Mạnh dạn đổi giống trồng rừng

TRẦN HỮU 29/11/2016 08:12

Tháng 11 là thời điểm vào vụ mùa trồng rừng chính của nông dân các huyện trung du, miền núi. Nhờ chủ động từ sớm nên năm nay nguồn cây giống đảm bảo số lượng lẫn chất lượng.

Trước đây đánh vào tâm lý “ham rẻ” của nông dân, nhiều cơ sở vườn ươm giống cây lâm nghiệp truyền thống ồ ạt ra đời, nhưng lại thiếu đầu tư công nghệ, kỹ thuật. Hậu quả là cây chậm phát triển, năng suất  thấp, hay xảy ra dịch bệnh. Nhìn thấy các dự án thiết kế trồng rừng bài bản như WB3, KFW6 hoặc các mô hình điểm trồng cây keo cấy mô cho giá trị kinh tế vượt trội, nhiều nông dân đã bắt đầu thay đổi tư duy sản xuất theo hướng có lợi về sau. Hộ ông Lê Phước Trường (xã Đại Thạnh, Đại Lộc) đại diện cho nhóm hộ trồng gần 10ha keo cấy mô, nhận xét: “Sau hơn một năm trồng keo cấy mô, tôi thấy cây sống tuyệt đối. Trồng cùng thời điểm trên thổ nhưỡng giống nhau nhưng keo cấy mô sinh trưởng tốt hơn, cao gấp 1,5 lần và to hơn so với keo giâm hom, tai tượng truyền thống”. Theo tính toán của ngành nông nghiệp, mỗi héc ta keo giâm hom truyền thống thu về khoảng 70 triệu đồng nhưng keo lai nuôi cấy mô có thể cho đến 150 triệu đồng/ha.

Miền núi đã bắt đầu trồng rừng theo hướng nâng cao giá trị trên đơn vị diện tích.Ảnh: T.HỮU
Miền núi đã bắt đầu trồng rừng theo hướng nâng cao giá trị trên đơn vị diện tích.Ảnh: T.HỮU

Tại huyện Hiệp Đức từng mọc lên như nấm các vườn ươm cây giống hộ gia đình, phục vụ cho địa phương cũng như các huyện lân cận. Tuy vậy, 2 năm gần đây một số vườn ươm đã “chết yểu” do giống cây kém chất lượng, hoặc ở mức trung bình. Người trồng rừng chấp nhận đầu tư mua nguồn cây giống đắt gấp nhiều lần ở các vườn ươm có thương hiệu ngoài tỉnh, chứ không mua trôi nổi trên thị trường. Ông Huỳnh Đức Viên - Trưởng phòng NN&PTNT huyện Hiệp Đức khẳng định, bình quân mỗi năm trên địa bàn trồng mới và tái sinh 1.500ha; khai thác 2.000ha với năng suất bình quân 66 triệu đồng/ha. Đến nay xã Hiệp Thuận (Hiệp Đức) có 422ha được công nhận đạt chứng chỉ rừng quốc tế (FSC). Năm 2016 địa phương chuyển ít nhất 150ha rừng keo giâm hom sang giống keo nhập khẩu của Úc. “Rút kinh nghiệm, giống là một yếu tố quyết định năng suất rừng trồng nên nông dân mạnh dạn liên kết, liên doanh với các vườn ươm có uy tín, đảm bảo chất lượng.

Theo báo cáo của Sở NN&PTNT, Công ty CP Lâm đặc sản xuất khẩu Quảng Nam và dự án WB3 được công nhận 1.707ha  rừng trồng đạt tiêu chuẩn FSC. Ngoài ra, Tổ chức Bảo tồn thiên nhiên quốc tế - WWF cấp chứng chỉ FSC cho 700ha rừng trồng của người dân tại 2 huyện Tiên Phước và Hiệp Đức. Định hướng lâu dài của ngành nông nghiệp là có chính sách hỗ trợ chế biến sâu ván nhân tạo thay thế dần sản xuất nguyên liệu dăm giấy xuất khẩu như hiện nay.

Hiện giống truyền thống còn sử dụng phổ biến nhưng đã can thiệp đáng kể về mặt công nghệ và kỹ thuật” - ông Viên cho biết.  Còn ở huyện Tiên Phước, trong 10 năm (2005 - 2015), Ngân hàng Thế giới đã hỗ trợ giống, tạo điều kiện cho nông dân tiếp cận được kiến thức kỹ thuật trồng rừng đạt tiêu chuẩn quốc tế (FSC). Dự án WB3 cho bà con nông dân huyện vay 15 - 20 triệu đồng/ha để trồng keo, với tổng kinh phí vốn vay hơn 70 tỷ đồng. Cạnh đó, ngành nông nghiệp huyện hỗ trợ 140 nghìn cây keo giống tai tượng nhập khẩu từ Úc. Đến nay, nhân dân tham gia trồng được hơn 6.700ha rừng, giải quyết việc làm cho gần 3.000 hộ. Theo Phòng NN&PTNT huyện Tiên Phước, tại địa bàn có 20 nghìn héc ta đất rừng được người dân trồng keo lai, ước tính mỗi năm thu về hơn 200 tỷ đồng (chiếm 29% tổng giá trị sản xuất nông - lâm nghiệp).

Năm 2015, thông qua cơ chế khuyến khích phát triển trồng rừng sản xuất bằng giống keo nuôi cấy mô giai đoạn 2015 - 2020 trên địa bàn tỉnh, các địa phương Tiên Phước, Bắc Trà My, Đại Lộc, Núi Thành, Tây Giang và Đông Giang đã trồng thí điểm 45ha cây keo nuôi cấy mô. Năm nay, ngành nông nghiệp tiếp tục hỗ trợ mở rộng thêm 35ha cho 5 huyện  Phú Ninh, Tiên Phước, Hiệp Đức, Nông Sơn và Đông Giang (mỗi địa phương 7ha). Trung tâm Giống nông lâm nghiệp Quảng Nam đưa ra chỉ tiêu năm 2017 sẽ sản xuất 1 triệu cây giống keo nuôi cấy mô. Theo lộ trình tái cơ cấu ngành lâm nghiệp đến năm 2020, cả tỉnh sẽ mở rộng lên 12.000ha rừng bằng giống keo cấy mô. Theo Sở NN&PTNT, mùa trồng rừng đã bước vào cao điểm nhưng không xảy ra tình trạng thiếu cây giống sản xuất. Đề án tái cơ cấu ngành lâm nghiệp, nông dân tập trung phát triển cánh rừng gỗ lớn đã giảm đáng kể nguồn cây giống đầu vào. Thực tế diện tích trồng rừng không biến động nhiều, nhưng nếu đầu tư rừng gỗ lớn, mật độ cây trồng sẽ giảm đáng kể. Ước tính mỗi héc ta trồng bằng giống keo cấy mô, keo Úc sẽ giảm gần 1/3 số lượng cây keo giâm hom.

TRẦN HỮU

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Mạnh dạn đổi giống trồng rừng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO