch bạch hầu bùng phát ở xã Phước Lộc, huyện Phước Sơn làm 4 người chết. Người dân hoang mang, gọi đó là bệnh lạ. Đến khi các tổ chức y tế đến kiểm tra mới phát hiện ra dịch bạch hầu và huy động thuốc, nhân lực đi vận động, tuyên truyền bà con tiêm chủng phòng ngừa. Và chính những người cán bộ y tế thôn bản ở đây phải băng rừng, lội suối để đến từng nhà thuyết phục họ đưa nhau đi tiêm phòng. Chuyện tưởng chừng dễ nhưng hóa ra lại khó, bởi người dân ở đây sợ tiêm hơn… sợ chết. Hơn nữa, hầu hết thời gian họ ở trên nhà rẫy, có khi cả tháng mới về làng một lần, thành thử để kêu gọi đông đủ là rất khó. Bà Hồ Thị Nhung, cán bộ y tế thôn 6, xã Phước Lộc kể, bà cùng với 5 người còn lại (xã có 6 cán bộ y tế thôn bản) chia nhau về các thôn để vận động bà con đi tiêm phòng. Khổ nỗi, mỗi thôn, mỗi nóc cách xa nhau có khi cả nửa ngày đường nên rất khó khăn. “Khó nhất là phải chờ được họ đi làm rẫy về để thông báo ngày giờ tiêm phòng, để bảo với họ là tiêm không có chết, chỉ có không tiêm mới chết thôi. Có khi chờ cả 2 - 3 ngày mới được. Thuyết phục mãi họ mới nghe…” - bà Nhung kể.

Mỗi tháng, những người như bà Nhung nhận được phụ cấp 325 nghìn đồng. Số tiền đó chưa đủ cho bà đổ xăng và tiền cước điện thoại mỗi tháng. “Mình vẫn muốn làm, nhưng ít tiền quá. Giờ chỉ mong được thêm ít nữa để trang trải cuộc sống”- bà Nhưng bảo. Tương tự, anh Hồ Văn Phân, cán bộ y tế thôn 2 xã Phước Thành cũng được nhận chừng đó tiền. Đối với anh, số tiền này chỉ đủ để đổ xăng xe vài lần đi tuyên truyền cho bà con nơi đây. “Mình làm vì nghĩa vụ, cũng muốn đóng góp tí công sức cho xã, chứ chừng đó tiền thì chẳng đủ để làm gì cả” - anh Phân nói.

Đó là phụ cấp dành cho những người ở vùng sâu vùng xa, phụ cấp đối với những cán bộ y tế thôn bản ở đồng bằng còn thấp hơn nữa, có nơi chỉ nhận được 60 ngàn đồng/tháng. Như bà Thân Thị Xuân Thông, là người đã có 10 năm làm y tế của thôn Cao Duy Đông, xã Điện An, thị xã Điện Bàn cho biết, từ khi Điện Bàn được nâng lên thành thị xã thì tiền phụ cấp hàng tháng của bà cũng giảm xuống còn 60 ngàn đồng/tháng. “Khi lên thị xã thì được nâng lên thành phường, mà trong quy định đối với cán bộ y tế thuộc phường thì chỉ có chừng đó tiền thôi. Ít quá. Không đủ để đi chợ cho một bữa ăn của gia đình” - bà Thông nói.

“Nhiều khi cả đêm hôm vẫn phải lặn lội vào đến từng nhà để tuyên truyền cho họ về phòng chống sốt xuất huyết, dọn dẹp vệ sinh để phòng tránh. Người hay thì chớ, chứ gặp nhiều người khó chịu ra mặt vì bị làm phiền. Vất vả thế nhưng số tiền nhận được lại chẳng xứng với công sức bỏ ra, buồn lắm chớ. Nhưng cũng gắng mà làm”- bà Võ Thị Thanh, cán bộ y tế của khối phố 7, phường Vĩnh Điện cho biết.

Cần có mức chi trả phù hợp

Phụ cấp hàng tháng đối với nhân viên y tế thôn, bản được chi trả theo Quyết định 75/2009/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ năm 2009, với các mức: Mức 0,5 (so với mức lương tối thiểu chung, là 325 nghìn đồng) áp dụng đối với nhân viên y tế tại các xã vùng khó khăn theo Quyết định số 30/2007/QĐ-TTg ngày 5.3.2007 của Thủ tướng Chính phủ ban hành danh mục các đơn vị hành chính thuộc vùng khó khăn. Mức 0,3 (195 nghìn đồng) áp dụng đối với nhân viên y tế tại các xã miền núi và các xã đồng bằng còn lại. Mức 0,154 (100 nghìn đồng) cho nhân viên y tế các tổ dân phố, khối phố, thôn thuộc các thị trấn miền núi, vùng cao, vùng khó khăn. Mức 0,092 (60 nghìn đồng) cho nhân viên y tế  các tổ, khối phố thuộc phường, thị trấn đồng bằng còn lại.
(Nguồn: Quyết định 3323/QĐ-UBND của UBND tỉnh)

Ông Ngô Thoại - Giám đốc Trung tâm Y tế Điện Bàn cho biết, đã nhiều lần kiến nghị với các cơ quan chức năng để có thay đổi về phụ cấp cho những người làm y tế ở thôn nhưng chưa có kết quả. “Toàn thị xã có 182 cán bộ y tế ở 182 thôn, khối phố. Đây là những cánh tay đắc lực trong việc tuyên truyền, vận động và chăm sóc sức khỏe cho cộng đồng. Nhất là trong những đợt cao điểm như thực hiện các mục tiêu quốc gia về y tế, tuyên truyền phòng chống HIV/AIDS hay phòng chống sốt xuất huyết… Họ chính là những người gần dân nhất, có ghi chép, báo cáo nhanh nhất tình hình của khu vực mình sống để báo cáo lên TTYT nên rất quan trọng. Nhưng với mức chi trả hiện tại cho họ thì chưa được hợp lý” - ông Thoại nói.

Sở Y tế cũng thừa nhận, việc chi trả phụ cấp, kinh phí hỗ trợ cho nhân viên y tế thôn bản hiện nay còn quá thấp nên chưa khích lệ trong công việc, ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng hoạt động, một số nhân viên y tế thôn bản phải bỏ việc giữa chừng. Chị Hồ Thị Hiếu - Trạm trưởng Trạm Y tế xã Trà Cang, huyện Nam Trà My cho biết, cán bộ y tế thôn bản ở đây vẫn duy trì nhưng hoạt động kém hiệu quả. “Do kinh phí hỗ trợ họ ít nên phần lớn không mấy mặn mà với công việc này. Chỉ mỗi lần hội họp thì họ vẫn tham gia, nhưng hoạt động cũng cầm chừng vậy à”- chị Hiếu cho hay. Tương tự, ông Chơrum Thanh Vòm - Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Nam Giang cho biết, huyện có 63 cán bộ y tế ở 63 thôn nhưng đã có đến 10 người xin nghỉ để làm việc khác. “Với những chương trình mục tiêu quốc gia về y tế hay tuyên truyền vận động người dân thì 90% công việc này là do cán bộ y tế thôn bản phụ trách. Bởi những y bác sĩ phải lo công tác khám chữa bệnh nên phần lớn công việc này đều giao cho họ. Tuy nhiên, với mức chi trả phụ cấp thấp như hiện tại thì rất khó khăn cho cán bộ y tế của thôn bản cũng như cho huyện trong việc tìm người thay mới”- ông Vòm nói.

“Chuẩn hóa” đội ngũ y tế thôn bản

Đội ngũ nhân viên y tế thôn bản hiện nay được đánh giá là chưa đáp ứng nhu cầu chuyên môn, nhiều người chưa qua đào tạo hoặc đào tạo rất sơ sài, chưa đạt yêu cầu chuyên môn.

Trong những năm qua, đội ngũ nhân viên y tế thôn bản đã được Sở Y tế và Trường Cao đẳng y tế, dự án hỗ trợ y tế vùng duyên hải Nam Trung Bộ và một số chương trình khác tổ chức đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng để đáp ứng nhiệm vụ. Các nhân viên y tế thôn bản được đào tạo với nhiều hình thức, từ một tuần, một tháng, ba tháng, sáu tháng đến một năm. Ngoài ra còn những người đã qua đào tạo trình độ trung cấp, gồm y sĩ, dược sĩ, hộ sinh, điều dưỡng, y tá, lương y… Ông Lê Văn Tiến - Trưởng phòng Tổ chức – cán bộ (Sở Y tế) cho biết, trong tổng số 1.767 nhân viên y tế thôn bản hiện nay, thì có 1.383 người đã qua các lớp đào tạo y tế thôn bản, nhưng chỉ có 116 người có trình độ chuyên môn bậc trung cấp. Và hiện vẫn còn 260 nhân viên y tế thôn bản chưa được đào tạo chuyên môn.

Trong những đợt khám chữa bệnh miễn phí cho đồng bào của các cơ sở y tế hay biên phòng tỉnh, chính những y tế thôn bản là người đi thông báo, vận động bà con đến để được khám chữa bệnh. Ảnh: DƯƠNG THƯ
Trong những đợt khám chữa bệnh miễn phí cho đồng bào của các cơ sở y tế hay biên phòng tỉnh, chính những y tế thôn bản là người đi thông báo, vận động bà con đến để được khám chữa bệnh. Ảnh: DƯƠNG THƯ

Anh Hồ Văn Dêm, nhân viên y tế thôn 2 xã Trà Cang tâm sự: “Trạm Y tế xã  giao nhiệm vụ gì thì mình làm cái đó thôi, chứ kiến thức về y tế của mình còn ít lắm. Chỉ đi tuyên truyền bà con chống sốt xuất huyết hay kế hoạch hóa gia đình được thôi, chứ mấy cái chuyên sâu hơn thì mình chịu”. Chị Hồ Thị Hiếu - Trạm trưởng Trạm Y tế xã Trà Cang cho biết, toàn xã có 15 nhân viên y tế thôn bản phụ trách 7 thôn với gần 20 nóc. “Mỗi nóc cách nhau rất xa, việc đi lại của cán bộ y tế thôn bản vì thế gặp rất nhiều khó khăn. Thêm vào đó, họ cũng chỉ mới trải qua những lớp tập huấn sơ cấp nên còn hạn chế trong việc chăm sóc sức khỏe cho cộng đồng, chủ yếu là họ theo dõi, ghi chép tình hình của thôn, nóc mình phụ trách để báo cáo kịp thời cho xã, huyện” - chị Hiếu nói.

Ông Lê Văn Tiến nhận định: “Nhìn chung, trình độ văn hóa lẫn trình độ chuyên môn của nhân viên y tế thôn bản còn hạn chế, lại gặp nhiều khó khăn trong việc học tập, nâng cao trình độ, cập nhật kiến thức mới, nên công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe người dân cũng bị ảnh hưởng không ít” – ông nói. Cũng theo ông Tiến, đội ngũ nhân viên y tế thôn bản không ổn định, hầu hết họ làm kiêm nhiệm, nhiều người nghỉ việc do thay đổi công việc chính, chuyển chỗ ở, hoặc do sức khỏe, lớn tuổi… mà chưa thể tìm người khác thay thế kịp thời. Tại một số huyện, mặc dù đã cử người đi học lớp y tế thôn bản, nhưng đến nay họ vẫn chưa được hưởng chế độ phụ cấp do số định suất ít hơn số nhân viên y tế thôn bản đang làm việc.

Một thực tế khác là, hiện rất nhiều nhân viên y tế thôn bản đã cao tuổi, thậm chí hàng chục người hơn 75 tuổi, không thể đáp ứng được công việc. Trong khi đó, nhu cầu đào tạo mới nhân viên y tế thôn bản để đáp ứng đủ nguồn nhân lực và để bổ sung, thay thế đội ngũ nhân viên y tế thôn bản nghỉ việc là rất lớn - khoảng 350-400 người. Một số địa phương có số người nghỉ rất cao, như Thăng Bình 30 người, Duy Xuyên, Nam Trà My mỗi nơi 21 người, các huyện còn lại mỗi năm đều có 1 - 5 người nghỉ mỗi năm…

Hiện Sở Y tế đang tiến hành rà soát, tổ chức lại đội ngũ nhân viên y tế thôn bản,  xây dựng đề án về chính sách y tế thôn bản theo hướng nâng cao chất lượng đội ngũ, xây dựng thêm mạng lưới cô đỡ thôn bản tại một số địa bàn khó khăn, đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe người dân, đồng thời nâng cao chế độ đãi ngộ cho nhân viên y tế thôn bản cho phù hợp với thực tế.  Sở Y tế cũng quy định cụ thể các tiêu chuẩn đối với nhân viên y tế thôn bản, về tuổi đời, học vấn, chuyên môn…

Những kiến nghị, đề xuất

Ông Nguyễn Văn Hai - Giám đốc Sở Y tế:  

Việc duy trì mạng lưới cán bộ y tế thôn bản là hết sức cần thiết. Nhưng để làm được điều này thì cần phải có nhiều thay đổi căn bản để giải quyết gốc rễ của vấn đề. Trong đó tăng mức phụ cấp hàng tháng và kinh phí hỗ trợ đào tạo kỹ năng là cần thiết nhất. Trong thời gian tới,  Sở Y tế sẽ phối hợp với các địa phương để từng bước thực hiện việc lồng ghép nhân viên y tế thôn bản kiêm nhiệm thêm một số công việc tại thôn bản như: cô đỡ thôn bản, cộng tác viên dân số hoặc một số công việc ở ban dân chính thôn…, vừa tạo điều kiện để nhân viên y tế thôn bản có thêm thu nhập vừa hỗ trợ cho công tác.

Chức năng, nhiệm vụ được giao nhiều nhưng chi phí phụ cấp hàng tháng đối với y tế thôn bản còn quá thấp. Ảnh: DƯƠNG THƯ
Chức năng, nhiệm vụ được giao nhiều nhưng chi phí phụ cấp hàng tháng đối với y tế thôn bản còn quá thấp. Ảnh: DƯƠNG THƯ

Theo đó, cần phải tổ chức lại việc quản lý đội ngũ nhân viên y tế thôn bản theo hướng chính quy và khoa học hơn. Đặc biệt là kêu gọi đội ngũ tình nguyện viên sức khỏe cộng đồng là những người có tâm huyết với công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân để tăng cường công tác y tế tại các thôn bản. Bên cạnh đó, cần phải bố trí kinh phí, hỗ trợ công tác đào tạo mới, đào tạo liên tục để đáp ứng kịp thời nhu cầu của các đơn vị, có nguồn nhân lực để thay thế, bổ sung cũng như tạo điều kiện cho nhân viên y tế thôn bản được học tập nâng cao trình độ chuyên môn, cập nhật kiến thức mới và học hỏi kinh nghiệm nhằm góp phần phục vụ tốt hơn công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân.

Sở đã đề nghị các cấp, ngành có cơ chế giải quyết hoặc hỗ trợ nguồn kinh phí phù hợp đối với nhân viên y tế thôn bản, đặc biệt là nhân viên đang hoạt động tại các phường của thành phố, thị xã (nơi có chi phí cao) để anh chị em trách nhiệm hơn trong công việc và an tâm tiếp tục tham gia công tác y tế tại địa phương. Nhân viên y tế thôn tham gia hoạt động công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân nhưng đến nay chưa có chế độ được cấp thẻ BHYT, thiết nghĩ đây là quyền lợi thiết thực nhất cần phải được giải quyết trong thời gian đến.
Ông Hồ Quang Bửu - Chủ tịch UBND huyện Nam Trà My:

Để y tế thôn bản mang lại hiệu quả thì cần phải giải quyết 2 vấn đề cơ bản nhất: Tăng số tiền phụ cấp hàng tháng cho họ cũng như hỗ trợ họ trong việc đi lại tuyên truyền; Cần phải đào tạo lại trình độ cho những cán bộ này để họ có được những kiến thức cơ bản nhất trong chăm sóc sức khỏe cộng đồng, hiệu quả mang lại cũng sẽ thiết thực hơn. Nếu có thể được thì nên giao trạm y tế xã và y tế thôn bản về cho huyện quản lý. Như vậy sẽ dễ dàng hơn trong việc quản lý về con người cũng như các chế độ chính sách kịp thời hơn. Giờ trung bình cứ 3 - 6 tháng mới chi trả tiền phụ cấp cho họ thì tránh làm sao được việc họ chán nản, không tâm huyết với công việc?
Chị Hà Thị Bích Đào, nhân viên y tế của thôn 1 xã Trà Mai (Nam Trà My):

Do mức phụ cấp còn thấp mà chức năng nhiệm vụ được giao quá nhiều nên rất khó để làm tròn. Không biết ở xuôi thì thế nào chứ ở trên này mỗi bản, mỗi nóc cách nhau quá xa. Có nóc phải đi xe ôm chứ xe máy bình thường không lên được. Mà giá xe ôm mỗi cuốc như vậy 350 - 500 nghìn đồng thì tiền ở đâu ra? Hơn nữa, là phụ nữ nên còn phải gánh vác chuyện gia đình nữa, vì vậy rất khó cho chị em chúng tôi.

Nhiệm vụ của nhân viên y tế thôn, bản làm công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu:
a) Tuyên truyền, giáo dục sức khỏe tại cộng đồng;
b) Tham gia thực hiện các hoạt động chuyên môn về y tế tại cộng đồng;
c) Chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em và kế hoạch hóa gia đình;
d) Sơ cứu ban đầu và chăm sóc bệnh thông thường;
đ) Tham gia thực hiện các chương trình y tế tại thôn, bản;
e) Vận động, hướng dẫn nhân dân nuôi trồng và sử dụng thuốc nam tại gia đình để phòng và chữa một số chứng bệnh thông thường;
g) Tham gia giao ban định kỳ với trạm y tế xã, phường, thị trấn (sau đây gọi là trạm y tế xã); tham gia các khóa đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng về chuyên môn do cơ quan y tế cấp trên tổ chức để nâng cao trình độ;
h) Quản lý và sử dụng hiệu quả Túi y tế thôn, bản;
i) Thực hiện ghi chép, báo cáo kịp thời, đầy đủ theo hướng dẫn của trạm y tế xã.
(Nguồn: Thông tư số 07/2013/TT-BYT)

NGUYỄN DƯƠNG - TRƯƠNG TÂM THƯ

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Mạng lưới y tế thôn bản: Cần những chính sách đồng bộ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO